• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng cam sành Lục Yên
    09/02/2022 2:20:00 CH
    Lượt xem: 5420

    Cam sành Lục Yên ngon nổi tiếng vùng núi phía bắc, quả và vỏ cam sành Lục Yên có màu vàng nâu, sần và dày. Múi cam róc vỏ, vàng rộm và mọng nước. Cam Lục Yên có vị ngọt đậm. để nâng cao chất lượng cam, tạo thương hiệu riêng của vùng đất ngọc, những năm qua, huyện Lục Yên đã quan tâm mở rộng diện tích cây cam sành, vận động nông dân canh tác theo quy trình VietGAP để cho ra sản phẩm an toàn.

    1. Tiêu chuẩn cây giống:          

    Hiện nay giống cam sành chủ yếu được nhân giống bằng ghép cây. Đây  là phương pháp nhân giống chính hiện nay có nhiêu ưu điểm: Cây khỏe, giữ được đặc điểm tốt của giống.

    - Cây giống là cây được nhân giống bằng phương pháp ghép.

    Yêu cầu: Cây mẹ khai thác lấy mắt để ghép phải đạt từ 4 tuổi trở lên.

    - Chiều cao từ gốc đến vị trí ghép là 20 - 25cm, chiều cao từ vị trí ghép đến đỉnh sinh trưởng từ 40 - 60cm, vết ghép liền, bộ lá hoàn chỉnh, phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có 2 - 3 cành cấp 1. Đường kính cây 0,8 - 1,0cm được đựng trong túi bầu bằng Polyetylen có kích thước (12 x 25) cm, bầu đất không vỡ vụn, khô cứng hoặc nhão bùn.

    - Cây giống khỏe mạnh, không bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại.

    2.  Chọn đất, đào hố, bón lót   

    Để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, nên chuẩn bị khâu này một cách kỹ lưỡng và chu đáo.

    - Chọn đất: Đất màu mỡ, thoát nước.   

    - Đào hố theo đường đồng mức trên đất dốc, trên đất bằng bố trí hố so le giữa các hàng. Khi đào hố, để riêng lớp đất mặt và đất giữa. Khoảng cách hố 4 - 5 m (mật độ 500 cây/ha). Kích thước hố: 60 x 60 x 60 cm.  

    - Xử lý khử trùng hố bằng Foocmalin theo tỷ lệ 2%: Phun đều xuống hố và đất đã đào. 

    - Bón phân cho mỗi hố :           

    + Lượng phân bón/hố: 40 - 50 kg phân hữu cơ + 0,1 kg phân đạm urê + 1,0 - 2,0 kg super lân + 0,1 kg phân kali và 0,5 - 1,0 kg vôi bột (nếu đất chua).

    Tất cả các loại phân trên được trộn đều lớp đất mặt đưa xuống hố, vun cao thành ụ cao hơn mặt đất 15 -20 cm. Hố phải được chuẩn bị trước khi trồng 15 - 30 ngày.  

    Trên đất dốc > 20 độ, có thể trồng xen cây cốt khí vào giữa 2 hàng cây, bằng cách rạch 2 hàng theo đường đồng mức, cách nhau 15 - 20 cm, gieo 30 - 50kg hạt/ha (Có thể trộn hạt với cát để gieo hạt cho đều, khoảng cách 3 - 5 cm/hạt).

    3.  Thời vụ trồng          

    - Vụ Xuân: Tháng 2 - 4, khi thời tiết đã ấm và có mưa ẩm.

    - Vụ thu: Tháng 8 - 9.

    4. Kỹ thuật trồng          

    - Xé bỏ túi nilon bầu, đặt bầu cây chính giữa hố nằm lọt vào hốc đã chuẩn bị, điều chỉnh cho cây đứng thẳng, mắt ghép quay về hướng gió chính, dùng đất nhỏ vun vào xung quanh bầu, dùng tay ấn nhẹ đất để đất tiếp xúc với rễ cây.  

    - Dùng cỏ, rác, rơm, rạ tủ kín xung quanh gốc để giữ ẩm dày 10 - 15 cm, cách gốc 15 - 20 cm. Dùng que nhỏ, cứng cắm xiên 45 độ để cố định cây trong đất.

    - Sau 1 tháng kiểm tra nếu thấy cây chết phải trồng dặm để đảm bảo mật độ

    Khi cây còn nhỏ, có thể trồng xen cây họ đậu để tránh cỏ dại, cải tạo đất, khi cây trưởng thành có thể trồng xen những cây ưa ánh sáng tán xạ như: Gừng, địa liền, rau ngót...Trồng xen ổi để xua đuổi rầy chổng cánh;

    5. Làm cỏ, tỉa bỏ mầm dại, tủ gốc, tưới nước

    - Thường xuyên làm sạch cỏ gốc. Loại bỏ mầm dại mọc từ gốc ghép để cây tập trung dinh dưỡng vào mầm ghép.

    - Dùng cỏ, rác, rơm, rạ để tủ gốc. Sau khi trồng, nên tưới nước 1 lần để đảm bảo cây đủ khỏe để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau 5 - 7 ngày tưới 1 lần nữa. Đặc biệt, những lúc ít mưa nên tưới 3 - 5 ngày 1 lần.

    Tuỳ từng điều kiện nếu thấy đất khô phải tưới nước, nếu trồng vào dịp trời mưa, nên tiến hành thoát nước ngay, không để cam sành bị ngập úng.

    6. Phòng trừ sâu bệnh:

    Cần thường xuyên thăm đồng và làm tốt công tác dự báo, dự tính tình hình phát sinh gây hại của một số loại sâu bệnh hại như: Sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, câu cấu hại cây non, nhện đỏ, nhện trắng, rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bệnh Greening, bệnh loét, bệnh ghẻ,... để chủ động và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

    Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện và đến ngưỡng cần phải phòng trừ (chú trọng đến các thời kỳ: sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn...). Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.

    Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sâu bệnh hại cây ăn quả có múi. Ap dụng các quy trình kỹ thuật xây dựng vườn cây ăn quả có múi năng suất, chất lượng (ICM): từ trồng mới, bón phân, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm,...

    7. Chăm sóc hàng năm cho cây cam:

    -  Cắt tỉa, tạo tán:       

    + Khi cây cao 50 - 60 cm thì tiến hành bấm ngọn để cây ra các càch cấp 1 cách vị trí ghép 25 - 30 cm. Mỗi cây để 3 - 4 càch cấp 1, phân bố đều ra các phía, tạo với thân chính 60 - 90 độ, cách nhau 30 - 40 cm. Các cành khác trên thân chính đều cắt bỏ.

    + Trên mỗi cành cấp 1 để 2 - 3 cành cấp 2 cách nhau 30 - 40 cm, cành cấp 2 đầu tiên để cách chỗ phân cành cấp 1: 40 - 50 cm, cành cấp 2 để 4 - 6 cành cấp 3, đây là cấp cành sẽ tạo ra cành mẹ để sinh ra cành quả hàng năm.          

    - Thường xuyên tỉa bỏ các cành trong tán: Cành tăm hương, cành vượt, cành la, cành bị sâu bệnh để tán cây luôn thoáng.

    8. Bón phân:   

    - Giai đoạn kiến thiết cơ bản (sau trồng 1 - 3 năm): Cần bón nhiều lần trong năm để cây ra được nhiều đợt lộc, tạo khung tán cho cây.    

    Lượng phân bón: 30 - 50 kg phân hữu cơ + 0,5 - 0,8 kg phân đạm urê + 0,8 - 1,2 kg phân supe lân + 0,3 - 0,4 kg phân kali + 0,5 - 1,0 kg vôi bột/cây.   

    Thời kỳ bón và lượng phân bón: Bón 4 lần trong năm:

    Lần 1: Tháng 2 với lượng: 40% phân đạm + 40% phân kali.

    Lần 2: Tháng 5 với lượng: 30% phân đạm + 30% phân kali.

    Lần 3: Tháng 8 với lượng: 30% phân đạm + 30% phân kali.

    Lần 4: Tháng 11 với lượng 30 - 50 kg phân hữu cơ/cây + 0,8 - 1,2 kg phân lân + 0,5 - 1,0 kg vôi.

    - Giai đoạn kinh doanh: Đối với cam thâm canh từ năm thứ 4 cần căn cứ vào sản lượng dự kiến thu hoạch để có công thức bón cho phù hợp:

    Lượng phân bón (g/cây)

    Năng suất quả (kg/cây)

    20

    40

    60

    90

    120

    150

    Urê

    650

    1.100

    1.300

    1.750

    2.200

    2.600

    Lân super

    830

    1.400

    1.700

    2.250

    2.800

    3.350

    Kali clorua

    375

    625

    750

    1.000

    1.250

    1.500

    Phân hữu cơ

    40

    50

    60

    80

    100

    120

     

    - Thời kỳ bón: Bón phân trong thời kỳ cây cho quả được chia làm 3 lần chính: bón sau thu hoạch quả, bón trước khi ra hoa và bón trong thời gian quả lớn. Lần bón thứ 3 có thể được chia thành 2 - 4 lần nhỏ, tùy điều kiện từng nơi.       

    + Bón sau thu hoạch: Toàn bộ phân hữu cơ + 10% phân đạm + 100% phân lân và 20% phân kali.       

    + Bón vụ Xuân (Trước và sau lộc Xuân xuất hiện): Bón 30% phân đạm và 30% phân kali.

    + Bón thời kỳ quả lớn (chia làm 2 - 4 lần): Bón 50% phân đạm và 50% phân kali.

    - Cách bón: Phân đạm, kali rạch rãnh xung quanh tán cây sâu 3 - 5 cm, bón phân, lấp đất.. Phân hữu cơ, lân trộn đều, đào rãnh xung quanh tán cây sâu 20 - 25 cm, bón phân, lấp đất.

    9. Thu hoạch và bảo quản:

    Tiến hành thu hoạch khi thấy quả có màu đỏ da cam và vàng lá cam 1/3 - ¼ diện tích vỏ quả thì thu hoạch. Nên tiến hành thu hoạch vào ngày nắng ráo để cam sành tươi ngon, không bị dập nát.

    Dùng kéo cắt sát núm quả để cuống quả dài > 5cm hoặc cắt sát cuống. Thu hái nhẹ nhàng, những quả sây xước, dập vỡ loại riêng không bảo quản.

    Bảo quản cam bằng phương pháp thủ công hoặc theo quy trình công nghệ.

    Không nên giữ quả lâu trên cây làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất vụ sau.

    10. Chăm sóc sau thu hoạch:

    Sau khi thu hoạch từ 25 - 30 ngày thì tiến hành cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…

    Nên quét vôi vào gốc cây phòng trừ sâu bệnh và bắt đầu một vụ mùa mới chất lượng và hiệu quả hơn.

    Đồng thời, nên tiến hành bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời và đúng cách để cây có thể hút chất dinh dưỡng chuẩn bị cho mùa quả mới.

     

    Tài liệu tham khảo:

    1. Quy trình chăm sóc cây cam sành (Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cao Bằng)

    2. Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây ăn quả có múi (Trang Web TTKN Yên Bái) 

    Nguyễn Xuân Thượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái