• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây địa liền
    21/12/2021 8:32:00 CH
    Lượt xem: 6953

    - Tên phổ thông: Địa liền.

    - Tên khoa học: Kaempferia galanga L.

    - Họ: Gừng (Zingiberaceae)

    - Tên khác: Thiền liền, Lương khương, Sơn lại, Tam lại.

    1. Công dụng và giá trị kinh tế

    1.1 Công dụng:

    Địa liền được sử dụng chủ yếu trong y học để làm thuốc. Củ có vị cay, tính ôn, vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp, chữa đau dạ dày, đau dây thần kinh, phong thấp, chữa ngực bụng lạnh, đau răng, làm cho ăn ngon, chóng tiêu, làm thuốc xông. Ngâm rượu làm thuốc bóp chữa tê phù, tê thấp nhức đầu, đau nhức. Ngoài ra củ Địa liền còn được sử dụng để làm gia vị chế biến các món ăn.

    Trong củ Địa liền có chứa tinh dầu được dùng để chế nước hoa, mỹ phẩm.

    1.2. Giá trị kinh tế:

    Là loài cây có giá trị kinh tế cao, sau 1 năm trồng đã cho thu hoạch củ, lượng giống trung bình để trồng địa liền từ 80 - 90 kg/360m2. Địa liền có 2 giống đang được trồng phổ biến là Địa liền trắng của Việt Nam, sau 1 năm trồng đạt năng suất từ  0,8 tấn - 1,2 tấn/360m2, và Địa liền tía giống Trung Quốc sau 1 năm trồng năng suất đạt từ 1,5 tấn - 1,9 tấn/360m2, với giá bán trung bình là 20.000 đồng/kg củ, đã cho thu nhập từ 12 - 20 triệu đồng/sào Bắc Bộ (360m2) sau khi đã trừ chi phí.

    2. Điều kiện gây trồng

    Địa liền có thể được trồng ở hầu hết các tỉnh từ Bắc vào Nam, ở những nơi có điều kiện gây trồng đáp ứng yêu cầu sau:

    - Nhiệt độ trung bình năm: 20 - 230; Nhiệt độ cao nhất: 400C; Nhiệt độ thấp nhất: 10C; Lượng mưa trung bình năm: trên 1.500mm.

    - Độ cao thích hợp từ 50 - 600m so với mực nước biển; Thích hợp nơi có độ dốc <150.

    - Địa liền thích hợp với các loại đất đất phù sa, đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước. Ở trung du và miền núi đất feralit, tầng đất dày ≥ 60cm, tầng đất mặt có màu xám đen đến nâu vàng, hàm lượng mùn trên 3%, thành phần cơ giới trung bình hoặc thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, độ ẩm cao, chua yếu (pH từ 4,0 - 5,0).

    Thích hợp trồng ở nơi đất trống hoặc nơi có bóng rợp mát, thích hợp nhất trồng trong vườn hộ, đất nông nghiệp, dưới tán rừng trồng hoặc rừng tự nhiên nghèo kiệt với độ tàn che thấp 0,2 - 0,3.

    3. Chọn giống

    Chọn giống từ những cây có nhiều củ, cho năng suất cao, cây khoẻ mạnh sinh trưởng tốt. Chọn củ sạch bệnh, không bị đứt chém, không sần sùi, củ đồng đều. Chọn những củ già có chiều dài từ 3,0 - 4,0 cm, đường kính 2,0 - 2,5 cm, trọng lượng ≥ 5 g. Các củ con sau khi thu hoạch để riêng không cần rửa, rải củ ra trên nền bếp, sàn nhà hay vỉa hè nơi khô, thoáng, mát để ra giêng đem trồng.

    4. Nhân giống

    Trên mỗi lớp rải củ địa liền làm giống, phủ một lớp đất mịn khô, dày 1 - 2cm và cuối cùng phủ một lớp đất mịn lên mặt, giữ ẩm hàng ngày để củ giống dễ nảy mầm.

    Trước khi trồng bẻ củ thành các đoạn ở chỗ thắt, trên mỗi đoạn phải có ít nhất một mầm chính để làm giống trồng.

    5. Kỹ thuật trồng

    5.1. Phương thức trồng:

    - Trồng tập trung trên đất trống.

    - Trồng dưới tán rừng trồng chưa khép tán như keo, bạch đàn hoặc dưới tán rừng rừng tự nhiên nghèo kiệt.

    - Trồng trong vườn hộ xen các cây ăn quả.

    5.2. Thời vụ trồng : Trồng tháng 2 - 4, chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.

    5.3. Mật độ trồng :

    - Trồng nơi đất trống ở ruộng : Mật độ 25.000 cây/ha ; khoảng cách 20 x 20 cm.

    - Trồng trong vườn hộ hoặc dưới tán rừng 3 - 4 cây/m2.

    5.4. Xử lý thực bì : Xử lý thực bì toàn diện bằng cách luỗng phát toàn diện dây leo, cỏ dại, gốc tre nứa, cây bụi và có thể dọn làm hàng rào xung quanh nơi trồng.

    5.5. Làm đất :

    - Trồng trong vườn hộ và dưới ruộng: Làm đất toàn diện bằng cách xới hoặc cày sâu 15 - 20cm, đất sau đó được đập nhỏ, dọn hết cây cỏ. Làm luống cao 20 - 30 cm, rộng 1 - 1,2m, trên luống có đánh rãnh, rãnh sâu 12 - 15 cm.

    - Trồng dưới tán rừng: Làm đất theo băng dọc theo đường đồng mức bằng cách cuốc hoặc cày theo bằng sâu 15 - 20cm, dọn sạch cỏ, đất đập nhỏ.

     

    5.6. Trồng :

    - Tiền hành rải phân lên rãnh rồi đặt củ giống hai bên vào sát mép phân. Lấp đất sâu 5 - 10 cm. Có thể bón phân NPK 5:10:3 với  lượng 15kg/sào (360m2) và phân chuống hoai 300 - 500 kg/sào.

    - Trồng xong phủ một lớp xác hữu cơ lên trên mặt luống để giữ độ ẩm và chống xói mòn đất như: Cỏ khô, rơm dạ, tế guột…

    5.7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại

    a) Chăm sóc:

    - Sau khi trồng 1 tháng cây xuất hiện lá thật, cần làm cỏ phá váng đợt 1, từ khi trồng đến thu hoạch làm cỏ từ 4 - 5 lần.

    - Sau khi trồng được 3 - 5 tháng Địa liền bắt đầu hình thành củ, có thể bón thêm phân NPK hoặc phân chuồng kết hợp làm cỏ, vun gốc. Cách bón như sau:

    Rạch hàng sâu 5-7cm, cách hàng cây 10-12cm, cho phân vào sau đó lấp kín lại, bón lúc trời râm mát, sau mưa.

    b) Phòng trừ sâu bệnh:

    Địa liền thường gặp bệnh đốm mắt cua hại lá, xuất hiện vào tháng 8 - 9.

    Nhận biết bệnh: Do một loại nấm gây hại, vết bệnh hình tròn, đường kính 0,5 - 3 cm, màu nâu thẫm. Trên cây thiếu nước bệnh đốm lá hại nặng có thể toàn bộ lá bị cháy rụi sau 2 - 3 ngày. Cây bị bệnh hại nặng giai đoạn củ bánh tẻ đến già nếu toàn bộ lá bị cháy khô củ cũng bị thối hỏng.

    Để phòng trừ tốt bệnh này cần thực hiện phun phòng bệnh là chính: Phun phòng bằng các loại thuốc nội hấp chất lượng cao như: Ridomin gold 68WG; Carbenzim 50EC; Cure supe 300EC; Til-supe 300EC; Anvil 5EC.... Ngoài ra Địa liền còn bị bệnh thối củ, phòng trừ bằng cách phun các loại thuốc như: Anvil, casumil, manage, Somec…

    5.8. Khai thác:

    Củ Địa liền thu hoạch khi lá cây tàn lụi, thường sau khi trồng 9 - 10 tháng có thể thu hoạch (tháng 12 đến tháng 1 năm sau). Nên thu hoạch vào những ngày trời nắng to, dùng cuốc đào nhẹ để lộ củ sau đó nhổ cả cây, thu hoạch cẩn thận, tránh làm đứt thân củ, loại bỏ lá khô và rễ con, rửa thân củ bằng nước sạch. Nếu củ để làm giống thì không nên rửa củ.

    5.9. Sơ chế, chế biến và bảo quản:

    Sơ chế: Củ sau thu hoạch, đem rửa sạch sau đó dùng dao thái thành miếng mỏng đem phơi khô. Tuyệt đối không sấy than vì củ sẽ đen và mùi kém thơm vì mất tinh dầu.

    Bảo quản: Sản phẩm củ khô bảo quản trong túi polyetylen, chai, lọ thủy tinh với độ ẩm sản phẩm 9 - 12% để chống mọt và để nơi cao ráo. Có thể bảo quản được 1 - 2 năm bằng cách này.

     

     

      

    Hoàng Thế Anh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái