• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thảo quả
    21/12/2021 8:04:00 CH
    Lượt xem: 5032

     - Tên phổ thông: Thảo quả

    - Tên khoa học: Amomum aromaticum Roxb.

    - Họ: Gừng (Zingiberaceae)

    I. CÔNG DỤNG VÀ GIÁ TRỊ KINH TẾ:

    1. Công dụng:

    Giá trị của cây Thảo quả được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Quả và dầu thảo quả được sử dụng nhiều trong công nghiệp và chế biến thực phẩm như: Làm gia vị, thuốc chữa bệnh, làm hương liệu trong công nghiệp; Sử dụng thử nghiệm trong chế biến thức ăn chăn nuôi;

    Rừng nơi trồng Thảo quả còn có tác dụng giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi đất, làm sạch môi trường không khí, hạn chế gió bão, thiên tai,…

    2. Giá trị kinh tế:

    Thảo quả là cây có giá trị kinh tế rất cao, nơi trồng thảo quả dưới tán rừng có tầng thảm mục dày, ẩm. Mật độ trồng trung bình 1.100 bụi/ha. Sau trồng 5 - 6 năm năng suất bình quân khoảng 250 kg quả khô/ha, với giá bán hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg hàng năm đã cho thu nhập 37 triệu đồng/ha/năm.

    II. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG:

    - Thảo quả phân bố ở huyện vùng cao thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng ... Cây Thảo quả thích hợp với vùng khí hậu ẩm mát quanh năm , nhiệt độ trung bình năm 150C - 200C, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất 90C, thường xuyên có sương mù. Lượng mưa trung bình năm trên 2.000 mm.

    - Cây Thảo quả thích hợp ở độ cao từ 1.300 - 2.500 m so với mực nước biển.

    - Cây sinh trưởng tốt trên đất feralit mùn trên núi cao, tầng đất mặt có màu xám đen độ dày > 5cm, tơi xốp, độ ẩm cao, dễ thoát nước, có nhiều đá lẫn. Thảo quả trồng thích hợp ở dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên, có nhiều cây gỗ lá rộng, thường xanh che bóng, có độ tàn che 0,4 - 0,6.

    III. CÂY GIỐNG:

    1. Nguồn gốc giống:

    - Giống được thu hoạch từ các nguồn giống (rừng giống, vườn giống, cây trội) được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trong trường hợp chưa có nguồn giống được công nhận, rừng lấy giống phải đảm bảo: Diện tích nương Thảo quả tối thiểu là 0,5 ha; Số lượng cây Thảo quả đã cho quả từ 3 - 10 năm/1 nương (500 cây trở lên). Tuổi của nương Thảo quả 7 - 15 năm, không bị sâu bệnh hại.

    - Cây giống được nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng thân ngầm.

    2. Tiêu chuẩn cây con đem trồng:

    - Cây con từ hạt: Là những cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 12 - 24 tháng, chiều cao từ 30 -60 cm, đường kính cổ rễ 0,6 - 0,7cm có 5 - 7 lá, cây không bị sâu bệnh.

    - Cây từ hom gốc: Hom gốc có phần thân ngầm dài từ 7 - 10 cm, không bị khô, héo, dập nát, sâu bệnh; Phần gốc có chiều cao từ 45 - 60cm, Bộ rễ không quá dài khoảng 3 - 5cm, không bị héo.

    IV. KỸ THUẬT TRỒNG:

    1. Phương thức trồng: Trồng Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên hoặc trồng dưới tán rừng trồng.

    2. Thời vụ trồng: Vụ Xuân hè từ tháng 4 - 8; Vụ Thu đông từ tháng 10 - 12.

    3. Mật độ trồng:

    - Mật độ trồng trong đám: 625 cây/ha (cự ly 4 x 4m);

    - Mật độ: 830 cây/ha (3 x 4 m) đối với khu vực có điều kiện đất đai rất tốt;

    - Mật độ: 1100 cây/ha (cự ly 3 x3 m) và 1660 cây/ha (cự ly 2x3 m) đối với khu vực có điều kiện đất đai trung bình.

    4. Xử lý thực bì:

    - Trồng Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên:

    + Phát luỗng thực bì cục bộ theo đám: Phát dọn toàn bộ dây leo, cây bụi, cỏ dại,… dưới tán rừng (chú ý để lại những loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, cây gỗ tái sinh đã được đánh dấu). Chặt, nhổ và băm thành từng đoạn nhỏ dài 30 - 50 cm và rải đều trên mặt đất hoặc gom một chỗ, chú ý không để che các cây tái sinh.

    - Trồng Thảo quả dưới tán rừng trồng:

    + Phát luỗng toàn bộ thảm tươi, cây bụi, dây leo, bụi rậm dưới tán rừng, băm nhỏ, rải đều trên mặt đất để chóng phân huỷ thành mùn hoặc gom lại 1 chỗ để đắp vào gốc cây mới trồng.

    5. Làm đất:

    Hố trồng cây được bố trí theo hàng song song với đường đồng mức; Khoảng cách giữa các hàng là 4m (mật độ 625, 830 cây/ha), 3 m (mật độ là 1.100,1.660 cây/ha). Khoảng cách giữa các hố trong hàng là 4m (mật độ 625 cây/ha), 3 m (mật độ 830, 1.100 cây/ha) và 2 m (mật độ 1.660 cây/ha).

    Cuốc hố trước khi trồng từ 20 - 30 ngày; kích thước hố dài 30 cm x rộng 30 cm x sâu 20 cm. Hố cuốc so le theo hình nanh sấu, khi cuốc lớp đất mặt để một bên, phần đất phía dưới để một bên.

    Lấp hố trước khi trồng 10 - 15 ngày và kết hợp bón lót, lấy phần đất mặt trộn đều với 1 kg phân chuồng hoai hoặc 100 gam phân  NPK5.10.3 rồi lấp xuống hố. Hố được lấp đầy theo hình mai rùa, cao hơn miệng hố phía dưới khoảng 5cm.

    6. Trồng cây:

    * Trồng bằng hom gốc: Trước khi trồng chặt bỏ 4 - 5 cm phần đầu hom. Dùng cuốc, moi đất, khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt hom cây. Đặt cây hom đúng giữa hố, nghiêng 1 góc 25 - 300 so với phương thẳng đứng, lấp đất đầy hố, lèn chặt xung quanh gốc, không lấp đất quá cổ rễ và tránh làm tổn thương đến mắt mầm.

    * Trồng bằng cây con từ hạt: Dùng cuốc moi một lỗ giữa hố vừa đủ đặt cây, đặt cây thẳng đứng trong lòng hố sao cho rễ cây không bị gấp, quăn. Lấp đất, lèn chặt gốc, không lấp đất sâu quá cổ rễ (chỉ lấp phần thân ngầm). Cắm que giữ cho cây thẳng đứng.

    7. Chăm sóc:

    Rừng trồng Thảo quả được chăm sóc trong 3 - 5 năm.

    * Năm thứ nhất: Chăm sóc 1 - 2 lần.

    Lẩn 1: Sau trồng 1 - 2 tháng; Lần 2 vào cuối mùa khô (tháng 11 - 12).

    Nội dung chăm sóc: Phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn, xới đất và vun đất xung quanh bụi thảo quả với đường kính rộng từ 1,0 - 1,5m, vun gốc bằng lớp đất mặt, không được làm tổn thương đến mầm cây đang sinh trưởng dưới mặt đất.

    * Năm thứ 2,3: Chăm sóc 3 lần;

    Lần 1: Chăm sóc vào tháng 2 - 3.

    Nội dung chăm sóc: Phát dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn, xới đất, vun đất và làm vệ sinh quanh gốc cây thảo quả với đường kính rộng từ 1,0 - 1,5m.

    Lần 2: Chăm sóc vào tháng 5 - 6.

    Nội dung chăm sóc: Phát dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn, xới đất, vun đất và làm vệ sinh quanh gốc cây thảo quả với đường kính rộng từ 1,0 - 1,5m kết hợp với bón phân. Bón phân NPK 12.5.10, liều lượng 200g/cây hoặc phân chuồng hoai 2kg/cây bằng cách rải phân xung quanh gốc cách gốc cây khoảng 30 - 40 cm về phía trên sườn dốc, cho phân vào rạch phía trên rồi lấp lại.

    Lần 3: Chăm sóc vào tháng 10 - 11.

    Nội dung chăm sóc: Phát thực bì, dây leo cây bụi xâm lấn và làm vệ sinh quanh gốc cây thảo quả.

    * Năm thứ 4,5: Chăm sóc 2 lần;

    Lần 1: : Chăm sóc đầu mùa xuân: Tháng 3  -4.

    Nội dung chăm sóc: Phát dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn, xới đất, vun đất và làm vệ sinh quanh gốc cây thảo quả với đường kính rộng từ 1,0 - 1,5m.

    Lần 2: Chăm sóc cuối mùa khô - Tháng 10 - 11.

    Nội dung chăm sóc:  Phát dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn, xới đất, vun đất và làm vệ sinh quanh gốc cây thảo quả với đường kính rộng từ 1,0 - 1,5m kết hợp với bón phân. Bón phân NPK 12.5.10, liều lượng 200g/cây hoặc phân chuồng hoai 2kg/cây bằng cách rải phân xung quanh gốc cách gốc cây khoảng 30 - 40 cm về phía trên sườn dốc, cho phân vào rạch phía trên rồi lấp lại.

    8. Khai thác:

    a. Thời vụ thu hoạch:

    Thu hoạch vào tháng 10 - 11 hàng năm, khi thảo quả đã chín già, vỏ quả nhẵn, chuyển từ màu vàng sang màu đỏ thẫm, hạt đen, rất cay. Không nên thu hái quả sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của Thảo quả.

    Dùng kéo sắc, cắt lấy chùm quả, nên cắt sát phần thâm ngầm (cách thân ngầm khoảng 3 - 5 cm) và không được làm ảnh hưởng đến các thân khí sinh và mầm hoa bên cạnh, tập trung thành đống sau đó có thể tách quả vận chuyển về nơi sấy.

    Khi cắt chùm quả, nên.

    b) Sơ chế bảo quản: Có hai phương pháp sơ chế

    Phương pháp 1: Thu hái về đem phơi hoặc sấy ngay, trong thời gian sấy thường xuyên đảo, nhiệt độ sấy phải phù hợp với từng giai đoạn sấy. Thời gian sấy tuỳ thuộc vào khối lượng thường sấy từ 2 - 3 ngày liên tục được một mẻ, khi nào thấy vỏ quả có mầu xám đen, nhăn lại thành các vết dọc và có một lớp phấn trắng phủ bên ngoài là quả đã khô.

    Phương pháp 2: Thu hái quả về cho vào nước sôi 2 - 3 phút rồi vớt ra rải đều cho ráo vỏ sau đó đem phơi hay sấy khô, phương pháp này tốn công nhưng giữ được màu vỏ quả tươi đẹp hơn. 

    Bảo quản: Quả khô để nguội cho vào túi ni lông buộc chặt để trên gác bếp hoặc sàn nhà nơi khô ráo tránh ẩm mốc. Thảo quả có tinh dầu nóng cay nên ít khi bị mối mọt. Nếu cất trữ lâu trong nhà thì thường xuyên kiểm tra khi phát hiện thấy Thảo quả ẩm phải mang ra phơi nắng ngay.

     

    Lê Thị Hải Yến - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

    Tin khác