• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây xoan đào
    22/12/2021 10:10:00 SA
    Lượt xem: 6390

    I. GIỚI THIỆU CHUNG:

    Xoan đào là cây gỗ lớn, trong điều kiện tự nhiên cây có thể cao tới 22-25 m, đường 80-100 cm. Thân cây hình trụ, tròn thẳng, vỏ mỏng, nhẵn màu xám bạc, giác gỗ màu trắng. Gỗ Xoan đào có giác và lõi phân biệt, giác màu trắng hồng, lõi màu hồng nhạt, gỗ có khối lượng riêng (ở độ ẩm 12%) nhẹ (620kg/m3). Gỗ Xoan đào có độ bền cơ học trung bình, độ bền tự nhiên tốt và có vân thớ đẹp nên được sử dụng làm đồ mộc và phục vụ xuất khẩu. Đây là loài cây sinh trưởng nhanh, dễ trồng, gỗ tốt. Xoan đào thuộc họ Xoan, nên có tính chịu hạn cao. Rễ có mùi hôi, vị đắng, mùi vị hôi hắc tránh được súc vật ăn lá phá hoại cây trồng. Nếu được trồng thâm canh sau trồng 10 -12 năm có thể cho khai thác gỗ. Vì vậy, loài cây này có thể trồng được ở nhiều vùng sinh thái và rất có triển vọng cho trồng rừng kinh doanh gỗ lớn ở nước ta.

    II.   KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG:

    1. Chọn nơi trồng:

    Nơi trồng rừng Xoan đào thích hợp là những nơi có các điều kiện như sau:

    - Đất trên đồi hoặc núi, ở nơi có cây bụi và cây gỗ tái sinh;

    - Đất sau khai thác rừng trồng;

    - Là đất ferralit nâu vàng hoặc nâu xám;

    - Đất còn tốt, ẩm, tầng dày trên 1m, thoát nước, không có đá lẫn;

    2. Làm đất:

    - Cuốc hố với kích thước hố là dài x rộng x sâu = 40cm x 40cm x 40cm;

    - Hố được cuốc trước khi trồng 15 ngày là tốt nhất;

    3. Bón lót phân:

    - Bón lót bằng phân NPK với liều lượng là 200g/hố hoặc phân vi sinh tỷ lệ 1kg trên 1 hố.

    - Trước khi bón phân cần lấp lớp đất mặt xuống hố với chiều cao khoảng 1/2 hố, sau đó cho phân xuống rồi trộn đều đất và phân;

    - Tiếp tục lấp đất đầy hố bằng lớp đất mặt xung quanh miệng hố;

    - Bón lót phân được thực hiện trước khi trồng 15 ngày là tốt nhất;

    4. Thời vụ trồng:

    - Vụ xuân: tháng 2- tháng 4

    - Vụ thu: tháng 7 - tháng 9

    5. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn:

    Tuổi cây:  7 - 8 tháng tuổi (nếu chăm sóc tốt). Đường kính cổ rễ: 0,5 - 0,6 cm.  Chiều cao:  50 - 60 cm. Cây đã hoá gỗ hoàn toàn. Cây không bị nhiễm sâu bệnh. Cây không bị cụt ngọn, không nhiều thân. Không trồng cây khi đã có lá non.

    Cây giống đem trồng rừng cho các phương thức là cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, không bị cụt ngọn và đã được đảo bầu, dừng tưới phân trước khi mang đi trồng 1 tháng và được dỡ bỏ toàn bộ dàn che từ 1,5 đến 2 tháng.

    6. Mật độ trồng:

    Trồng rừng Xoan đào với mật độ thấp để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng nhanh về đường kính, tùy theo mục đích có thể chọn một trong hai loại mật độ trồng, cụ thể như sau:

    - 830 cây/ha (cự ly hàng cách hàng 4 m và cây cách cây trên hàng 3m);

    - 1100 cây/ha (cự ly hàng cách hàng 3 m và cây cách cây trên hàng 3m).

    - 1660 cây/ha (cự ly hàng cách hàng 2 m và cây cách cây trên hàng 3m).

    7. Phương thức trồng:

    Xoan đào có thể trồng theo một trong các phương thức như sau:

    * Trồng thuần loài Xoan đào;

    * Trồng hỗn giao với các loài cây bản địa (Kháo vàng, Re gừng, Giẻ cau, Lim xanh, Sồi phảng, Dẻ đỏ……)

    - Mật độ trồng  thích hợp là 1100 cây/ha hoặc có thể trồng 1660 cây/ha tuỳ phương thức hỗn giao để chia số cây trồng từng loài theo mật độ.

    - Cây Xoan đào trồng hỗn giao được với 1 hoặc nhiều loài cây bản địa khác theo 3 phương thức:

    Trồng hỗn giao theo cây (cây nọ – cây kia hoặc 3 cây nọ – 3 cây kia);

    Trồng theo hàng (hàng nọ – hàng cây kia);

    Trồng theo dải (trồng mỗi loài từ 3-5 hàng).

    Kỹ thuật trồng chăm sóc rừng thực hiện  như trồng  thuần loài.

    * Trồng Xoan đào theo phương thức làm giàu rừng cho các trạng thái rừng tự nhiên nghèo kiệt theo các lỗ trống tỷ lệ như mật độ trồng.

    8. Trồng cây:

    Sau khi đã cuốc hố và bón lót, nếu thời tiết thuận lợi thì tiến hành trồng rừng theo kỹ thuật sau:

    - Mỗi hố trồng một cây bằng cách cuốc một lỗ ở giữa hố, có chiều rộng lớn hơn đường kính túi bầu ươm cây và chiều sâu bằng chiều cao của túi bầu ươm cây;

    -  Rạch bỏ túi bầu, đặt cây theo chiều thẳng đứng vào giữa hố rồi lấp đất kín quanh bầu cây và lấy tay ấn nhẹ đất quanh bầu, tránh làm vỡ bầu;.

    * Trồng dặm:

    - Để đảm bảo tỷ lệ sống cho rừng năm thứ nhất đạt trên 90%, sau khi trồng 1 tháng tiến hành trồng dặm.

    - Tiêu chuẩn cây trồng dặm đạt yêu cầu như cây trồng lần đầu;

    9. Chăm sóc rừng trồng:

     Sau khi trồng rừng, cần được chăm sóc và bảo vệ liên tục cho đến khi rừng

    Khép tán, đặc biệt trong 3 năm đầu.

    9.1. Năm thứ nhất

     Số lần chăm sóc: 2 lần với cây trồng vụ xuân và 1 lần với cây trồng vụ thu. 
     Nội dung chăm sóc: Trồng dặm những cây đã chết.  Phát dọn toàn bộ dây leo, cây bụi 
    cỏ dại và cây phi mục đích trong rạch trồng cây với chiều rộng 2 m. Xới đất xung quanh hố với đường kính rộng 40 - 50cm. Bảo vệ không cho gia súc phá cây. 

    9.2. Năm thứ 2

    Số lần chăm sóc: 2 lần

    Nội dung chăm sóc:  Phát dọn toàn bộ dây leo, cỏ dại, cây bụi và cây phi mục đích trong rạch trồng cây với chiều rộng 2m.  Trồng dặm những cây chết.  Xới đất xung quanh gốc đường kính rộng 50cm, sâu 3 - 4cm, vun gốc kết hợp bón thúc vào lần chăm sóc đầu.  Bón phân 100 gam NPK và vi sinh tỷ lệ 1:1 bón cho 1 gốc).Tiến hành phát luỗng dây leo, cây sâu bệnh, sau đó đánh dấu những cây mục đích cần nuôi dưỡng.

    9.3. Năm thứ 3

    Số lần chăm sóc: 2 lần vào các thời điểm đầu và cuối mùa mưa.

    Nội dung chăm sóc: Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi trong rạch trồng cây. Nơi nào cây tái sính ở băng chừa lấn át chèn ép cây trồng thì phải chặt thấp xuống hoặc loại bỏ. Xới đất xung quanh gốc rộng 60cm, sâu 3 - 4cm, vun gốc. Bảo vệ rừng trồng Xoan đào không để gia súc phá hoại.

    * Chăm sóc rừng non. 

    Khi cây trồng phát triển đạt chiều cao 3 - 5m. Trong giai đoạn này chủ yếu bảo vệ không để cháy rừng. Khi cây chưa lớn vượt khỏi tầng thực bì, rất dễ bị cháy khi lửa rừng xảy ra. Những nơi có thực bì rậm rạp, cần phát luỗng thực bì dọn ra khỏi rừng để tránh làm vật liệu dễ cháy. Cần làm trước mùa hanh khô. 

    Khi cây trồng bị cây bụi hoặc cây tái sinh phi mục đích chèn ép cần tiến hành phát loại bỏ những cây chèn ép. Tỉa những cành khô, cành thấp không có khả năng quang hợp.

    Khi cây rừng chuẩn bị khép tán vào năm thứ 4 - 5 :Trường hợp mật độ đủ, cần chặt bỏ những cây ngoại hình kém: Những cây cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn, nhiều thân, còi cọc, tán lệch cây mọc trội chèn ép nhiều cây có triển vọng xung quanh.

    11. Bảo vệ rừng trồng:

    Trong các năm đầu từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 cần bảo vệ tốt cho rừng trồng, hông để gia súc (trâu, bò, dê, …) và người phá hoại; Đồng thời theo dõi rừng trồng định kỳ hàng năm, khi thấy xuất hiện các cây bị chết vì sâu, bệnh thì cần chặt bỏ các cây đó đem ra khu vực trống để khô và đốt; Ngoài ra cần bảo vệ rừng trồng Xoan đào không để xảy ra cháy rừng./.

     

     

     

     

      

    Phạm Thị Thủy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái