• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi (cam, quýt)
    04/01/2022 3:21:00 CH
    Lượt xem: 6802

    I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG:

    Là cây thân gỗ phân tán nhỏ; lá màu xanh, mọc so le, mép lá nhẵn; hoa thường mọc đơn, màu trắng, mùi thơm mạnh; quả là loại quả có múi, hình cầu, quả mọng nước, nhiều tép.           

    II. MỘT SỐ GIỐNG CAM, QUÝT CHÍNH:

    1. Cam sành:

    Được trồng nhiều ở 3 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Năng suất quả khá (trung bình 7 - 9 tấn/ha), chín vào dịp Tết Nguyên Đán, khi chín vỏ quả mầu vàng đỏ, vỏ quả sần, có tinh dầu, ăn có hương thơm, ngon, vị chua ngọt.

    2. Cam chanh:

    Là giống có tính thích nghi rộng, chống chịu được sâu, bệnh, chịu được đất xấu, chịu hạn. Quả chín vào tháng 10 - 11, vỏ quả mầu vàng, ăn có hương vị thơm ngọt.

    3. Quýt vỏ vàng (quýt vỏ giòn):

    Là giống có khả năng thích ứng rộng, năng suất quả khá, (trung bình từ 5 - 6 tấn/ha) quả chín vào tháng 11, khi chín vỏ quả có mầu vàng, vỏ mỏng giòn, rất nhiều túi tinh dầu, thịt quả mọng nước, vách múi mỏng, ít hạt, hương vị thơm ngon, hấp dẫn, ngọt đậm có vị hơi chua.

    4. Quýt chum (cam chum):

    Là giống có tính thích nghi rộng, năng suất quả khá, quả chín vào tháng 11 - 12, khi chín quả có mầu đỏ, vỏ quả dầy, có núm nhô cao ở cuống quả, vỏ chứa nhiều tinh dầu, quả ăn ngọt đậm, hương vị thơm ngon.

    III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:

    1. Chọn địa điểm và thiết kế vườn trồng:

    1.1. Chọn đất:

    Đất đồi rừng mới khai phá, đất bồi tụ, đất bãi ven sông, suối, là đất nhiều mùn và các chất dinh dưỡng, cao ráo, dễ thoát nước, có tầng dầy từ 80 - 100cm, mực nước ngầm sâu dưới 1m, độ dốc của đất từ 3 - 200 (tốt nhất từ 3 - 80), độ pH thích hợp 5,5 - 6,0.

    1.2. Thiết kế vườn trồng:

    Tùy theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp.

    - Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 - 80 nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu).

    - Đất có độ dốc từ 5 - 80 có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, từ 9 - 100 nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, từ 10 - 200 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố; khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức.

    - Đối với vườn diện tích lớn (từ 2 đến 10ha) thậm chí lớn hơn cần phải phân thành từng lô nhỏ (mỗi lô từ 0,5 đến 1ha) và có đường giao thông rộng để vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi. Độ dốc của đường lên đồi không quá 100.

    2. Mật độ, khoảng cách:

    Mật độ trồng phụ thuộc vào hình dạng tán của mỗi giống và khả năng đầu tư thâm canh.

    - Đối với đất bằng trồng với mật độ 500 cây/ha, khoảng cách 4 x 5m.

    - Đối với đất dốc từ 10 - 200 trồng với mật độ 600 cây/ha, khoảng cách 4 x 4m.

    3. Đào hố và bón lót:

    - Đào theo đường đồng mức, kích thước hố: (70 x 70 x 70) cm. Ở vùng đất có độ dốc từ 10 - 200 đào hố sâu hơn, rộng hơn: (80 x 80 x 80) cm.

    - Bón lót: Toàn bộ lớp đất đào lên được trộn đều với 50kg phân chuồng hoai mục + 1 kg vôi bột + 1,0 - 1,5kg phân lân supe + 1 - 2 kg phân hữu cơ và tiến hành lấp hố trước khi trồng 15 - 30 ngày.

    4. Thời vụ trồng:

    - Vụ Xuân trồng vào tháng 2 - 3.

    - Vụ Thu trồng vào tháng 8 - 10.

    5. Tiêu chuẩn cây giống:

    - Cây giống là cây được nhân giống bằng phương pháp ghép.

    Yêu cầu: Cây mẹ khai thác lấy mắt để ghép phải đạt từ 4 tuổi trở lên.

    - Chiều cao từ gốc đến vị trí ghép là 20 - 25cm, chiều cao từ vị trí ghép đến đỉnh sinh trưởng từ 40 - 60cm, vết ghép liền, bộ lá hoàn chỉnh. Đường kính cây 0,8 - 1,0cm được đựng trong túi bầu bằng Polyetylen có kích thước (12 x 25) cm, bầu đất không vỡ vụn, khô cứng hoặc nhão bùn.

    - Cây giống khỏe mạnh, không bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại.

    6. Trồng cây:

    - Cuốc một hố nhỏ (giữa hố trồng) bằng với kích thước của bầu cây, đặt cây theo chiều thẳng đứng, mặt bầu cao hơn mặt đất trồng 3 - 5cm, lấp kín đất, vun gốc thành ụ cao hơn mặt đất 10 - 15cm.

    - Cắm cọc giữ cây khỏi bị gió lay, tưới đậm nước, dùng rơm, cỏ mục ủ gốc giữ ẩm.

    - Lưu ý: Nếu là cây ghép xoay mắt ghép về hướng gió chính.

    7. Chăm sóc:

    7.1. Làm cỏ:

    Thường xuyên làm sạch cỏ dại.

    7.2. Trồng xen:

    Khi cây còn nhỏ, trồng xen cây họ đậu để tránh cỏ dại, cải tạo đất, khi cây trưởng thành có thể trồng xen những cây ưa ánh sáng tán xạ như: Gừng, địa liền, rau ngót...Trồng xen ổi để xua đuổi rầy chổng cánh;

    Lưu ý: Chăm sóc cây trồng xen, không để cây trồng xen cạnh tranh ánh sáng, nước, dinh dưỡng với cây trồng chính.

    7.3. Cắt, tỉa:

    - Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản: Khi cây cao khoảng 80 - 100cm, bấm khoảng 30 - 40cm từ ngọn xuống. Để 3 mầm chính mọc dài khoảng 80 - 100cm, sau đó vít cong thành hình bán nguyệt đều ra các hướng khác nhau, bấm 10 - 20cm đầu cành. Khi các mầm bất định mọc dài ra trên phần uốn cong của các cành trên, lại vít cong xuống phân bố đều theo các hướng, tạo ra bộ tán cây có nhiều cành lá, không vươn lên quá cao.

    - Trong thời kỳ kinh doanh:

    + Cắt tỉa cành: Sau mỗi vụ thu hoạch phải cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành tăm hương, tùy theo bộ tán rậm rạp hay quá thưa để cắt bỏ hoặc vít các cành vượt để tạo cho cây có bộ tán hợp lý.

    + Đối với hoa: Loại bỏ những chùm hoa không có lá hoặc nhiều hoa ít lá, để tập trung dinh dưỡng cho những cành quả sau (cành có lá + 1 - 3 hoa hoặc 1 lá + 1 hoa).

    + Đối với quả: Cần loại bỏ những quả bé, dị dạng, quả có mầu sắc kém... để tập trung dinh dưỡng cho những quả đẹp phát triển tốt.

    7.4. Tưới nước:

    - Trong thời kỳ cây ra hoa và sinh trưởng của quả, thường xuyên tưới giữ ẩm cho đất, không được để đất trên mặt vườn khô trắng và không để nước đọng trong vườn sau các trận mưa.

    - Trong thời kỳ quả chuyển giai đoạn từ quả xanh sang chín và sau thu hoạch, hạn chế tưới nhưng không được để cây héo.

    7.3. Bón phân:

    * Lượng phân bón cho mỗi cây tính theo tuổi: 

    Tuổi cây (năm)

    Phân chuồng hoai mục (kg)

    Đạm urê (kg)

     

    Lân supe (kg)

    Vôi bột (kg)

    Kali clorua (kg)

    1 - 3

    25 - 30

    0,3 - 0,6

    1,0 - 1,5

    0,5

    0,3 - 0,5

    4 - 6

    50 - 70

    0,8 - 1,0

    1,5 - 2,0

    0,5

    0,5 - 1,0

    7- 10

    70 - 100

    1,0 - 1,5

    2,0 - 3,0

    0,5

    1,0 - 1,5

    > 10

    > 100

    1,5 - 1,8

    3,0 - 3,5

    0,5

    1,5 - 1,8

    * Thời kỳ bón phân:

    - Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ 1 - 3 năm tuổi) bón 4 lần/năm:

    + Lần 1: Bón vào tháng 2 để thúc đẩy và nuôi dưỡng lộc xuân với lượng bón: 100% phân chuồng hoai + 100% vôi bột + 50% phân lân supe + 25% phân đạm urê + 25% phân kali clorua

    Lưu ý: Phân chuồng được trộn ủ cùng với vôi bột trước khi bón 1 - 3 tháng.

    + Lần 2: Bón vào tháng 5 để thúc đẩy và nuôi dưỡng lộc hè với lượng bón: 25% phân lân supe + 25% phân đạm urê + 25% phân kali clorua

    + Lần 3: Bón vào tháng 8 để thúc đẩy và nuôi dưỡng lộc thu với lượng bón: 25% phân đạm urê + 25% phân kali clorua.

    + Lần 4: Bón vào tháng 10 để duy trì sinh trưởng trong mùa đông, chống rét với lượng bón: 25% phân lân supe + 25% phân đạm urê + 25% phân kali clorua.

    - Cây trong thời kỳ kinh doanh (từ 4 năm tuổi trở lên) bón 3 đợt/năm:

    + Đợt 1: Bón ngay sau khi thu hoạch quả từ tháng 12 - 1 năm sau với lượng bón: 100% phân chuồng hoai + 50% phân đạm urê + 50% phân lân supe + 30% phân kali clorua.

    + Đợt 2: Bón vào tháng 4, bón thúc quả với lượng bón: 40% phân đạm urê + 50% phân lân supe + 30% phân kali clorua.

    + Đợt 3: Bón vào tháng 8 - 9 với lượng bón: 10% phân đạm urê + 40% phân kali clorua.

    - Cách bón: Đào rãnh theo hình chiếu của tán xung quanh gốc cây với độ sâu 15 - 20cm, rộng 20 - 30cm rải đều phân rồi lấp kín bằng đất + tủ rơm, rạ để giữ ẩm. Hoặc với các loại phân hóa học hòa tan với nước sạch rồi tưới đều xung quan tán cây, sau đó tưới nước giữ ẩm thường xuyên hay sau các trận mưa, rắc đều phân lên trên mặt đất rồi tưới nhẹ cho phân tan ra. Nếu có hệ thống tưới phun mưa, tưới khoảng 20 phút, sau đó rắc phân rồi lại tưới khoảng 20 phút nữa.

    8. Sâu bệnh hại chính trên cây cam, quýt và biện pháp phòng trừ:

    8.1. Sâu hại:

    8.1.1. Sâu vẽ bùa:

    - Triệu chứng gây hại: Sâu non gây hại làm cho trên bề mặt của lá tạo thành các đường hầm ngoằn ngoèo. Lá non bị hại kém phát triển, cong queo nên khả năng quang hợp kém.

    - Các biện pháp phòng trừ: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ thiên địch tự nhiên như: Ong, kiến vàng. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Sherpa 25 EC, Decis 50EC; Polytrin 50EC hoặc các loại thuốc có các hoạt chất tương tự phun. Sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn mác).

     * Chú ý: Cần phòng trừ sớm để hạn chế sự gây hại của sâu, khi cây ra lộc non cần phun 2 lần: lần 1 khi có khoảng 10% cây trên vườn nhú lộc, lần 2 cách lần 1 khoảng 7 ngày.

    8.1.2. Rầy chổng cánh

    - Triệu chứng gây hại: Rầy hại làm cho lá non quăn lại, đọt non ngừng sinh trưởng, hại nặng làm cho lộc bị khô, rụng lá gây hiện tượng khô cành, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

    - Các biện pháp phòng trừ: Tỉa tạo tán thông thoáng, chăm sóc cho cây ra lộc tập chung. Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế rầy từ nơi khác bay đến. Trồng xen ổi trong vườn cam quýt. Bảo vệ thiên địch tự nhiên như: Ong ký sinh, kiến vàng,... Khi cần thiết dùng thuốc hoá học như: Trebon 10 EC, Sherpa 25 EC, Bascide 50EC; Butyl 10WP,  Midan 10WP. Sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn mác.

    8.1.3. Câu cấu hại cây non:

    - Triệu chứng gây hại: Gây hại ăn khuyết xung quanh mép lá, những lá bị hại nặng có thể lõm sâu đến gân chính. Gây hại chủ yếu lá non đến lá bánh tẻ.

    - Các biện pháp phòng trừ: Dùng vợt hoặc tay bắt bọ trưởng thành để giết chết. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Polytrin C 440EC/ND; Polytrin P 440EC/ND; Visher 25ND; Sherpa 10EC/25EC; Sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn mác.

    8.1.4. Nhóm nhện hại cam quýt:

    - Triệu chứng gây hại:

    + Nhện đỏ: Nhện chích hút dịch lá, tạo nên các vết châm nhỏ li ti màu trắng vàng. Khi mật độ cao chúng có mặt cả trên quả, cành bánh tẻ. Bị hại nặng cả lá và quả có màu trắng hơi vàng, lá bị rụng, trên mặt lá, quả bị hại có tơ mỏng.

    + Nhện rám vàng: Gây hại làm lá méo mó, mép lá bị cong xuống và thường biểu hiện màu đồng thiếc ở mặt dưới lá. Thân non sinh trưởng còi cọc.

    + Nhện trắng: Nhện hại làm cho vỏ quả biến màu, chuyển sang màu xỉn, màu "xi măng" hoặc màu nâu đen, thường được gọi là "rám/nám quả". Quả bị hại từ lúc nhỏ sẽ không lớn được, có khi bị khô đét và rụng.

    - Các biện pháp phòng trừ nhóm nhện: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Comite 73EC, Pegasus 500 SC, Dandy 15EC, Regent 800WG.... phun kép hai lần khi mật độ nhện đạt 2 - 3 con/lá, quả.

     * Chú ý: Nếu vườn bị hại nặng thì khi cây ra lộc non phun thuốc 3 lần: Lần 1 khi vừa nhú đọt, lần 2 khi đọt ra rộ và lần 3 khi lá bánh tẻ. Khi cây cho quả cũng phun thuốc 3 lần: Lần 1 lúc nụ hoa ra rộ, lần 2 sau khi quả rộ khoảng 1 tuần và lần 3 cách lần 2 khoảng 10 ngày.

    8.1.5. Nhóm rệp muội:

    - Triệu chứng gây hại:

    + Rệp muội bông: Rệp hại làm cho chồi non, lá non bị xoắn vặn không phát triển được, nụ hoa, hoa và quả non có thể bị rụng.

    + Rệp muội xanh: Rệp chích hút làm cho lá non, ngọn chồi biến dạng cong queo, sinh trưởng chậm, cây còi cọc.

    + Rệp muội màu nâu đen: Rệp chích hút làm cho lá non, ngọn chồi biến dạng cong queo, sinh trưởng chậm, cây còi cọc.

    - Các biện pháp phòng trừ rệp muội: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ thiên địch tự nhiên như: Ong ký sinh, bọ rùa ... Thu ngắt các lộc non bị hại nặng. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Sherpa 25EC, Trebon 10EC….

    8.1.6. Nhóm các loại rệp sáp

    - Triệu chứng gây hại: Chúng gây hại làm cây sinh trưởng kém. Cành non bị rệp sáp hại không ra lộc được. Mật độ rệp cao gây rụng lá, hoa, quả.

    - Các biện pháp phòng trừ: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ lợi dụng thiên địch tự nhiên như: Ong ký sinh, bọ rùa,... Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Confidor 100SL,...

    8.1.7. Ruồi đục quả:

    - Triệu chứng gây hại: Sâu non nở ra phá hoại phần thịt quả, làm quả bị thối, ủng và rụng.

    - Các biện pháp phòng trừ: Thu dọn hết quả rụng trên vườn, chôn sâu xuống dưới đất. Dùng bả: Lấy quả rụng cắt 4 lát xung quanh rồi tẩm thuốc làm bả treo trên cành cây để diệt trưởng thành, đặt 2 - 4 quả trên cây.

    8.1.8. Bọ xít xanh:

    - Triệu chứng gây hại: Bọ xít chích làm cho chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Quả bị hại sẽ vàng, trai và rụng sớm.

    - Các biện pháp phòng trừ: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ thiên địch tự nhiên như: Kiến vàng, ong ký sinh....Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Bascide 50EC; Hoppercin 50EC; Cyper 25EC; Dầu khoáng SK Enspray 99EC; Vibasa 50EC… để phun xịt.

    * Chú ý: Sau khi phun khoảng một tuần nếu thấy vẫn còn bọ xít thì phun thêm một, hai lần nữa.

    8.2. Bệnh hại:

    8.2.1. Bệnh Greening (Bệnh vàng lá gân xanh):

    - Triệu chứng gây hại:

    + Lá: Phiến lá hẹp và nhọn như hình tai thỏ, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá vàng nhưng gân vẫn còn xanh.

    + Hoa: Cây ra hoa nhiều đợt.

    + Quả: Quả nhỏ hơn bình thường, méo mó, vỏ dày, trên vỏ quả chín vẫn còn phần xanh, khi bổ dọc quả ra thì tâm quả bị lệch hẳn sang một bên, quả chín ngược, hạt lép có màu nâu.

    + Rễ: Rễ cây bị thối, lượng rễ ít.

    - Các biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống sạch bệnh. Tiêu huỷ tàn dư cây bệnh. Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Phòng trừ triệt để rầy chổng cánh.

    8.2.2. Bệnh loét:

    - Triệu chứng gây hại:

    + Trên lá non: Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, thường thấy ở mặt dưới lá, màu trắng nhạt hoặc nâu nhạt. Xung quanh vết bệnh có quầng tròn màu vàng hoặc xanh tối. Khi vết già rắn lại nổi gờ giống như ghẻ, loét, sần sùi, mặt dưới lá sù sì, mặt trên lá nứt nẻ màu xám tro.

    + Trên cành và thân cây non: Cũng như trên lá nhưng bị sùi lên, ở giữa không bị lõm xuống, xung quanh không có quầng vàng. Vết bệnh lớn nối liền với nhau bao quanh thân non và cành làm phía trên bị khô héo, dễ gãy đặc biệt là bệnh nhiễm theo các vết đục của sâu vẽ bùa.

    + Trên quả: Vết bệnh ở quả cũng như ở lá. Vết bệnh không ăn sâu vào ruột nhưng làm quả biến dạng, ít nước, khô sớm, dễ rụng.

    - Các biện pháp phòng trừ: Thu dọn sạch tàn dư, bộ phận bị bệnh trong vườn đem đi tiêu hủy. Quét vôi vào gốc vào cuối mùa nắng, xới gốc và bón vôi sẽ giúp hạn chế mầm bệnh phát triển. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Kasuran 50WP, Boocđo 1%, Kasumin 2L, Starner 20WP….

    Chú ý: Phun thuốc vào các đợt ra lộc.

    8.2.3. Bệnh ghẻ:

    - Triệu chứng gây hại:

    + Trên lá non: Vết bệnh ban đầu chỉ là vết chấm nhỏ mầu vàng, sau đó lớn dần và có mầu nâu hồng, mặt trên vết bệnh nổi gờ lên, trong khi đó mặt dưới của lá vết bệnh bị lõm vào. Bị bệnh nặng các vết bệnh liên kết với nhau thành từng đám và lá bị biến dạng.

    + Trên thân, cành: Vết bệnh thường lớn hơn, chúng thường liên kết với nhau thành đám làm cho cành thường bị chết khô. Phần thân dưới vết bệnh thường nảy nhiều chồi.

    + Trên quả: Vết bệnh ban đầu nhỏ như những u nhọn trên quả non. Vết bệnh thường có mầu nâu nhạt, các vết bệnh này liên kết với nhau làm cho quả sần sùi, vỏ quả dầy lên và dễ rụng.

    - Các biện pháp phòng trừ: Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Boocđo 1%, Benlat 50WP, Anvil 5SC .

    8.2.4. Bệnh tàn lụi:

    - Triệu chứng gây hại: Toàn bộ lá cây chuyển sang mầu vàng, mặt dưới gân chính có thể nứt nẻ. Cây cằn cỗi, ít lá, lá đều nhỏ, nụ và hoa có thể bị rụng rất nhiều. Quả nhỏ, dị hình, khô nước. Bóc phần vỏ ở chỗ tiếp giáp gốc ghép hoặc trên thân nơi có vết bệnh thấy các vết lõm hình thoi hoặc có các gai nhỏ. Cây sớm bị tàn lụi.

    - Các biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống sạch bệnh. Phòng trừ triệt để môi giới truyền bệnh (các loài rệp).

    Ngoài những sâu, bệnh trên còn một số sâu bệnh khác hại cam như: Xén tóc, sâu nhớt, sâu xanh bướm phượng, bọ trĩ màu vàng, bọ phấn gai đen, ngài hút quả. Bệnh chảy gôm - thối rễ, bệnh đốm dầu, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, bệnh đốm tảo, bệnh lớp muội đen, bệnh thối mốc xanh quả....

    * Chú ý: Cách sử dụng thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn ghi nhãn mác và đảm bảo thời gian cách ly.

    9. Thu hái và bảo quản:

    - Khi vỏ quả đã chuyển sang mầu vàng hoặc mầu đỏ là có thể thu hái được. Chọn ngày khô ráo, dùng kéo cắt sát núm quả để cuống quả dài > 5cm hoặc cắt sát cuống. Thu hái nhẹ nhàng, những quả sây xước, dập vỡ loại riêng không bảo quản.

    - Bảo quản cam bằng phương pháp thủ công hoặc theo quy trình công nghệ.

    - Không nên giữ quả lâu trên cây làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất vụ sau.

     

     

    Tài liệu tham khảo:

    - Hướng dấn kỹ thuật nông lâm ngiệp Tỉnh Yên Bái năm 2001.

    - Trang Website: Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng. 

    Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái