• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo áp dụng VietGAP
    05/01/2022 2:23:00 CH
    Lượt xem: 6496

    PHẦN I. ÁP DỤNG VIETGAP TRONG SẢN XUẤT CHANH LEO

    1. Chọn vùng sản xuất

    Vùng sản xuất cây ăn quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá, lựa chọn phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với những quy định của nhà nước về mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về hoá học, sinh học và vật lý lên cây ăn quả.

    Không được sản xuất cây ăn quả theo VietGAP ở những vùng bị ô nhiễm hoặc có mối nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học, vật lý, hoặc trước khi trồng cần có biện pháp xử lý để quản lý rủi ro.

    2. Quản lý giống và gốc ghép

    - Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất.

    - Trong trường hợp tự sản xuất phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ họ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, nguồn gốc, tên của giống, số lô của giống, ngày, tháng, năm sản xuất.

    - Khi cây giống bị sâu bệnh gây hại, phải kịp thời xử lý trước khi đưa ra trồng và cần phải ghi chép kịp thời các biện pháp xử lý trong vườn ươm cây giống

    - Hồ sơ xử lý những hoá chất bảo vệ thực vật trong vườn ươm cây giống, trong nhà lưới phải được ghi chép kịp thời.

    - Có hồ sơ lưu danh tính nhà cung cấp giống cây và ngày tháng mua.

    3. Quản lý đất và giá thể

    - Sơ đồ đất: Phải được xác định loại đất cho mỗi vùng đất dựa trên bản đồ đất của khu vực trồng.

    - Tiến hành đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá chất khó phân huỷ tại vùng sản xuất trước khi trồng. Nếu thấy nguy cơ cao thì phải kiểm tra, phân tích mức dư lượng trong đất.

    - Tiến hành phân tích đất và giá thể định kỳ, nhằm đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và vườn ươm. Khi xử lý các nguy cơ tiềm ẩn (nếu có) cần phải được ghi chép cập nhật thông tin và lưu trong hồ sơ về các biện pháp xử lý.

    - Không chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm đất và nguồn nước trong vùng sản xuất cây ăn quả.

    - Các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây ăn quả được áp dụng phải phù hợp với việc sử dụng trên vùng đất canh tác.

    4. Quản lý phân bón

    - Cần lựa chọn các loại phân bón giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm, các loại phân bón có trong danh mục, được phép sản xuất kinh doanh phù hợp với từng chủng loại cây ăn quả.

    - Không sử dụng phân tươi, chất hữu cơ chưa qua xử lý để bón cho cây ăn quả.

    - Trong trường hợp cần xử lý chất hữu cơ tại chỗ trước khi gieo trồng, phải có biên bản lưu lại ngày tháng và phương pháp xử lý.

    - Cần đặt và xây dựng bể ủ phân đảm bảo không gây ô nhiễm cho vùng sản xuất và nguồn nước.

    - Nơi chứa, phối trộn phân bón, dụng cụ, trang thiết bị cần phải xây dựng riêng nhằm giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm vùng sản xuất.

    - Định kỳ cần đánh giá nguy cơ ô nhiễm do sử dụng phân bón. Nếu có nguy cơ ô nhiễm cần có ngay các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm lên vùng trồng cây ăn quả. Việc phân tích, đánh giá, xử lý nguy cơ ô nhiễm phải được ghi chép đầy đủ và lưu hồ sơ quản lý.

    - Lưu giữ hồ sơ phân bón khi mua và khi sử dụng (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón, tên người bón).

    5. Nước tưới

    - Nước tưới cho cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý.

    - Định kỳ đánh giá nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại vùng sản xuất (nguồn nước, chất lượng nước,….). Ghi chép kết quả đánh giá, phương pháp xử lý và lưu trong hồ sơ.

    - Trong trường hợp phải phân tích nước để đánh giá nguy cơ ô nhiễm, cần kiểm tra định kỳ, tuỳ theo điều kiện tác động tới hệ thống cấp nước và hoạt động sản xuất, đồng thời lưu lại kết quả kiểm tra.

    - Ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm hoá học và sinh học cao phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc nước phải được xử lý và giám sát chặt chẽ, phải ghi lại kết quả giám sát.

     6. Quản lý hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật

    - Tất cả những sản phẩm bảo vệ thực vật đều phải được đăng ký chính thức, được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, được cập nhật lưu hồ sơ hàng năm, có người quản lý và chịu trách nhiệm chính.

    - Tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo về thực vật và an toàn trong sử dụng cho các tổ chức, các hộ nông dân sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP.     

    - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các danh mục đã được quy định. Theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì, nhãn mác của nhà sản xuất.

    - Hoá chất phải được sử dụng đúng trên các đối tượng của cây trồng (theo hướng dẫn trên bao bì hoặc từ các phát hành của các cơ quan có thẩm quyền).

    - Kho chứa hoá chất cần đảm bảo theo quy định, thoáng mát, an toàn, có nội quy quản lý và sử dụng.

    - Các loại hoá chất khi mua và sử dụng cần được ghi chép cụ thể từng vụ, năm (vùng sản xuất, tên hoá chất, thời gian, liều lượng, ngày mua, người sử dụng…) và được lưu giữ hồ sơ.

    - Những vỏ bao bì, thùng chứa phải được thu gom, cất giữ ở nơi quy định. Không tái sử dụng các bao bì và thùng chứa hoá chất.

    - Kiểm tra định kỳ, thường xuyên việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng háo chất trong quả theo yêu cầu của khách hàng. Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong sản phẩm vượt quá mức cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán và tìm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

    7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

    - Nhà xưởng, thiết bị:

    + Khu nhà xưởng, thiết bị phục vụ cho phân loại, đóng gói sản phẩm khi thiết kế, xây dựng cần hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm, tiện lợi cho việc thu hái, vận chuyển và đóng gói sản phẩm.

    + Thiết kế xây dựng hệ thống giác thải, nước thải hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm lên sản phẩm.

    - Bao bì, đóng gói:

    + Bao bì chứa sản phẩm quả tươi phải được làm từ nguyên vật liệu không làm ô nhiễm đến sản phẩm. Vật liệu bao bì phải được mua từ các nhà cung cấp đã được phê chuẩn (có danh sách các nhà cung cấp), kiểm tra ngay lúc giao hàng và được tồn trữ, tuân thủ theo qui tắc giành cho sản phẩm đầu vào cho đến khi cần sử dụng. Các bao bì cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.

    + Sản phẩm thu hoạch xong cần phải chứa vào bao bì, không để tiếp xúc trực tiếp với đất, để ở nơi thoáng mát, sạch sẽ hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm

    + Bao bì, thùng chứa, vật liệu đóng gói sản phẩm quả cần được cách ly với kho chứa hoá chất, phân bón và các loại nguy cơ gây ô nhiễm.

    - Bảo quản và vận chuyển: Không bảo quản, vận chuyển sản phẩm chung với các loại hàng hoá khác. Trước khi xếp hàng phải khử trùng, làm vệ sinh sạch sẽ phương tiện và thiết bị.

    - Vệ sinh nhà xưởng, thiết bị: Thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ bằng các loại hoá chất thích hợp không làm ảnh hưởng đến môi trường và ô nhiễm sản phẩm.

    - Vệ sinh cá nhân: Người lao động cần được tập huấn, thực hành vệ sinh cá nhân, các điều kiện vệ sinh cá nhân trong khi làm việc. Không có thức ăn, đồ uống của cá nhân trong khu vực đóng gói. Không hút thuốc, nhai kẹo, khạc nhổ khi làm việc. Đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho người lao động.

    8. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc

    - Các tổ chức và cá nhân sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phải ghi chép, lưu trữ đầy đủ nhật ký sản xuất, bảo vệ thực vật, phân bón, tiêu thụ sản phẩm…

    - Hồ sơ phải được xây dựng chi tiết theo các bước thực hành VietGAP và lưu trữ tại cơ sở sản xuất. Thời gian lưu trữ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu câu của các cơ quan quản lý và khách hàng.

    - Sản phẩm cây ăn quả sản xuất theo VietGAP được ghi rõ mã số của lô sản xuất và được lập hồ sơ lưu trữ.

    - Khi xuất hàng cần ghi chép thời gian cung cấp, nơi nhận và lưu giữ hồ sơ từng lô sản phẩm.

    - Bao bì, thùng chứa sản phẩm quả cần có nhãn mác để khi cần có thể truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

    Phần II: KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC CHANH LEO

    1. Chuẩn bị đất, thời vụ và mật độ khoảng cách trồng

    - Chọn đất: Đất trồng chanh leo có độ dốc ≤ 30% và cao từ 650-1.300m so với mực nước biển, tơi xốp (độ xốp ≥ 65%), thoáng, giàu chất hữu cơ như đất cát pha thịt nhẹ, đất Bazan, độ pH thích hợp 5,5 - 7,5, có tầng đất canh tác dày trên 30cm, tỷ lệ sỏi sạn, đá cục nhỏ hơn 70% thể tích. Đất thoát nước tốt, không bị ngập úng.

    - Làm đất: Đào hố rộng x dài x sâu: 60cm x 60cm x 60cm. Bỏ lớp đất mặt riêng một bên (lớp đất mặt là lớp đất có độ dày 30cm).

    - Bón lót: Phải bón lót hố trước khi trồng từ 7-10 ngày, với lượng 2kg NPK 5-10-3 +  vôi 250gr + 10-15kg phân chuồng hoai mục/hố.

    - Thời vụ: Tốt nhất đối với cây chanh leo cuối mùa khô, đầu mùa mưa (tháng 1 – 4).

    Đối với các vùng không chịu ảnh hưởng của sương muối và lạnh giá,băng tuyết có thể trồng sớm hơn (tháng 11- 12 năm trước).

    - Mật độ trồng: Tùy vào trình độ canh tác, mức đầu tư mà có các mật độ khác nhau: 5m x 4m (500 cây/ha) hoặc 4m x 4m (625 cây/ha) hoặc 4 x 3 m (883 cây/ha).

    2. Làm giàn

    Giàn phẳng cải tiến: Kiểu này có diện tích bò rộng nhưng hạn chế các cành thứ cấp buông thõng do đó trong quá trình chăm sóc cần tiến hành đưa các cành thứ cấp xuống giàn

    Giàn kiểu chữ T, U phân bố ánh sáng điều, tạo được sự buông thõng của các cành thứ cấp nên cho nhiều quả, thuận lợi cho việc đi lại chăm sóc, thu hoạch. Tuy nhiên độ vững chắc của giàn kém tại các nơi có gió mạnh.

    Với kiểu giàn chữ U chôn 2 cọc trụ song song cách nhau từ 1,6m, trên đỉnh 2 cọc dùng một thanh ngang bằng vật liệu chắc chắn. Kéo 3 sợi thép có khoảng cách 0,8m chạy song song với nhau suốt từ đầu hàng đến cuối hàng.

    3. Kỹ thuật trồng: Trước khi trồng phải kiểm tra độ ẩm của đất. Nếu đất không đạt độ ẩm ≥ 60% thì phải bổ sung nước cho hố trồng trước khi trồng.

    Đào một lỗ nhỏ ở chính giữa hố và đặt bầu cây đã xé bỏ túi bầu vào sao cho mặt bầu thấp hơn mặt lỗ từ 1 - 2cm rồi vun đất vụn vào xung quanh và lấp kín bầu, vừa vun vừa ấn nhẹ đất xung quanh bầu. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh cây bị tách chồi. Sau khi trồng xong dùng cọc có chiều cao 0,7m – 1,0 m cắm ngay gốc và dùng dây mềm buộc chắc cây vào cọc để tránh gió lớn làm lay gốc.

    Sau khi trồng xong tưới nước liên tục 1-2 lần/ngày giúp cây nhanh bén rễ hồi xanh. Tiến hành trồng dặm định hình vườn cây ngay trong tháng đầu tiên. Trồng dặm bằng cây con đúng giống và có mức sinh trưởng tương đương với cây trên vườn.

    5. Chăm sóc vườn chanh leo:

    5.1. Giai đoạn kiến thiết cơ bản:

    - Làm cỏ: Làm sạch cỏ quanh gốc chanh leo bán kính 1,0m, làm cỏ chia thành nhiều lần trong năm. Khi làm cỏ không được tấp vào gốc cây, kéo đất ra khỏi gốc chanh leo sao cho cổ rễ ngang bằng với mặt đất.

    - Tủ gốc và quét vôi chống nắng: Trước khi tủ gốc phải xới váng quanh gốc, tủ cách gốc 10 cm, bán kính tủ gốc ít nhất 1,0 m, phủ lên một lớp đất dày khoảng 20 cm.

    Tiến hành quét vôi (nồng độ 5%) đoạn thân hoá nâu, chiều cao 1,0 m trở lên tính từ mặt đất trước khi khép tán sẽ có tác dụng vừa chống nắng vừa hạn chế được 1 số nấm bệnh.

    - Bón phân:

    + Đối với phân vô cơ: Sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm và lân cao, như phân NPK 16-16-8+TE với lượng 50-200gr/gốc. Bón lần đầu sau 10 - 12 ngày sau trồng. Các lần kế tiếp bón sau 15 - 17 ngày với lượng bón tăng dần (2 lần đầu tiên bón 50gr/gốc, 2 lần tiếp theo 100gr/gốc, lần cuối là 200gr/gốc).

    + Đối với phân hữu cơ: Sử dụng phân chuồng hoai với lượng 5-7kg/gốc.

    - Tưới nước: Thường xuyên tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển. Cần tưới đủ nước cho cây vào thời điểm các thời điểm sau trồng, sau khi bón phân, khi quả phát triển. Vào mùa mưa, cần tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.

    - Tỉa cành, tạo tán: Tiến hành tỉa chồi có kiểm soát, tạo tán ở độ cao từ 1,7-2m (tỉa tất cả chồi thực sinh, chồi ngang, hoa mọc ra từ thân cây để chồi chính phát triển lên giàn; chỉ để chồi ngang phát triển từ vị trí 1,7- 2 m để làm nhánh chính tạo tán).

    Chỉ để các cành cấp 1, cành cấp 2 mập, khỏe chạy dọc theo các dây thép đã giăng trên giàn, còn lại tất cả đều buông theo chiều thẳng đứng. Các cành buông theo chiều thẳng đứng khi cách mặt đất 40cm tiến hành bấm ngọn không để ngọn chạm đất đồng thời tập trung cho việc nuôi dưỡng hoa và quả.

    5.2. Chăm sóc vườn chanh leo giai đoạn kinh doanh

    - Tỉa lá và cành nhánh: Chế độ cắt tỉa Chanh leo có ảnh hưởng lớn đến năng suất thu hoạch. Chú ý quá trình cắt tỉa phải thu dọn lá, cành ra khỏi vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ.

    - Bón phân:

    + Đối với phân vô cơ: Sử dụng phân NPK 16-8-16+TE hoặc 15-9-20+TE với lượng bón 200gr/gốc, 2 lần/ tháng.

    + Đối với phân hữu cơ: Thông thường khoảng 3 tháng bón 1 lần với lượng 10kg phân chuồng hoai mục/gốc.

    - Làm cỏ và tưới nước: Tương tự giai đoạn KTCB.

    6. Phòng trừ sâu bệnh

    6.1. Đối với bệnh hại thường gặp:

    - Bệnh thối rễ: Do nhiều tác nhân như: Nấm Phytophthora cinnamomi, Phytophthora megasperma, Fusarium. Sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như Copper oxychloride (Isacop, Epolists….), Copper hydroxyl (Zinsento), Fosetum aluminium (Aliette 80WP, Aliette 800WG, Alpine 80WG) để phòng trừ, nhất là giai đoạn trồng mới.

    - Bệnh đốm nâu: Do nấm Alternaria passiflorae gây ra. Sử dụng các thuốc hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325SC, Tilgent 450 SC); hoặc hỗn hợp thuốc Mancozeb+Metalaxyl-M (Ridomil GoldÒ 68WP); Difenoconazole (Score 250EC); Chlorothalonil (Daconil 500SC); hoặc Thiophanate-Methyl (Topsin M 70WP) để phòng trừ.

    Chú ý phun vào những đợt lá ra vào đầu mùa mưa.

    - Bệnh nám trái, thối nhũn: Do nấm Phytophthora nicotiana; Collectotrichum gloeosporioides (Penz) Sacc gây ra. Dùng các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole như Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC), nồng độ 0,2% hoặc hoạt chất Difenconazole như Score 250EC, Tilgent 450 EC, Amitar Top 325 EC... hoặc hoạt chất Metalaxyl+mancozeb( Ricide 72WP, Ridomil 68WP...)hoặc Dimethomorph( Insuran 50WP, Andibat 700WP) để phòng trừ.

    - Bệnh đốm dầu do vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas passiflorae gây ra. Sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất: Copper hydroxide, Copper Oxychloride + Kasugamycin, Copper Oxychloride 50% + Metalaxyl 8%, Ningnanmycin phun xịt khi cây chớm bệnh.

    - Bệnh lở cổ rễ: Bệnh do nấm Rhizoctora solani, Fusarium solani gây ra. Sử dụng Aliette 80WP, Alpine 80 WG hoặc Epolists 85WP để phòng trừ.

    6.2. Đối với sâu hại thường gặp: Nhện đỏ, Bọ xít, Bọ trĩ, Ruồi đục trái… phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành BVTV.

    7. Thu hoạch và bảo quản

    - Thu hoạch:

    Đối với loại quả phục vụ nhu cầu sử dụng quả tươi (xuất khẩu nguyên quả) thông thường quả  sau khi  2/3 vỏ quả chuyển sang màu hồng hay tím có thể thu hái.

    Đối với quả phục vụ nhu cầu múc dịch, đông lạnh cần để chuyển hết sang màu tím hoặc rụng tự nhiên. Thời gian thu hoạch vào mùa hè thường ngắn ngày hơn mùa đông và chuyển màu nhanh hơn vì vậy khi thu hoạch vào mùa hè quả chuyển màu 1/3 vỏ thì nên thu hái; vào mùa đông khi quả chuyển màu tối thiểu được ¾ vỏ mới tiến hành thu hái.

    Sau mỗi lần thu hoạch cần chú ý gom toàn bộ các loại quả bị thải loại do nấm bệnh và côn trùng gây hại tập trung về một vị trí để tiêu hủy, hạn chế khả năng phát triển của sâu bệnh trên vườn.

     

    - Bảo quản. Bảo quản quả sau thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thương mại của quả. Tất cả những quả bị trầy xước vỏ, có dấu vết, chín quá… đều không đạt yêu câu cho loại cao nhất (loại 1). Vì vậy, quả sau thu hoạch nên bảo quản nơi thoáng mát, tránh đổ đống quá dày và sớm vận chuyển về nơi sơ chế để đảm bảo chất lượng và phẩm chất (có thể dùng sọt nhựa có lót vải để thu hái và vận chuyển). 

     

      

    Nguyễn Xuân Thượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái