• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP
    05/01/2022 10:19:00 SA
    Lượt xem: 6059

    PHẦN I. YÊU CẦU CHUNG TRONG SẢN XUẤT VIETGAP

    1. Chọn vùng sản xuất:

    Vùng sản xuất cây ăn quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá, lựa chọn phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với những quy định của nhà nước về mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về hoá học, sinh học và vật lý lên cây ăn quả.

    Không được sản xuất cây ăn quả theo VietGAP ở những vùng bị ô nhiễm hoặc có mối nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học, vật lý, hoặc trước khi trồng cần có biện pháp xử lý để quản lý rủi ro.

    2. Quản lý giống và gốc ghép:

    - Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất.

    - Trong trường hợp tự sản xuất phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ họ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, nguồn gốc, tên của giống, số lô của giống, ngày, tháng, năm sản xuất.

    - Khi cây giống bị sâu bệnh gây hại, phải kịp thời xử lý trước khi đưa ra trồng và cần phải ghi chép kịp thời các biện pháp xử lý trong vườn ươm cây giống

    - Hồ sơ xử lý những hoá chất bảo vệ thực vật trong vườn ươm cây giống, trong nhà lưới phải được ghi chép kịp thời.

    - Có hồ sơ lưu danh tính nhà cung cấp giống cây và ngày tháng mua.

    3. Quản lý đất và giá thể:

    - Sơ đồ đất: Phải được xác định loại đất cho mỗi vùng đất dựa trên bản đồ đất của khu vực trồng.

    - Tiến hành đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá chất khó phân huỷ tại vùng sản xuất trước khi trồng. Nếu thấy nguy cơ cao thì phải kiểm tra, phân tích mức dư lượng trong đất.

    - Tiến hành phân tích đất và giá thể định kỳ, nhằm đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và vườn ươm. Khi xử lý các nguy cơ tiềm ẩn (nếu có) cần phải được ghi chép cập nhật thông tin và lưu trong hồ sơ về các biện pháp xử lý.

    - Không chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm đất và nguồn nước trong vùng sản xuất cây ăn quả.

    - Các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây ăn quả được áp dụng phải phù hợp với việc sử dụng trên vùng đất canh tác.

    4. Quản lý phân bón:

    - Cần lựa chọn các loại phân bón giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm, các loại phân bón có trong danh mục, được phép sản xuất kinh doanh phù hợp với từng chủng loại cây ăn quả.

    - Không sử dụng phân tươi, chất hữu cơ chưa qua xử lý để bón cho cây ăn quả.

    - Trong trường hợp cần xử lý chất hữu cơ tại chỗ trước khi gieo trồng, phải có biên bản lưu lại ngày tháng và phương pháp xử lý.

    - Cần đặt và xây dựng bể ủ phân đảm bảo không gây ô nhiễm cho vùng sản xuất và nguồn nước.

    - Nơi chứa, phối trộn phân bón, dụng cụ, trang thiết bị cần phải xây dựng riêng nhằm giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm vùng sản xuất.

    - Định kỳ cần đánh giá nguy cơ ô nhiễm do sử dụng phân bón. Nếu có nguy cơ ô nhiễm cần có ngay các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm lên vùng trồng cây ăn quả. Việc phân tích, đánh giá, xử lý nguy cơ ô nhiễm phải được ghi chép đầy đủ và lưu hồ sơ quản lý.

    - Lưu giữ hồ sơ phân bón khi mua và khi sử dụng (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón, tên người bón).

    5. Nước tưới

    - Nước tưới cho cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý.

    - Định kỳ đánh giá nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại vùng sản xuất (nguồn nước, chất lượng nước,….). Ghi chép kết quả đánh giá, phương pháp xử lý và lưu trong hồ sơ.

    - Trong trường hợp phải phân tích nước để đánh giá nguy cơ ô nhiễm, cần kiểm tra định kỳ, tuỳ theo điều kiện tác động tới hệ thống cấp nước và hoạt động sản xuất, đồng thời lưu lại kết quả kiểm tra.

    - Ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm hoá học và sinh học cao phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc nước phải được xử lý và giám sát chặt chẽ, phải ghi lại kết quả giám sát.

    6. Quản lý hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật

    - Tất cả những sản phẩm bảo vệ thực vật đều phải được đăng ký chính thức, được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, được cập nhật lưu hồ sơ hàng năm, có người quản lý và chịu trách nhiệm chính.

    - Tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo về thực vật và an toàn trong sử dụng cho các tổ chức, các hộ nông dân sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP.     

    - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các danh mục đã được quy định. Theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì, nhãn mác của nhà sản xuất.

    - Hoá chất phải được sử dụng đúng trên các đối tượng của cây trồng (theo hướng dẫn trên bao bì hoặc từ các phát hành của các cơ quan có thẩm quyền).

    - Kho chứa hoá chất cần đảm bảo theo quy định, thoáng mát, an toàn, có nội quy quản lý và sử dụng.

    - Các loại hoá chất khi mua và sử dụng cần được ghi chép cụ thể từng vụ, năm (vùng sản xuất, tên hoá chất, thời gian, liều lượng, ngày mua, người sử dụng…) và được lưu giữ hồ sơ.

    - Những vỏ bao bì, thùng chứa phải được thu gom, cất giữ ở nơi quy định. Không tái sử dụng các bao bì và thùng chứa hoá chất.

    - Kiểm tra định kỳ, thường xuyên việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng háo chất trong quả theo yêu cầu của khách hàng. Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong sản phẩm vượt quá mức cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán và tìm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

    7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

    - Nhà xưởng, thiết bị:

    + Khu nhà xưởng, thiết bị phục vụ cho phân loại, đóng gói sản phẩm khi thiết kế, xây dựng cần hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm, tiện lợi cho việc thu hái, vận chuyển và đóng gói sản phẩm.

    + Thiết kế xây dựng hệ thống giác thải, nước thải hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm lên sản phẩm.

    - Bao bì, đóng gói:

    + Bao bì chứa sản phẩm quả tươi phải được làm từ nguyên vật liệu không làm ô nhiễm đến sản phẩm. Vật liệu bao bì phải được mua từ các nhà cung cấp đã được phê chuẩn (có danh sách các nhà cung cấp), kiểm tra ngay lúc giao hàng và được tồn trữ, tuân thủ theo qui tắc giành cho sản phẩm đầu vào cho đến khi cần sử dụng. Các bao bì cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.

    + Sản phẩm thu hoạch xong cần phải chứa vào bao bì, không để tiếp xúc trực tiếp với đất, để ở nơi thoáng mát, sạch sẽ hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm

    + Bao bì, thùng chứa, vật liệu đóng gói sản phẩm quả cần được cách ly với kho chứa hoá chất, phân bón và các loại nguy cơ gây ô nhiễm.

    - Bảo quản và vận chuyển: Không bảo quản, vận chuyển sản phẩm chung với các loại hàng hoá khác. Trước khi xếp hàng phải khử trùng, làm vệ sinh sạch sẽ phương tiện và thiết bị.

    - Vệ sinh nhà xưởng, thiết bị: Thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ bằng các loại hoá chất thích hợp không làm ảnh hưởng đến môi trường và ô nhiễm sản phẩm.

    - Vệ sinh cá nhân: Người lao động cần được tập huấn, thực hành vệ sinh cá nhân, các điều kiện vệ sinh cá nhân trong khi làm việc. Không có thức ăn, đồ uống của cá nhân trong khu vực đóng gói. Không hút thuốc, nhai kẹo, khạc nhổ khi làm việc. Đảm bảo các điều kiện vệ sinh cho người lao động.

    8. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc

    - Các tổ chức và cá nhân sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phải ghi chép, lưu trữ đầy đủ nhật ký sản xuất, bảo vệ thực vật, phân bón, tiêu thụ sản phẩm…

    - Hồ sơ phải được xây dựng chi tiết theo các bước thực hành VietGAP và lưu trữ tại cơ sở sản xuất. Thời gian lưu trữ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu câu của các cơ quan quản lý và khách hàng.

    - Sản phẩm cây ăn quả sản xuất theo VietGAP được ghi rõ mã số của lô sản xuất và được lập hồ sơ lưu trữ.

    - Khi xuất hàng cần ghi chép thời gian cung cấp, nơi nhận và lưu giữ hồ sơ từng lô sản phẩm.

    - Bao bì, thùng chứa sản phẩm quả cần có nhãn mác để khi cần có thể truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

    PHẦN II: KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC:

    Cây chuối nói chung, chuối tiêu hồng nói riêng rất sợ úng và mẫn cảm với các bệnh do virus gây hại.


    Bao buồng chuối đề phòng sâu bệnh

    Chọn cây giống nuôi cấy mô, trồng chuối trên đất cát pha, thịt nhẹ và bón vôi bột, sẽ căn bản khắc phục được các nguy hại nêu trên. Kết hợp với một số biện pháp chăm sóc khác, nhà nông sẽ có được những mùa bội thu.

    1. Thời vụ trồng: Từ tháng 01 đến tháng 03 dương lịch. Đào hố so le hình nanh sấu, kích thước: 40 x 40 x 40cm. Trồng cây cách cây, hàng cách hàng: 2m, đảm bảo 90 cây/sào (360m2).

    2. Bón phân:

    - Bón lót cho 1 hố: 7 - 10kg phân chuồng hoai mục + 0,3kg lân Super + 0.5kg vôi bột + 5gr Basudin 50EC (trộn đều các loại phân đưa xuống hố - phủ đất - trồng cây - lấp đất kín gốc tới độ sâu cách mặt luống 10cm - tưới ẩm). Khi trồng tuyệt đối không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân.

    - Bón thúc khi cây bén rễ, ra lá (sau trồng 10 - 15 ngày): Lượng bón, 15g urê + 100gr lân + 10g kali + 20 lít nước sạch - Hòa tan tưới 1 lít/gốc. Định kỳ 15 ngày/lần.

    - Bón thúc sau trồng 5-6 tháng: 120 - 130kg tro bếp + 20kg vôi bột + 10kg NPK 20-20-15+TE Đầu trâu - vôi bột, tro bếp rắc trực tiếp lên mặt luống, cách gốc 15 - 20cm, rồi vét đất ở rãnh phủ kin phân. NPK tùy theo thời tiết - Hòa nước tưới khi trời nắng hạn. Rắc phân khô khi có mưa.

    - Sau trồng 7 - 8 tháng: Bón 15 - 17kg NPK 13-13-13+TE Đầu trâu.

    - Sau trồng 9 - 10 tháng: Bón 15kg NPK 13-13-13+TE Đầu trâu + 5kg kali clorua.

    - Phun phân bón lá (giàu urê và kali) 2 lần cách nhau 10 ngày. Khi cây chuẩn bị ra buồng và ngay sau cắt hoa. Chú ý: Tuyệt đối không bón phân chuồng tươi. Tùy tình hình thời tiết: Khi nhiệt độ không khí quá cao (trên 35 độ) hay quá thấp (dưới 15 độ) thì dừng bón các loại phân. Nhằm tránh gây tổn thương cho bộ rễ chuối.

    3. Tỉa mầm (rất quan trọng): Trên cây mẹ chỉ để 2 - 3 mầm cây con. Không để mầm cây con ở vị trí ngay dưới buồng quả. Sau thu hoạch, đốn cây mẹ, rắc vôi bột vào gốc, để nuôi 1 cây mầm ra đầu tiên. Chăm sóc 9 - 10 tháng sau sẽ cho thu hoạch tiếp.

    Khi tách mầm nhân rộng ruộng sản xuất chuối. Chỉ tách lấy mầm đời cháu để trồng. Không lấy mầm cây con ở đời thứ tư. Cần thay mới bằng cây giống nuôi cấy mô.

    - Ruộng chuối cần luôn đảm bảo đủ ẩm. Các ruộng chuối mới trồng, nên xen canh với cây họ đậu. Để tăng thu nhập. Bồi dục đất. Giữ ẩm. Chống rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại.

    4. Cắt hoa, gò buồng: Khi buồng chuối đã cho 10 - 13 nải quả. Lớp quả ở đáy buồng nhỏ, bé và cong vẹo, cần cắt hoa ngay và tiến hành gò buồng. Dùng dây nilon mềm buộc chặt cuống đáy buồng chuối, kéo vít vào thân cây và cố định. Sao cho hướng buồng chuối vuông thẳng với mặt vườn. Mục đích, cho nải quả cong đều, ít bị gió lắc.

    5. Chống đổ:

    Sau cắt hoa khoảng 1 tháng. Dùng dây nilon bền và to bản. Buộc chặt cổ ngọn chuối vị trí tiếp giáp cuống buồng quả với thân ngọn cây. Vít kéo dây ngược chiều ngả của cây căng tầm. Buộc cố định dây vào gốc chuối đối diện. Thêm 1 dây nilon cùng loại bó ngang thân để cho cây thêm chắc. Cách 0,5 - 0,7m buộc quấn 1 vòng, tới chắc tay thì thít dây cố định.

    6. Phòng trừ sâu bệnh hại:

    - Nhổ cỏ, cắt bỏ lá già, lá khô.

    - Bao buồng quả bằng túi nilon trắng (có đục lỗ thoát ẩm ở đáy túi). Bao buồng khi nải quả bắt đầu uốn cong.

    - Rắc Basudin hạt vào gốc (trừ sâu đục thân). Phun Tilsuper (trừ bệnh vàng lá); Ridomil hoặc Anvil (chống đốm quả); Fastac (trừ bọ nẹt, châu chấu); Meliparathion (trừ bọ vẽ quả)... \

    7. Thu hoạch:

    Chuối nuôi cấy mô thường sau trồng 12 - 13 tháng mới cho thu hoạch. Nếu vận chuyển tiêu thụ xa, thì thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu xanh đậm sang xanh nhạt, quả chuối căng đều không còn gờ cạnh. Tiêu thụ nội vùng, nên thu hoạch khi vỏ quả chuyển hanh vàng. Sau thu hoạch chống ngược buồng quả xếp trong nhà kín. 

     

       

    Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái