• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng sa nhân tím
    21/12/2021 2:44:00 CH
    Lượt xem: 771

    - Tên phổ thông: Sa nhân tím

    - Tên khoa học: Amomum longiligulare

    - Họ: Gừng (Zingiberaceae)

    I. Công dụng và giá trị kinh tế:

    1. Công dụng: Quả Sa nhân tím chứa tinh dầu, được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền nhằm kích thích tiêu hóa; chữa ăn uống không tiêu, bị nôn mửa, đau dạ dày, đau bụng do lạnh, kiết lỵ, bệnh cao huyết áp, cholesterol cao trong máu. Hạt Sa nhân tím được sử dụng làm gia vị, tinh dầu Sa nhân được dùng trong công nghiệp mỹ phẩm.

    2. Giá trị kinh tế: Sa nhân tím là cây có giá trị kinh tế cao, được gây trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Miền Trung, Tây Nguyên. Trồng Sa nhân với mật độ 1.600 - 2.500 cây/ha, sau 3 năm bắt đầu cho bói quả, sau 4 năm trở đi đã được cho thu hoạch. Với mỗi ha trung bình đạt từ 500 - 700 kg quả tươi/năm giá bán hiện nay khoảng 60.000 đ/kg tươi hàng năm cho thu hoạch từ 30 - 42 triệu đồng đã trừ chi phí chăm sóc, thu hái.

    II. Điều kiện gây trồng:

    - Sa nhân tím có thể trồng được ở hầu hết các tỉnh từ Bắc vào Nam, những nơi trồng Sa nhân tím cần đáp ứng những yêu cầu sau: Nhiệt độ trung bình năm: 22 - 240C; Nhiệt độ tối cao: 41,70C; Nhiệt độ tối thấp: 10C; Lượng mưa trung bình năm: trên 1.500 mm.

    - Sa nhân tím thích hợp trồng ở độ cao từ  dưới 1.000m so với mực nước biển; Độ dốc vừa phải từ 10 - 250.

    - Đất trồng Sa nhân tím có tầng dày ≥ 60cm giàu mùn, tơi xốp, ẩm và thoát nước tốt, còn tính chất đất rừng và độ tàn che từ 0,2 - 0,4. Không nên trồng ở nơi đất mỏng, khô hạn, nghèo hoặc đất rừng có độ tán che quá lớn.

    III. Cây giống:

    1. Nguồn gốc giống:

    - Giống được thu hoạch từ các nguồn giống (rừng giống, vườn giống) được các cấp có thẩm quyền công nhận.

    - Cây giống được nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng hom.  

    2. Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Có 2 loại.

    - Cây con từ hạt: Là những cây gieo ươm từ hạt, được nuôi dưỡng trong vườn ươm khoảng 5-6 tháng tuổi, chiều cao (H) ≥ 30cm, đường kính gốc (D00) ≥ 0,3cm, có từ 5 - 7 lá, sinh trưởng bình thường, thân thẳng, không cụt ngọn, lá xanh, không sâu bệnh.

    - Cây con từ hom: Là những cây được tạo bằng hom gốc, nuôi dưỡng trong vườn ươm khoảng 4 - 5 tháng tuổi, chiều cao (H) ≥ 30cm, đường kính gốc (D00) ≥ 0,5cm, có từ 5 - 7 lá, sinh trưởng bình thường, thân thẳng, không cụt ngọn, lá xanh, không sâu bệnh.

    IMG_1809

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

                                         Nhân giống Sa nhân tím từ hạt               

     

     

    Nhân giống Sa nhân tím từ hom

     

    IV. Kỹ thuật trồng:

    1. Phương thức trồng: Trồng trong vư­ờn hộ, trổng quanh nhà, trồng xen cây ăn quả; Trồng dưới tán rừng trồng (keo, thông…) hoặc rừng tự nhiên có độ tàn che 0,2 - 0,4.

    2. Thời vụ trồng: Vụ Xuân trồng từ tháng 2 - 4; Vụ Thu trồng từ tháng 7 - 9.

    3. Mật độ trồng:

    - Trồng trong vư­ờn hộ: Tùy theo điều kiện cụ thể để xác định mật độ trồng,   nh­ưng cự ly tối thiểu cây cách cây 2 - 3m.

    - Trồng tập trung dưới tán rừng trồng hoặc rừng tự nhiên: Mật độ 1.660 - 2.500 cây/ha.

    4. Xử lý thực bì: Xử lý thực bì toàn diện bằng cách chặt phát bỏ toàn bộ những cây bụi, dây leo, chỉ để lại các cây tái sinh. Độ tàn che điều chỉnh đạt từ 20 - 40%.

    5. Làm đất:

    - Làm đất toàn diện hoặc cục bộ, theo rạch hoặc theo băng. Hố trồng cây được bố trí theo hàng song song với đường đồng mức hoặc trên băng (rạch) đã xử lý thực bì. Khoảng cách giữa các hàng và các hố được bố trí như sau:

    + Mật độ trồng 2.500 cây/ha: Cự ly hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m.

    + Mật độ trồng 1.650 cây/ha: Cự ly hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m.

    + Đối với trồng cây trong vườn hộ thì các cây trong vườn phải cách nhau từ 2-3m.

    - Cuốc hố trước khi trồng từ 15 đến 20 ngày. Nơi đất bằng cuốc hố trồng với kích thước 30x30x30cm. Nơi đất dốc cuốc hố trồng với kích thước 40x40x40cm; Hố cuốc so le theo hình nanh sấu. Khi cuốc, để phần đất mặt tơi xốp một bên, đất phía dưới hố một bên.

    - Lấp hố, đưa phần đất tốt (phần đất phía trên hố) xuống đáy hố cùng với thảm mục, có thể xới thêm phần đất mặt xung quanh hố để lấp đất gần ngang miệng hố.

    - Bón lót: Bón lót được kết hợp với lấp hố, phân được trộn đều với lớp đất mặt và lấp đầy ½ hố, sau đó lấp đất đầy đến ngang miệng hố và cao hơn mặt đất xung quanh từ 3 - 5cm như hình mai rùa để tránh đọng nước.

    Lượng phân bón lót: 2 kg phân chuồng hoai hoặc 500g phân vi sinh/hố hoặc 200g phân NPK/hố.

    - Thời điểm bón lót và lấp hố trước khi trồng rừng từ 7 - 10 ngày.

    6. Trồng cây:

    - Trồng vào những ngày râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Rải cây giống đến đâu trồng ngay đến đó. Dùng dụng cụ đào một hố rộng và sâu hơn chiều dài của bầu 1-2 cm ở vị trí giữa hố đã chuẩn bị.

    - Dùng dao sắc rạch và lột bỏ vỏ bầu, tránh không được làm vỡ bầu.

    - Đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, miệng bầu thấp hơn miệng hố 1cm.

    - Dùng tay hay cuốc lấp đất nhỏ xung quanh bầu và nén chặt vừa phải sao không làm vỡ bầu đất, vun lớp đất xung quanh cao hơn cổ rễ 3 - 5cm.

    - Sau 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những đã cây chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.

    7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại:

    a) Chăm sóc: Sa nhân tím là loại cây sinh trưởng phát triển nhanh, cây trồng sau 6 tháng đã có thể mọc lên 1 - 3 chồi gốc /khóm và sau 8 - 12 tháng số nhánh có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, gồm 6 - 9 nhánh. Chiều cao trung bình 30 - 65 cm, với 3 - 6 lá.

    + Làm cỏ: Lúc Sa nhân tím còn nhỏ rất dễ bị cỏ dại lấn át, cần phải thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc cây. Nếu vườn trồng Sa nhân xuất hiện cỏ tranh thì phải tìm biện pháp nhanh chóng diệt sạch cỏ, vì cỏ tranh sẽ làm cho Sa nhân chết hàng loạt.

    + Bón phân: Để cây sinh trưởng phát triển tốt, từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm cần bón thúc một lần bằng phân vi sinh hay phân NPK với lượng 500 gam phân vi sinh/cây hoặc 200 g phân NPK/cây, bón vào đầu mùa xuân. Sau khi đã làm sạch cỏ sa nhân có hệ thân rễ mọc nổi trên mặt đất, vì thế trong quá trình chăm sóc không cần vun gốc. Cây trồng sau 2 năm bắt đầu có hoa quả (tỷ lệ 25 - 28% / tổng số khóm) từ năm thứ 3 trở đi tăng dần.

    b) Phòng trừ sâu bệnh hại: Cây Sa nhân tím rất ít khi bị sâu bệnh hại, sau khi trồng 3-6 tháng có thể xuất hiện bọ rùa và sâu khoang ăn lá nhưng mức độ hại thường không đáng kể và sau một thời gian tự mất đi. Do vậy cần chăm sóc, canh tác hợp lý đúng kỹ thuật để phòng sâu bệnh hại.

    8. Thu hái, sơ chế và bảo quản Sa nhân tím:

     a) Thu hái quả Sa nhân tím:

    - Thời vụ : Vụ chính thu hái vào tháng 8-9 và vụ phụ thu hái tháng 11 (dương lịch hàng năm). Thu hái thủ công bằng tay, dùng tay để bứt các chùm quả già vào mùa khai thác.

    - Thời điểm thu hái: Tốt nhất khi kiểm tra chùm quả đã già, gai trên quả ngắn hơn so với khi còn non, quả rất dễ tách ra khỏi chùm, quả già hạt bên trong có màu cà phê sữa đến màu đen.

    - Cách thu hái: Bới lớp thảm mục dưới gốc cây để tìm quả, dùng tay bẻ chùm quả cho vào bao tải hay giỏ. Chỉ thu hái những chùm quả già, quả non để lại thu sau do các chùm hoa nở không đồng đều.

    b) Sơ chế và bảo quản quả Sa nhân tím

    Quả sau khi thu hái về nhặt sạch rác và lá vảy, lá bắc còn lại trên quả, có thể tách rời từng quả ngay hoặc để cả chùm sau đó đem về phơi hay sấy ở nhiệt độ 50 - 60oC cho đến khô. Tách lấy quả (bỏ cuống chung), đóng bao. Quả sa nhân già có tỷ lệ khô/tươi vào khoảng 65 - 70%.

    * Đóng gói và bảo quản quả Sa nhân như sau:

    Sa nhân quả khô còn cả vỏ được đựng trong bao tải loại tốt.

    Sa nhân đã bóc vỏ còn lại hạt thường để trong túi giấy (loại túi xi măng) bên ngoài bao thêm một túi nilon dầy hay bao tải. Để nơi khô ráo, thường xuyên kiểm tra chống ẩm mốc./.

     

     

     

      

     

     

    Lê Thị Hải Yến - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái