• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh bưởi Khả Lĩnh (Đại Minh)
    09/02/2022 3:09:00 CH
    Lượt xem: 5389

    Cây bưởi Khả Lĩnh có nguồn gốc cách đây khoảng 300 năm, kể từ khi làng Khả Lĩnh (nay là thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh) được thành lập vào cuối thế kỷ XVII. Bưởi “Khả Lĩnh” có hình cầu dẹt, đáy quả bằng, phần sát cuống phẳng. Cuống quả nhỏ, nông, trọng lượng quả  từ 1,2 kg đến 1,8 kg/quả. Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà bưởi nơi này có đặc thù, khác biệt với bưởi trồng tại các vùng khác. Vỏ quả rất mỏng, khi chín có màu vàng, nhẵn, bóng, ăn có vị ngọt dịu, không the, không đắng và không có vị chua. Bưởi Khả Lĩnh ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Để phát triển sản xuất cây bưởi Khả Lĩnh bền vững, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sau:

    I. YÊU CẦU SINH THÁI:

    1. Nhiệt độ, ánh sáng: Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23- 29 0c.

    - Ánh sáng thích hợp là tương đương nắng sáng lúc 9 giờ.

    - Nước: Cây bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng không chịu ngập úng. Trong mùa nắng và những ngày khô hạn trong mùa mưa, cần phải tưới nước để duy trì sự phát triển nhanh của cây. Độ mặn trong nước tưới không quá 0,2% (2g/lít nước).

    - Đất trồng: Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6 m, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao >3%, ít bị nhiễm mặn, mực thủy cấp thấp dưới 0,8 m.

    II. CÁCH NHÂN GIỐNG VÀ TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG TỐT

    1. Cách nhân giống:

    a) Phương pháp chiết cành: Giúp giữ lại hoàn toàn các đặc tính của cây đầu dòng, rễ mọc cạn, thích hợp trồng trên các vùng đất có mực thủy cấp hơi cao nhưng hệ số nhân giống thấp, dễ làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cây mau già cỗi và không thể tận dụng các ưu điểm của gốc ghép. Cây dễ đổ ngã do bộ rễ phát triển kém, không tương ứng với sự phát triển của cây. Những lưu ý khi chiết cành:

    - Các dụng cụ chiết cành phải được khử trùng trước và sau khi thực hiện thao tác chiết trên từng đoạn cành.

    - Tuổi cành chiết không nên quá già, chỉ chọn các cành bánh tẻ.

    - Cây dùng để chiết cành phải đang ở trong tình trạng sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá Greening và Tristeza.

    b) Phương pháp ghép: Hệ số nhân giống cao, tận dụng ưu thế của gốc ghép, cây chống chịu đổ ngã tốt, tăng tuổi thọ, giữ lại được các đặc tính tốt của cây đầu dòng.

    * Gốc ghép: Có thể sử dụng các giống bưởi chua ở địa phương làm gốc ghép hoặc sử dụng gốc cam mật để làm gốc ghép theo hướng ổn định chất lượng giống bưởi. Gốc ghép phải được gieo từ các hạt khỏe, thu từ các trái tốt trên cây, không chọn thu hạt từ trái rụng, trái bệnh. Trước khi ghép, gốc ghép phải được định kỳ phun xịt thuốc trừ rầy chổng cánh.

    * Mắt ghép: Sử dụng mắt ghép sạch bệnh, cành lấy mắt ghép là các cành nghiêng khoảng giữa thân, chọn đều theo các hướng và vị trí của tán cây,  không lấy mắt ghép trên cành tược (vượt) và cành mọc lòa xòa trên mặt đất

    c) Tiêu chuẩn cây đầu dòng: Cây đầu dòng phải là cây sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh phá hại, kết quả kiểm tra âm tính đối với các bệnh hại nguy hiểm như bệnh Vàng lá Greening, có năng suất phẩm chất ổn định.

    2.Tiêu chuẩn cây giống tốt:

    - Cây phải đúng giống, sinh trưởng khỏe, không mang mầm mống sâu bệnh hại.

    - Đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, độ sai khác không vượt quá 5%.

    - Chiều cao cây tính từ mặt bầu > 60cm, có 2-3 cành cấp I.

    - Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10cm: 0,8-1cm.

    - Đường kính cành ghép (đo trên vết ghép 2 cm) > 0,7cm.

    III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:

    1. Chọn địa điểm và thiết kế vườn trồng:

    1.1. Chọn đất:

    Đất đồi rừng mới khai phá, đất bồi tụ, đất bãi suối, là đất nhiều mùn và các chất dinh dưỡng, cao ráo, dễ thoát nước, có tầng dầy từ 80 - 100cm, mực nước ngầm sâu dưới 1m, độ dốc của đất từ 3 - 200 (tốt nhất từ 3 - 80), độ pH thích hợp 5,5 - 6,0.

    1.2. Thiết kế vườn trồng:

    Tùy theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp.

    - Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 - 80 nên bố trí trồng cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu).

    - Đất có độ dốc từ 5 - 80 có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, từ 9 - 100 nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, từ 10 - 200 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố; khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức.

    - Đối với vườn diện tích lớn (từ 2 đến 10ha) thậm chí lớn hơn cần phải phân thành từng lô nhỏ (mỗi lô từ 0,5 đến 1ha) và có đường giao thông rộng để vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi. Độ dốc của đường lên đồi không quá 100.

    2. Mật độ, khoảng cách:

    - Đối với loại đất thịt, đất tơi xốp thì khoảng cách phù hợp giữa 2 cây trồng là 5 x 5m (400 cây/ha) tương đương 15 cây trên 1 sào bắc bộ.

    - Còn đối với loại đất đồi chắc, đất cằn thì khoảng cách là 4,5 x 4,5m (500 cây/ha) tương đương 18 cây trên 1 sào bắc bộ.

    Lưu ý: Cần bố trí trồng xen với một giống bưởi khác để làm cây cho thụ phấn, giúp tăng tỷ lệ đậu quả. Mật độ thích hợp là 1/8 (8 cây bưởi Khả Lĩnh trồng xen một cây bưởi khác giống), cây cho thụ phấn nên trồng bằng hạt.

    3. Đào hố và bón lót:

    - Đào theo đường đồng mức, kích thước hố: (70 x 70 x 70) cm. Ở vùng đất có độ dốc từ 10 - 200 đào hố sâu hơn, rộng hơn: (80 x 80 x 80) cm.

    - Bón lót: Toàn bộ lớp đất đào lên được trộn đều với 50kg phân chuồng hoai mục + 1 kg vôi bột + 1,0 - 1,5kg phân lân supe + 1 - 2 kg phân hữu cơ và tiến hành lấp hố trước khi trồng 15 - 30 ngày.

    4. Kỹ Thuật Trồng:

    Hố phải đào trước khi trồng khoảng 1 tháng, Trộn đều toàn bộ lượng phân ở trên với lớp đất trên mặt, sau đó cho xuống đáy hố, tiếp theo lấp đất thành ụ cao so với mặt hố 15 - 20 cm. Vét một hố nhỏ đặt bầu rồi lấp đất cho chặt. Sau đó cắm cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh làm lay gốc làm chết cây. Sau đó dùng mùn rác, cỏ khô phủ kín gốc rồi tưới đẫm nước cho cây tối thiểu 1lần/1ngày đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tuỳ điều kiện sinh trưởng và thời tiết để tưới (đặc biệt chú ý trong 30 ngày đầu tiên sau trồng).

    5. Kỹ Thuật Chăm Sóc:

    a.Chăm sóc định kỳ:

    Tưới nước: Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô.

    Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc bằng cỏ, rơm, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại, xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới vun gốc 2-3 lần. 

    b. Cắt tỉa, tạo hình:

    * Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ chưa có quả: Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng. Để có được dạng hình hợp lý, cần thực hiện theo các bước sau:

    - Tạo cành cấp 1: Khi cây con đạt chiều cao 45 - 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ để lại 3 - 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn cành khoẻ, ít cong queo, cách nhau 7 - 10 cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc xấp xỉ 45 - 60độ để khung tán đều và thoáng.

    - Tạo cành cấp 2: Khi cành cấp 1 dài 25 - 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Thông thường trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng.

    - Tạo cành cấp 3: Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt.

    * Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ mang quả:

    - Cắt tỉa sau thu hoạch: Được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1(nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối.

    - Cắt tỉa vào vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dầy, dị hình.

    - Cắt tỉa vào vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.

    c. Kỹ thuật Bón phân thúc:

    Hàng năm cần bón thúc vào các thời điểm:

    + Bón cơ bản (tháng 8 – tháng 11): Phân hữu cơ + lân Super + vôi. + Bón đón hoa, cành xuân từ 15/1 – 15/3: Đạm urê + kali.

    + Bón thúc tăng trọng quả vào tháng 5 - tháng7: Đạm urê + kali Ngoài ra bón cho cây sau khi thu hoạch quả để cây chóng phục hồi, lượng bón thúc như sau:

    + Đạm Ure: 0,1 – 0,2 kg/cây + Super lân: 0,2 – 0,5 kg/cây + Kali: 0,1 - 0,3kg/cây. Các năm sau lượng phân tăng theo tuổi cây, năng suất quả và tuỳ thuộc loại đất. Cách bón: Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Hoặc có thể đào 3 rãnh theo hình vành khăn xung quanh tán để bón, năm sau bón tiếp phần còn lại. Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán cách xa gốc 20 - 30 cm, sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi trời khô hạn cần hoà tan phân trong nước để tưới hoặc rải phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước. + Lần 1 (sau khi thu hoạch): bón theo vành mép tán, đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm. + Bón thúc vào lần 2 và 3: trộn đều các loại phân hóa học rải đều trong vòng tán cây, xới đất sâu 4-5cm vùi đất lấp kín, tủ rơm rác giữ ẩm. Bón phân xong tưới nước đủ ẩm cho phân tan để cây hấp thụ từ từ.

    6. Phòng Trừ Sâu Bệnh hại:

    Bưởi thường bị một số loại sâu bệnh hại chính như : Sâu vẽ bùa, sâu đục thân, cành, nhện đỏ, nhện trắng, ruồi đục quả, bệnh nấm, bệnh chảy gôm, bệnh khô cành, quả ám khói…

    Sâu đục thân, cành : Quét vôi vào gốc cây và thân cây, dung xilanh tiêm phun trực tiếp vào lỗ sâu đục bằng thuốc Supracide 0,2%.

    Sâu vẽ bùa : Dùng Selecron phun lên lá. Thuốc này có tác dụng với cả sâu ăn lá, nhện đỏ và các loại sâu khác.

    Rệp : Khi phát hiện có rệp, phun ngay Selecron ba ngày liên tục.

    Ruồi đục quả hút dịch làm quả thối, thời gian xuất hiện vào tháng 7-10. Dùng bả Naled 5% + Metyl Eugnol 95% cho 100m2.

    Bọ xít các loại : Phun Sherpa 0,2% hoặc Dipterex 0,3%. Ngoài ra nếu thấy các loại côn trùng ít có thể bắt bằng tay và tiêu diệt

    Bệnh nấm : Trên lá có đốm màu gỉ sắt, thân có các đốm đen. Sử dụng thuốc SCORE hoặc Sun phát đồng 1% phun 3 ngày một lần cho tới khi khỏi bệnh.

    Bệnh muội đen thân, cành, lá, quả. Thời gian xuất hiện từ tháng 2-10. Phun Boocdo 1% hoặc Sun phát đồng 1% kết hợp với cắt tỉa cho thưa tán lá, cành.

    Bệnh chảy mủ gôm : Thời gian gây hại từ tháng 4, 5, 9, 10. Phun Aliette 0,3% lên thân, cành tuần 1 lần cho tới khi khỏi v.v…

    7. Thu Hoạch và Bảo Quản:

    Khi quả già, vỏ quả hơi vàng màu đặc trưng của giống thì thu hoạch. Nên thu hái vào lúc trời râm mát, khô ráo. Dùng dao cắt cả cuống quả, lau sạch cho vào giỏ hoặc sọt tre để nơi thoáng mát, Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi xa khi đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).

    Về việc bảo quản bưởi, chỉ cần để cho bưởi ráo hết phần nhựa khoảng 10 - 15 ngày, sau đó cho vào túi lưới hay rổ bảo quản nơi thoáng mát để ăn dần. Nếu thời tiết ẩm, nồm thì phải kiểm tra những túi có hiện tượng đổ mồ hôi, bỏ ra cho quả khô. Không nên cất bưởi trong túi nhựa hay trong tủ lạnh, bưởi sẽ nhanh bị hỏng./.

     

     

    Tài liệu tham khảo:

                - Giáo trình cây ăn quả tác giả Đào Thanh Vân Đại học Nông Lâm Thái Nguyên Suất băn năm 2003.

                - Đề tài khoa học khoa học năm 2007-2009 nguyên nhân suy giảm năng suất bưởi Đại Minh - Biện pháp khắc phục

                - Trung tâm thực nghiệm rau, hoa, quả thuộc viện nghiên cứu rau, hoa, quả.

     

     

     

     

     

     

     

     

     

      

    Nguyễn Xuân Thượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái