• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng vầu đắng
    24/10/2023 11:05:00 SA
    Lượt xem: 585

    Vầu đắng là loài cây phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía bắc như: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ… Thân cây vầu đắng tuy không thích hợp cho đan lát nhưng lại được sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất giấy, đũa xuất khẩu và ứng dụng nhiều trong vật liệu xây dựng như: cột chống, đòn tay, giàn giáo… Măng vầu đắng đầu vụ thường ngọt, cuối vụ có vị đắng là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng. Ngoài măng tươi, măng vầu đắng còn được sử dụng để phơi khô hoặc muối chua...

    1. Điều kiện gây trồng:

    - Vầu đắng là cây có khả năng chịu bóng và ưa ẩm nên có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao với các loài cây gỗ khác. Cây sinh trưởng tốt nơi có cây gỗ tầng trên, khu vực chân đồi, các khe ẩm. Nơi rừng thưa, nhiều ánh sáng cây sinh trưởng và phát triển kém hơn.

    - Nhiệt độ trung bình năm từ 22 - 23,5oC, lượng mưa hàng năm 1.600 - 1.700mm.

    - Cây phát triển được cả ở nơi có địa hình bị chia cắt, độ dốc dưới 30o, độ cao từ 400 - 1.000m so với mực nước biển.

    - Đất đai thích hợp gây trồng vầu đắng là đất có thành phần cơ giới thịt, có đá lẫn, tầng đất sâu trên 50cm, đất hơi chua độ pH khoảng 4,5, đất giàu đạm, có hàm lượng mùn khá. Vầu đắng có thể sinh trưởng tốt trên đất bồi tụ ven sông, ven suối, không trồng trên đất phát triển từ đá vôi.

    - Có thể trồng vầu đắng trên đất nướng rẫy cũ, đất rừng thứ sinh nghèo kiệt có tầng đất tương đối dày.

    2. Thời vụ trồng:

    Trồng vào cuối đông đầu xuân, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau.

    3. Xử lý thực bì:

    - Vầu đắng là cây chịu bóng và ưa ẩm nên có thể xử lý thực bò theo băng hoặc theo đám. Cây được trồng trên băng chặt hoặc trong đám chặt có tác dụng chống xói mòn, hạn chế rửa trôi lớp đất bề mặt đồng thời che bóng giúp vầu đắng sinh trưởng tốt hơn.

    - Phát dọn theo băng: Phát dọn và thu dọn thực bì xếp thành dải trên băng chừa theo đường đồng mức theo băng (chiều rộng băng chặt và băng chừa từ 2,5 - 5m).

    - Phát dọn theo đám thì diện tích mỗi đám khoảng 100m, bố trí theo kiểu nanh sấu.

     4. Mật độ trồng: trồng với mật độ (200 - 500 cây/ha).

    - Trồng với mật độ 200 cây/ha thì khoảng cách là (cây cách cây 5m; hàng cách hàng 10 m).

    - Trồng với mật độ 333 cây/ha thì khoảng cách là (cây cách cây 5m; hàng cách hàng 6 m).

    - Trồng với mật độ 500 cây/ha thì khoảng cách là (cây cách cây 4m; hàng cách hàng 5 m).

    5. Đào hố:

    - Đào hố với kích thước hố: 50 x 50 x 50 cm (rộng 50cm, chiều dài 50cm, độ sâu 50cm).

    - Hố đào so le theo hình nanh sấu nhằm phát huy tác dụng chống xói mòn đồng thời giúp cây tận dụng triệt để được không gian dinh dưỡng.

    Chú ý: Khi cuốc hố để riêng tầng đất mầu sang một bên, đất củ sang một bên, khi lấp đất lại thì tầng đất mặt xuống trước, đất củ lên trên.

    6. Lấp hố bón lót:

    Trước khi trồng tiến hành lấp toàn bộ lớp đất mặt tơi mịn, bón lót thêm phân phân chuồng hoai trong quá trình lấp hố. Lượng phân bón lót: 20 - 30kg/hố.

    7. Tiêu chuẩn giống:                                                                                                     

    Vầu đắng thường được nhân giống từ thân ngầm hoặc gốc thân khí sinh mang một đoạn thân ngầm.

    - Gốc thân khí sinh: Được chọn từ cây mẹ 2 - 3 tuổi, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh hại, không có hiện tượng ra hoa.

    - Thân ngầm: Thân ngầm được khai thác từ những khu rừng sinh trưởng, phát triển tốt, không sâu bệnh, to mập, từ 1 đến 3 tuổi (tốt nhất là thâm ngầm 2 tuổi), mỗi đoạn thâm ngầm có từ 2 - 3 mắt ngủ  khỏe mạnh. Thân ngầm được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 8 - 12 tháng và phải có một thế hệ măng đã ra lá mới đủ tiêu chuẩn đem trồng.

    Lưu ý: không nên trồng vầu bằng đoạn thân ngầm có dính liền măng vì đoạn thân ngầm khi chưa bén rễ thì không đủ dinh dưỡng nuôi măng, sẽ làm cho măng bị chột mà sinh trưởng kém, thậm chí làm cho măng đó bị thui, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.

    8. Kỹ thuật trồng:

    - Trồng bằng gốc thân khí sinh mang thân ngầm: Đặt cây thẳng đứng ở độ sâu 40 - 45 cm của hố, thân ngầm nằm trong hố ở trạng thái bình thường, không được uốn cong hoặc lệch với hướng cũ của thân ngầm. Thân ngầm đặt theo chiều dài của hố. Thực hiện 3 lấp 2 dận. Lấp lần thứ nhất phủ kín thân ngầm, sau đó dận chặt đất xung quanh thân ngầm. Lần 2 lấp đất phủ gầ kín gốc thân khí sinh và dận hơi chặt. Lần 3 lấp đất cao hình mâm xôi để đất tơi xốp.

    - Trồng bằng thân ngầm: Dùng cuốc moi đất, đặt thân ngầm song song với đường đồng mức. Lấp đất và nén chặt, tiếp tục vun đất xung quanh để giữ ẩm.

    Lưu ý: Nếu sau khi trồng nếu gặp thời tiết khô hạn thì cần tưới nước, mỗi lần tưới 10 lít cho một hố và tưới từ 2 - 3 lần. 

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái