• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng xoan ta
    13/11/2023 10:27:00 SA
    Lượt xem: 722

    Ở Việt Nam, xoan ta là loài cây phân bố từ Bắc vào Nam. Gỗ xoan ta mềm nhẹ, dễ chế biến, chịu nén, uốn tốt, ít mối mọt nên được dùng nhiều trong xây dựng, làm đồ mộc. Ngoài gỗ các bộ phận khác như vỏ, lá cây có thể làm phân xanh, làm thuốc trừ sâu bệnh…

    1. Điều kiện gây trồng:

    - Xoan ta có khả năng thích ứng rộng rãi, sinh trưởng và phát triển được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau từ nhiệt đới đến á nhiệt đới. Nhưng thích hợp nhất là khí hậu nóng ẩm, khô hanh.

    - Nhiệt độ bình quân năm từ 16 - 22oC, lượng mưa hàng năm từ 1.700 - 2.000 mm.

    - Xoan ta thích hợp trên đất ít chua, pH từ 5,0 - 6,0. Thành phần cơ giới trung bình, thịt nhẹ đến sét trung bình, tầng đất dày trên 50cm.

    - Có thể trồng xoan ta trên đất sau nương rẫy, đất có cây bụi, cây gỗ rải rác…

    2. Thời vụ trồng:

    - Trồng bằng hạt hoặc trồng bằng cây con có bầu trồng vào vụ xuân (từ tháng 2 - 4) và vụ thu (từ tháng 7 - 9).

    - Trồng bằng cây rễ trần vào cuối đông đầu xuân (từ tháng 12 - 2).

    3. Xử lý thực bì:

     - Trồng hỗn giao hoặc phân tán: phát dọn thực bì theo băng, theo đường đồng mức hoặc phát dọn quanh hố với đường kính 1,0 - 1,2m.

     - Trồng tập trung thuần loài: tốt nhất nên phát dọn toàn bộ diện tích.

    4. Phương thức và mật độ trồng:

    - Trồng thuần loài với mật độ 1.660 - 3.000 cây/ha.

    + Trồng với mật độ 1.660 cây/ha thì khoảng cách là 2 x 3m (cây cách cây 2m; hàng cách hàng 3m).

    + Trồng với mật độ 2.500 cây/ha thì khoảng cách là 2 x 2m (cây cách cây 2m; hàng cách hàng 2m).

    + Trồng với mật độ 3.000 cây/ha thì khoảng cách là 2 x 2m (cây cách cây 2m; hàng cách hàng 1,5m).

    - Trồng phân tán hoặc hỗn giao với mật độ 500 hoặc 1.100 cây/ha:

    + Trồng với mật độ 1.100 cây/ha thì khoảng cách là 3 x 3m (cây cách cây 3m; hàng cách hàng 3m).

    + Trồng với mật độ 500 cây/ha thì khoảng cách là 4 x 5m (cây cách cây 4m; hàng cách hàng 5m).

    5. Đào hố:

    - Đào hố với kích thước hố: 40 x 40 x 40 cm (rộng 40cm, chiều dài 40cm và sâu 40cm).

    - Hố đào so le theo hình nanh sấu nhằm giúp cây tận dụng được không gian dinh dưỡng, quang hợp tốt và hạn chế xói mòn.

    Lưu ý: Khi cuốc hố để riêng tầng đất mầu sang một bên, đất củ sang một bên, khi lấp đất lại thì tầng đất mặt xuống trước, đất củ lên trên. Hố phải được cuốc trước khi trồng từ 1 - 1,5 tháng.

    6. Lấp hố bón lót:

    - Lấp hố và bón lót trư­ớc khi trồng rừng 10 - 15 ngày. Khi lấp hố, đưa phần đất tốt (phần đất phía trên hố) xuống đáy hố cùng với thảm mục, có thể xới thêm phần đất mặt xung quanh hố để lấp đất gần ngang miệng hố.

    - Bón lót phân NPK (tỷ lệ 5: 10: 3) hoặc phân chuồng hoai.

    + Lượng phân bón: 0,2 kg NPK/hố hoặc 2-5 kg phân chuồng hoai.

    + Cách bón: Bón lót cùng với quá trình lấp hố, trộn đều phân với đất ở độ sâu 2/3 phía dưới hố, sau đó lấp đất theo hình mâm xôi để tiến hành trồng cây.

    7. Tiêu chuẩn giống:            

    - Cây khỏe mạnh, xanh tốt, không cong queo, không cụt ngọn, không bị sâu bệnh và chưa ra lá non.

    - Tuổi từ 9 - 12 tháng, chiêu cao cây 1,5 - 2,0m và có đường kính cổ rễ từ 2 - 3cm. Hoặc có thể trồng cây con có kích thước nhỏ hơn khi cây con từ 4 - 5 tháng tuổi, cây cao 25 - 30 cm, đường kính cổ rễ từ 0,4 - 0,6 cm.

    - Để đạt hiệu quả cao khi trồng nên chọn cây có bầu đặc biệt là cây nuôi cấy mô bởi tỷ lệ sống sau trồng cao. Cây nuôi cấy mô còn có tốc độ sinh trưởng nhanh, độ đồng đều cao và có khả năng đáp ứng được số lượng giống lớn để trồng đúng thời vụ.

    8. Kỹ thuật trồng:

    - Trồng vào những ngày râm mát, có mư­a nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Khi trồng cây bà con cần lưu ý rải cây đến đến đâu, trồng ngay đến đó và trồng hết trong ngày.

    - Dùng cuốc hoặc bay moi đất ở giữa hố vừa đủ đặt bầu cây vào và sâu hơn chiều dài của bầu 1 - 2 cm. Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Lấp đất và nén chặt xung quanh bầu, vun đất thành hình mâm xôi, cao hơn cổ rễ khoảng 1 - 2cm, sau đó dùng cỏ rác tủ gốc giữ ẩm cho cây.

    - Nếu trồng bằng cây rễ trần cần chú ý tránh làm cuộn rễ, phải giữ nguyên hình dạng của bộ rễ khi trồng.

    - Sau trồng 15 - 20 ngày cần kiểm tra và tiến hành trồng dặm những cây bị chết để đảm bảo độ đồng đều của rừng trồng.

    - Trồng bằng hạt: Hạt đã được xử lý gieo mỗi hố 2 - 3 hạt/hố, lấp đất kín hạt dày 3 - 4 cm. Sau khi hạt nảy mầm được 20 - 25 ngày cần tiến hành tỉa bớt những cây  mầm ở những hố mọc nhiều cây dặm vào những hố không có cây đảm bảo mỗi hố có 1 cây khỏe mạnh.

    Lưu ý: Trồng, tỉa dặm vào những ngày thời tiết râm mát hoặc có mưa nhỏ, đất rừng đủ ẩm. 

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái