• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn nhân giống tre măng bát độ bằng củ
    21/11/2023 3:31:00 CH
    Lượt xem: 958

    Bát độ là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và được trồng tập trung ở các xã Kiên Thành, Tân Đồng, Hồng Ca huyện Trấn Yên của tỉnh Yên Bái. Ngoài sản phẩm chính là măng phục vụ cho chế biến xuất khẩu làm thực phẩm, sản phẩm phụ như thân lá dùng trong công nghiệp chế biến giấy, làm thủ công mỹ nghệ… Có thể nhân giống Bát độ bằng củ hoặc bằng cành chiết. Tuy nhiên phương pháp nhân giống bằng củ thường được nhiều hộ dân áp dụng hơn. Phương pháp này có ưu điểm là cây sinh trưởng và phát triển nhanh, sớm cho thu hoạch, rừng nhanh khép tán và cho năng suất cao và ổn định. Củ giống khai thác được đem trồng ngay không mất công giâm dưỡng.

    1. Chọn vườn giống:

    - Vườn giống tre Bát Độ chọn để khai thác củ giống phục vụ trồng mới phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên. Vườn tre sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh gây hại, năng suất thu hoạch ổn định. (Tốt nhất nên chọn những vườn đã được cấp chứng chỉ giống để khai thác củ giống).

    2. Thời vụ khai thác củ giống:

    Vào tháng 2 đến tháng 3 (dương lịch).

    3. Cách chọn và chăm sóc củ giống:

    - Củ giống được khai thác để trồng mới chính là phần củ của ngọn măng đã khai thác vụ trước. Không chọn những củ quá nhỏ, củ bị thối, mốc, hoặc quá già, củ treo, củ kẹp...

    - Chọn củ to, khỏe, vị trí khai thác thuận tiện, tay củ phát triển đều tự nhiên, tay củ to, khỏe, đảm bảo đủ độ già, không chọn củ giống không có hoặc chỉ có 1 tay, không chọn củ có tay tre quá non.

    - Sau khi khai thác măng xong, hết vụ thu hoạch, vào tháng 11 - 12 tiến hành chặt tỉa vệ sinh vườn tre, chặt bỏ cây mẹ già để khóm tre tập trung dinh dưỡng nuôi cây mẹ và củ tre.

    - Khi phát dọn chỉ phát tay tre trên thân cây mẹ từ đốt thứ 3 trở xuống. không chặt tỉa, phát dọn tay của củ giống đặc biệt là 2 tay chính trên thân củ mà để tay củ giống sinh trưởng bình thường, đảm bảo độ cứng, đanh già khi khai thác vào tháng 2 - 3 năm sau.

    4. Dụng cụ và cách khai thác củ giống:

     * Dụng cụ: Cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ khai thác trước khi đi khai thác giống. Dụng cụ gồm có: Dao dựa (dao sắc để chặt và phát tay tre). Choòng bạt, búa, sà beng, bao tải hoặc gùi để đựng củ giống.

    Lưu ý: Nếu dùng chòng bạt dài > 1,2m, lưỡi sắc, đánh nghiêng lưỡi 1 bên, lưỡi rộng > 7cm có thể không cần dùng sà beng.

     * Cách khai thác:

     - Chọn củ giống to, khỏe, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật làm giống phục vụ trồng mới.

     - Xác định vị trí eo thắt nối giữa 2 củ với nhau (eo thắt là phần nhỏ nhất thường chìm và nối giữa 2 củ với nhau).

    - Đặt choòng bạt đúng vị trí eo thắt nối củ. Dùng búa đóng mạnh, dứt khoát để vết chặt sắc, gọn, đóng đến khi cắt đứt eo nối củ.

    - Dùng choòng bểnh củ lên khỏi mặt đất. Nếu choòng nhỏ, ngắn ta dùng sà beng để bểnh.

    - Sau cùng dùng dao dựa sắc để chặt, tỉa tay củ, chỉ để lại 2 tay chính có ít nhất 2 mắt mầm trên tay còn tươi, dài >20cm.

    - Xếp củ vào bao tải hoặc gùi, vận chuyển nhẹ nhàng tránh làm dập, xước, gẫy tay... tổn thương củ làm ảnh hưởng đến chất lượng củ giống.

    5. Củ giống đủ tiêu chuẩn:

    Củ giống không bị dập nát, không bị sâu bệnh, không khô héo hay bị thối, không quá già hoặc quá non, tay củ giống dài 15 - 20 cm, tay tre có màu xanh và có 1 đốt mầm trở lên. Củ giống phải tươi, có trọng lượng từ 0,5 kg/củ, chiều dài  thân củ 20 cm trở lên đo theo đường cong, đường kính củ từ 7 cm trở lên có 3 mầm mắt.

    Lưu ý: Sau khi khai thác củ giống đạt tiêu chuẩn xong, nếu chưa kịp mang đi trồng thì nên tiến hành ủ củ giống trên vườn ươm hoặc tận dụng ruộng lúa 1 vụ đã chuẩn bị để đảm bảo độ ẩm, dinh dưỡng nuôi củ giống phát triển. Đặc biệt, Khi đem củ giống đi trồng phải chọn thời tiết thuận lợi, sau mưa đất đủ ẩm mới được đem củ giống đi trồng, hoặc trồng xong thời tiết khô hạn phải tưới nước đủ ẩm cho gốc trồng. 

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái