• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT CHĂM SÓC RỪNG CHỒI BẠCH ĐÀN MÔ SAU KHAI THÁC
    12/08/2020 9:36:00 SA
    Lượt xem: 1187

    1. Kỹ thuật khai thác rừng trồng cây mẹ:

    Tiến hành khai thác rừng cây mẹ theo quy trình khai thác rừng trồng:

    * Luỗng phát: Trước khi tiến hành khai thác phải luỗng phát toàn bộ dây leo, cây bụi dưới tán rừng.

    * Chiều cao gốc chặt: Theo quy trình khai thác rừng thì chiều cao gốc chặt bằng ½ đường kính gốc chặt, đối với việc kinh doanh chồi Bạch đàn mô luân kỳ II thì chiều cao gốc chặt nên để cao hơn ½ đường kính gốc chặt tạo thuận lợi cho việc sửa lại bề mặt gốc chặt.

    * Vệ sinh rừng: Sau khai thác tiến hành vệ sinh trên toàn bộ diện tích, chặt sát gốc cây bụi còn sót lại băm dập cành ngọn thành từng đoạn nhỏ, xếp vào giữa 2 hàng cây. Cào toàn bộ vật liệu sau khai thác ra khỏi gốc cây đường kính rộng 80-100cm tránh sâu bọ, côn trùng, mối làm tổ tại gốc chặt.

    * Sửa gốc chặt: Sau khai thác gốc chặt thường có một bên cao, bên thấp do mở miệng, cắt gáy hoặc do khai thác không đúng kỹ thuật để lại râu tôm trên gốc chặt. Dùng cưa máy cắt lại toàn bộ gốc chặt, cắt hết phần râu tôm ở gốc, tạo cho gốc chặt một mặt phẳng nghiêng, vát theo sườn đồi nhằm tránh nước mưa đọng trên gốc chặt

    - Trong quá trình chặt hạ có thể kết hợp chặt đến đâu sửa lại gốc chặt đến đó để giảm chi phí nhân công (đối với những cây có đường kính nhỏ khi chặt hạ bằng cưa máy có thể cắt một mạch không cần mở miệng cắt gáy).

    Lưu ý: Phải tuân thủ quy trình khai thác rừng trồng, trong quá trình chặt hạ phải tránh để dập nát gốc chặt. Trong quá trình vệ sinh rừng những gốc cây mẹ có đường kính ≤ 10 cm, hoặc sâu bệnh, thối lõi ta đánh dấu sơn để đánh gốc loại bỏ.

    2. Chăm sóc:

    Chăm sóc trong 3 năm liền (Thời kỳ kiến thiết cơ bản).

    * Năm thứ nhất: Chăm sóc 3 lần

    + Lần 1: Sau khai thác 3 tháng bắt đầu tiến hành phát sạch cỏ, cào cỏ và các vật liệu ra khỏi gốc cây, xới đất vun gốc đường kính rộng 80-100cm. (Nếu khai thác vào vụ xuân hè chồi sẽ sinh trưởng nhanh thì tiến hành tỉa chồi trong quá trình chăm sóc lần 1. Nếu khai thác cây mẹ vào vụ thu đông cây chồi sinh trưởng chậm hơn thì đợi đến khi chồi cao từ 40-60 cm bắt đầu tỉa).

    Kỹ thuật tỉa chồi: Dùng kéo cắt bỏ những chồi cong queo, yếu ớt để lại những chồi to khoẻ, chồi để lại theo thế chân kiềng và để lại từ 4-5 chồi.

    + Lần 2: Sau khai thác 6-8 tháng ( tuỳ theo sự phát triển của thực bì) tiếp tục tỉa chồi, cắt dây leo, phát sạch cỏ, cào cỏ và các vật liệu ra khỏi gốc cây, xới đất vun gốc đường kính rộng 80-100 cm.

     Kỹ thuật tỉa chồi: Tỉa định hình dùng dao phát hoặc kéo cắt bỏ những chồi cong queo, yếu ớt để lại những chồi to khoẻ, chồi để lại theo thế chân kiềng và để lại từ 2-3 chồi. Khi chặt chồi phải chặt nhẹ nhàng cẩn thận tránh để chồi bật ra khỏi gốc cây mẹ (vì lúc này biểu bì của cây chồi chưa gắn chặt được vào gốc cây mẹ).

    + Lần 3: Sau khai thác 8-10 tháng (tuỳ theo sự phát triển của thực bì), phát thực bì toàn diện, kết hợp bón phân, tỉa thưa chồi, trên những chồi để lại, tiến hành tỉa bớt 1/3 đến ½ số cành ở phần gốc trở lên.

    + Bón phân: Năm thứ nhất cơ bản tiến hành chăm sóc bằng biện pháp phát dọn thực bì, xới đất vun gốc và bón thúc phân NPK. Thời gian bón vào cuối năm khi cây chuẩn bị bước vào thời gian ngừng sinh trưởng với lượng 0,2-0,4 kg NPK/gốc.

    Kỹ thuật bón phân: Cuốc hố rộng 15-20cm, dài 40-50cm, sâu 15-20cm cách gốc cây 40-50cm về phía bên trên dốc; dùng cuốc bàn trộn dưới đáy hố rồi dẫy một lớp đất mặt lấp đầy hố.

    * Quản lý bảo vệ: Nếu thấy cây bị bệnh đốm lá, cháy lá ở mức độ nhẹ thì xử lý bằng cách chặt bỏ những cành, những cây bị bệnh phơi khô để tránh bệnh lây lan. Nếu thấy bệnh nặng thì kết hợp chặt cây bị bệnh và phun thuốc bảo vệ thực vật.

    Rừng bạch đàn tái sinh chồi (ảnh; Ks. Lê Thị Hải Yến - TTKN Yên Bái)

    * Năm thứ hai: Chăm sóc 2 lần.

    + Lần 1: Sau 13-15 tháng (tuỳ theo sự phát triển của thực bì). Phát toàn bộ dây leo, cỏ dại lấn át cây trồng. Phát sát mặt đất từ 5-10 cm, băm dập xếp luống theo băng giữa 2 hàng cây cách tối thiểu 1,0 m, lật đất sâu từ 5-10 cm. Bón thúc phân NPK (lượng phân bón và kỹ thuật bón như năm 1).

    Tiếp tục tỉa chồi chỉ để lại 1-2 chồi khoẻ mạnh nhất. Chặt bỏ toàn bộ những chồi sinh trưởng kém (trên gốc cây mẹ có hiện tượng khô mục, không còn sức sống), tỉa ½ số cành ở phần gốc trở lên.

    + Lần 2: Sau 15-18 tháng (tuỳ theo sự phát triển của thực bì). Phát thực bì toàn diện tích, tỉa cành đến tầm cao ½ thân cây, băm dập cành đã phát xếp luống theo băng giữa 2 hàng cây. Dãy cỏ quanh gốc rộng 1m. Lần chăm sóc này có thể kết hợp bón phân hoặc không tuỳ thuộc vào sự sinh trưởng của cây chồi.

    * Năm thứ ba:

    Chăm sóc năm 3 từ 1-2 lần tuỳ thuộc vào sự phát triển của thực bì và quá trình tỉa cành tự nhiên của cây chồi.

    + Lần 1: Vào tháng 3-4, phát thực bì toàn diện tích, tỉa cành đến tầm cao 1 đến 2/3 thân cây, dọn cỏ quanh gốc rộng 1m.

    + Lần 2: Vào tháng 8-9, phát thực bì toàn diện tích, chặt cây sâu bệnh, dọn cỏ quanh gốc rộng 1m.

    Lưu ý: Trong thời gian chăm sóc nếu thấy hiện tượng mối đắp gốc hoặc sâu ăn lá, đục thân ... phải tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay.

    3. Kỹ thuật để chồi:

    * Chọn đường kính gốc cây mẹ để chồi:

    Khi chồi đã mọc chỉ chọn những gốc cây mẹ có đường kính từ 9-15 cm để chồi, còn lại những gốc có đường kính nhỏ hơn 9 cm và lớn hơn 15 cm nên chặt bỏ.

    * Mật độ chồi để lại:

    Mật độ chồi tối ưu để lại từ 950 - 1.100 cây/ha (hàng x hàng 3,5 m; cây x cây 3,0 m; hoặc hàng x hàng 3,0 m; cây x cây 3,0 m).

    4. Bảo vệ, phòng chống cháy rừng:

    - Ngăn chặn gia súc vào phá hoại cây trồng, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân xung quanh vùng về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

    - Phòng chống cháy rừng bằng cách làm đường băng cản lửa (băng trắng, băng xanh).

    - Trên mỗi hàng cây cần dãy sạch cỏ, làm đường ranh ngăn lửa, đặt biển báo cấm đốt lửa trong rừng ngay ngoài bìa rừng.

     

    Kỹ sư Lê Thị Hải Yến - Trung tâm Khuyến nông Yên Bái