• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT CƯA ĐỐN, CHĂM SÓC VÀ GHÉP CẢI TẠO NHÃN
    23/02/2021 4:01:00 CH
    Lượt xem: 4659

     

    I. Kỹ thuật cưa đốn và chăm sóc gốc ghép sau cưa đốn:

    Nhằm tạo ra cành gốc ghép sinh trưởng khoẻ mạnh, có chiều dài trung bình 80-100cm, đường kính gốc cành đạt 1-1,2 cm, đường kính tại vị trí ghép (cách gốc cành 25-30cm) trung bình đạt 0,8-1,0cm, có từ 5-7 lá gốc và tạo bộ khung tán của cây phù hợp yêu cầu sản xuất, các cành gốc ghép được phân bố đều.

    1. Kỹ thuật cưa đốn:

    -  Thời vụ đốn:

    + Vụ xuân: Tháng 1 đến tháng 03 trong năm, tốt nhất trong tháng 02, ghép tháng 8, tháng 9 trong năm.

    + Vụ thu: Tháng 7 đến tháng 09, tốt nhất đầu tháng 09 trong năm, ghép tháng 4, 5 năm sau.

    - Kỹ thuật đốn:

    + Chọn ngày râm mát, tiến hành dùng cưa máy cắt vát 450 gốc, thân, cành nhãn tại vị trí xác định, tránh làm vỡ, nứt.

    + Vị trí và chiều cao đốn: Tiến hành cưa đốn trên cành cấp 2 hoặc cành cấp 3 (tuỳ thuộc vào tuổi cây); Chiều cao cưa đốn thích hợp là từ 1,2m-2,0m.

    + Bố trí cành thở: Cành thở có vai trò ổn định sinh trưởng của cây sau khi cưa đốn, cần giữ lại 2-3 cành về các hướng khác nhau, là những cành rìa tán, hoặc 1 cành giữa tán làm cành thở.

    2. Các biện pháp chăm sóc sau khi cưa đốn:

    - Sau khi cưa đốn xong ta dùng vôi bôi lên hết đầu cành để hạn chế nấm bệnh.

    - Che phủ gốc: Sử dụng cành lá cây khi cưa đốn, phủ kín gốc, hạn chế mất nước, tránh hiện tượng khô, bong tróc vỏ của gốc cây sau khi cưa đốn.

    - Khi các chồi tái sinh được hình thành, tiến hành bỏ lớp che phủ.

    - Khi các chồi tái sinh thành thục, chuẩn bị bật đợt lộc 2 tiến hành cưa bỏ cành thở, tỉa định cành và bón phân.

    + Tỉa định cành: Cần tỉa định thường xuyên, để 3-4 chồi tái sinh/vị trí cưa đốn.

    + Bón phân: Bón 60 kg phân chuồng hoai (hoặc 30 kg phân hữu cơ vi sinh) + 1,0 kg đạm urê + 1,7 kg super lân + 1,0 kg kaliclorua/cây/năm.

    + Thời điểm bón:

    Lần 1: Khi lộc tái sinh thành thục (Tháng 8- 9) bón 100% Phân chuồng (hoặc phân vi sinh) + 100% Lân Super + 30% đạm urê + 30% kaliclorua.

    Lần 2: Tháng 11 bón 30% đạm urê + 40% kaliclorua.

    Lần 3: Tháng 2-3 năm sau bón 40% đạm + 30% kaliclorua.

    + Kỹ thuật bón:

    Đối với phân chuồng (hoặc phân vi sinh) và phân lân super tiến hành xới xáo xung quanh tán cây xong cho phân vào vào lấp đấp lại rồi tưới; Đối với phân đạm urê và phân kali thì hòa ra nước tưới vào xung quanh tán cây hoặc rắc phân vào xung quanh tán cây rồi tưới nước. Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân bón lá để phun khi lộc đợt 1 đã thành thục, các lần tiếp theo cách nhau 20-25 ngày nhằm bổ sung dinh dưỡng qua lá cho chồi tái sinh nhằm kéo dài tuổi thọ lá của lộc đợt 1 và đợt 2 đến khi tiến hành ghép cải tạo.

    - Phòng, trừ sâu bệnh hại: Cần chủ động phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu ăn lá, bọ phấn, bọ trĩ, nhện chích hút, bọ xít, bệnh thán thư… theo hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành BVTV.

    II. Kỹ thuật ghép

    1. Thời vụ ghép: Vụ 1 ghép vào cuối tháng 4 và trong tháng 5; Vụ 2 ghép vào cuối tháng 8 và trong tháng 9.

    2. Lựa chọn và bảo quản cành mắt ghép: Chọn những đoạn cành bánh tẻ, không sâu bệnh, có nhiều mầm mắt ngủ để cắt. Sau đó cắt sạch lá, dùng giẻ ẩm bọc kín và để ở chỗ mát, tốt nhất mắt sau khi cắt xong chỉ nên sử dụng ghép trong ngày.

    3. Phương pháp ghép:

    - Tiến hành ghép theo phương pháp: Ghép chẻ bên hoặc ghép vát.

    - Thao tác ghép: Lựa chọn những đoạn cành có từ 3 đến 4 mầm mắt ngủ rồi tiến hành ghép. Cần phải thao tác nhanh, kỹ thuật chính xác, cành mắt ghép tạo một vết cắt dài 2,5- 3cm với độ vát 25-300, vết cắt phải thật phẳng, nhẵn. Phần gốc ghép ta chẻ dọc hoặc tạo một vết cắt ngay gần sát lớp vỏ với 1 vết cắt khoảng 2,5-3cm sao cho khi ta đặt mắt ghép vào với gốc ghép phải thật vừa khít, không có khe hở sau đó ta dùng dây ghép chuyên dụng quấn phủ kín chặt phần dưới gốc ghép sau đó trải rộng quấn phủ kín phần trên mắt ghép.

    4. Bố trí cành thở, lá thở (lá gốc):

    Cần đảm bảo đủ số lá cần thiết để quang hợp nuôi cây. Nếu cây ghép, cành ghép có nhiều lá gốc thì ta không nên để cành thở. Nếu cành ghép, cây ghép không có lá gốc hoặc lá gốc ít thì ta phải để cành thở, khi để cành thở phải phân bố đều để đảm bảo cho quá trình quang hợp của cây.

    III. Chăm sóc sau ghép

    1. Xử lý kiến: Nếu kiến đục thủng dây ghép sẽ làm mắt ghép bị mất hơi nước, mắt khô đi và sẽ bị chết. Vì vậy sau khi ghép xong phải tiến hành phun thuốc trừ kiến ngay, sau đó cứ 2-3 ngày lại phun nhắc lại 1 lần cho đến khi mắt ghép bật mầm.

    2. Vặt mầm dại: Sau khi ghép xong khoảng 7 đến 10 ngày cần tiến hành kiểm tra, vặt bỏ mầm dại kịp thời và thường xuyên để mầm ghép sinh trưởng phát triển tốt.

    3. Cắt bỏ cành thở: Sau khi mầm ghép đã được một đến hai đợt lộc thành thục thì ta tiến hành cắt bỏ hết các cành thở để cây tập trung dinh dưỡng nuôi mầm ghép.

    4. Phòng trừ sâu, bệnh hại: Cây ghép khi mới bật mầm, mầm vẫn còn non thường có rất nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại do vậy phải thường xuyên kiểm tra và phát hiện sâu bệnh kịp thời để có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh thích hợp theo hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành BVTV giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

     

    Nguyễn Xuân Thượng - Trung Tâm Khuyến Nông Tinh Yên Bái