• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT GIEO VÀ CHĂM SÓC CÂY KEO TAI TƯỢNG TRONG VƯỜN ƯƠM
    10/12/2020 9:18:00 SA
    Lượt xem: 3596

     

               1. Giá trị kinh tế:

    - Keo Tai tượng là cây đa tác dụng, gỗ dác màu sáng, lõi màu nâu thích hợp để làm gỗ xẻ, gỗ dán, gỗ nguyên liệu giấy, gỗ dăm, làm gỗ cốt pha, đóng đồ nội thất...

    - Rễ cây có khả năng cố định đạm rất tốt nên được trồng cải tạo đất, chống xói mòn…

     2. Gieo ươm tạo cây giống:

    2.1.Thời vụ gieo ươm:

    Để có chất lượng cây con tốt, đạt tiêu chuẩn xuất vườn đối với trồng rừng vụ xuân (tức tháng 2 - 4) thì tiến hành gieo ươm vào tháng 10 - 11 năm trước. Đối với trồng rừng vụ thu (từ tháng 7 - 9) thì tiến hành gieo ươm vào tháng 3 - 4 hàng năm.

    2.2.. Xử lý hạt giống:

    - Trước khi xử lý hạt cần ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 1% (1g thuốc tím pha với 1lít nước) trong vòng 30 phút để diệt mầm bệnh.

    Xử lý hạt:

    - Cách 1: Đun hạt trong nước sôi 30 giây, sau đó vớt ra và ngâm hạt trong nước ấm 30 - 35oC từ 7 - 8 tiếng.

    - Cách 2: Ngâm hạt trong nước sôi 100oC và để nguội dần, sau 8 tiếng vớt hạt ra rửa sạch bằng nước lã.

    Chú ý: Lượng nước dùng để xử lý hạt giống ít nhất phải gấp 3 lần lượng hạt.

    Hạt sau khi xử lý có thể gieo ngay hoặc hong cho ráo nước rồi cho hạt vào túi vải ủ. Hàng ngày tiến hành rửa chua bằng nước sạch 300C cho đến khi nứt nanh khoảng 1/3 thì đem gieo thẳng vào bầu. Trong suốt thời gian ủ cần giữ hạt ở nhiệt độ 30 - 40oC.

    2.3. Tạo bầu:

    2.3.1. Vỏ bầu và thành phần hỗn hợp ruột bầu:

    - Vỏ bầu: Vỏ bầu bằng túi PE (Polyetylen, kích thước 8 x 12cm hoặc 7 x 11cm, không đáy, bảo đảm độ bền khi đóng bầu, chăm sóc cây con trong vườn ươm cũng như khi vận chuyển, cây không bị hư hỏng.

    - Thành phần hỗn hợp ruột bầu (Tính theo thể tích): Đất mặt dưới tán rừng hoặc đất tầng B: 88%; phân chuồng hoai: 10%; Supe lân: 2%.

    - Kỹ thuật trộn hỗn hợp ruột bầu: Đất và phân chuồng hoai được đập nhỏ, sàng kỹ (đường kính của mắt sàng từ 1 - 2cm) mục đích là để loại bỏ rễ cây và tạp vật. Trộn đều hộn hợp đất, phân chuồng, Supe lân theo tỷ lệ qui định (Định lượng bằng thúng, sảo, thùng, chậu...) rồi vun thành đống  cao 15 – 20cm. Sau đó phun đủ ẩm và phủ kín, ủ ngoài trời nắng từ 4 - 5 ngày.

    2.3.2. Tạo luống:

    Chiều rộng của luống là 1m, chiều dài tùy thuộc vào địa hình vườn ươm. Rãnh luống rộng 0,5 - 0,6m, mặt luống được làm sạch cỏ dại, san phẳng và nện chặt.

    2.3.3. Đóng và xếp bầu:

    - Cho hỗn hợp ruột bầu vào 1/3 đáy bầu, lèn chặt để tạo đáy bầu. Sau đó tiếp tục cho hỗn hợp ruột bầu vào đầy bầu rồi dùng ngón tay lèn cho đất xuống đều và chặt vừa phải.

    - Xếp bầu sát nhau thành hàng trên luống. Mép luống phải đắp bờ cao ít nhất 2/3 thân bầu xung quanh luống để giữu cho bầu không bị nghiêng ngả.

    2.4. Gieo hạt:

    - Dùng que chọc lỗ sâu 0,5cm ở giữa bầu, gieo mỗi hạt một bầu. Sau khi gieo xong phủ một lớp đất mỏng từ 0,3 - 0,5cm, dùng rơm rạ hoặc cây tế, guột phủ lên mặt luống để giữ ẩm và tránh nắng.

    2.5. Chăm sóc cây con:

    Keo Tai tượng ở vườn ươm

               2.5.1. Tưới nước:

    - Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất, Tuỳ tình hình thừi tiết mà điều tiết chế độ tưới nước cho phù hợp. Trong 2 tuần đầu có thể tưới 1 - 2 lần/ngày (Tưới vào sáng sớm và buổi chiều khi tắt hẳn nắng), lượng nước tưới từ 3 - 4 lít/m2. Sau đó  chỉ tưới nước khi thấy đất khô. Trước khi xuất vườn từ 15 - 20 ngày tuyệt đối không được bón thúc, hạn chế tưới nước để hãm cây.

    2.5.2. Điều chỉnh cây và cấy dặm:

    Những bầu mọc 2 cây cần nhổ bỏ đi 1 cây yếu hơn. Những bầu không có cây mọc cần cấy dặm bằng cách nhổ cây từ những bầu mọc 2 cây để cấy dặm. Tiến hành cấy dặm vào những ngày râm mát hoặc có mưa phùn.

    2.5.3. Nhổ cỏ, phá váng:

    - Làm sạch cỏ trên mặt bầu. Thời gian đầu cứ 10 - 15 ngày tiến hành nhổ cỏ 1 lần, kết hợp phá váng. Dùng que nhỏ vót nhọn xới nhẹ lớp đất trên mặt bầu, tránh không làm hư tổn đến bầu và rễ cây.

    2.5.4. Bón thúc:

    - Khi cây được 20 ngày thò tiến hành bón thúc và cứ cách 20 ngày bón thúc 1 lần. Mỗi lần bón 0,2 kg NPK (5:10:3)/1000 bầu.

    - Khi cây có biểu hiện tím lá dùng supe lân để bón, hoà phân với nồng độ 0,5% (1 kg phân/200 lít nước). Tưới dung dịch nước phân bằng ô doa lỗ nhỏ. Sau khi tưới phân phải tưới rửa lá bằng nước lã sạch.

    Lưu ý:  Không bón phân vào những ngày nắng gắt, lúc buổi trưa hoặc ngày mưa to. Tốt nhất nên bón vào những ngày râm mát hoặc mưa phùn. Ngừng bón thúc 20 – 30 ngày trước khi xuất vườn.

    2.5.5. Đảo bầu kết hợp phân loại cây con:

    Từ tháng thứ 2 phải tiến hành kiểm tra:

    - Khi kiểm tra thấy rễ xuyên qua đáy bầu thì phải tiến hành đảo bầu. Dùng dao hoặc kéo sắc cắt bớt phần rễ mọc  ra ngoài đáy bầu.

    - Trong quá trình đảo cần kết hợp xếp riêng những cây tốt, cây xấu riêng ra từng luống để tiện cho quá trình chăm sóc.

    - Chỉ tiến hành đảo bầu vào những ngày râm mắt hoặc có mưa nhỏ.

    2.5.6. Phòng trừ sâu bệnh:

    Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời.

    + Bệnh thối cổ rễ: Cổ rễ cây bị thối nhũn làm cho cây con bị chết, bệnh thường xuất hiện khi cây được 1 tháng tuổi. Dùng Benlát 0,5% để trị với liều lượng 1 lít/24m2, cứ 7 - 10 ngày phun 1 lần.

    + Bệnh phấn trắng: Dùng Benlát hoặc Boócđô 1% phun định kỳ 15 ngày/lần. Ngoài ra có thể dùng tro bếp với lượng 0,5 kg trộn với 10 lít nước, lọc lại rồi thêm 0,3 % xà phòng tưới lên cây.

    + Sâu hại: Khi xuất hiện sâu hại, ngoài việc thường xuyên kiểm tra và bắt sâu vào sáng sớm, có thể sử dụng 0,05 lít Fenitrotion pha với 10 lít nước , phun với liều lượng 1 lít / 10 m2.

    2.6. Tiêu chuẩn cây con khi xuất vườn

    - Tuổi cây từ 3 - 3,5 tháng.

    - Chiều cao của cây từ 25 - 30 cm.

    - Đường kính cổ rễ > 3 mm.

    - Cây khoẻ mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không nhiều thân, thân đã hoá gỗ, bộ rễ phát triển tốt, nhiều rễ phụ và còn nguyên bầu.

     

     

    Hoàng Thế Anh - Trung Tâm Khuyến Nông