• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT TRỒNG CÂY TRE MAI
    21/07/2021 4:19:00 CH
    Lượt xem: 5573

                  Cây tre mai thuộc họ phụ tre trúc (Bambusoideae), măng tre mai có hàm lượng dinh dưỡng cao được dùng làm thực phẩm. Thân tre được sử dụng làm vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, đồ mỹ nghệ và bột giấy…

               Tre mai là loài cây mọc cụm, thân thẳng tròn đều, chiều cao trung bình 15 - 18m, đường kính trung bình 8 - 15cm. Nơi trồng tre mai thích hợp nhất là đồi thấp, ven khe suối, thung lũng, đất có độ dốc, đất thịt pha cát, tầng đất dày trên 80cm, đất ẩm và hơi chua.

     

                1. Thời vụ trồng.

    - Vụ xuân: Trồng vào tháng 2 đến tháng 4

    - Vụ thu: Trồng t tháng 7 đến tháng 9.

    2. Mật độ trồng.

    Trồng với mật độ 400 cây/ha;  Khoảng cách trồng: 5 x 5m (cây cách cây 5m, hàng cách hàng 5m)

    3.  Làm đất.

    - Đối với đất trồng có tầng canh tác dày trên 60 cm thì đào hố: Rộng 40cm, dài 40cm, sâu 40cm.

    - Đối với đất có tầng canh tác mỏng dưới 40cm, ở dưới có đá thì đào hố với kích thước:  Rộng 60cm, dài 60cm, sâu 40cm. Nên đào hố trước khi trồng khoảng 1 tháng, đào so le theo hình nanh sấu để chống xói mòn đất, đồng thời tận dụng được không gian ánh sáng và dinh dưỡng hợp lý cho cây. 

    Chú ý: Khi đào hố bà con để riêng tầng đất mặt sang một bên, đất củ sang một bên, trước khi trồng khoảng 1 tuần bà con tiến hành lấp toàn bộ lớp đất mặt tơi mịn, bón lót thêm phân chuồng hoai , phân NPK và thuốc chống mối. Lượng phân bón lót từ  10 đến 20 kg phân chuồng hoai cộng với 0,5 kg phân NPK (5:10:3) + 0,5 kg vôi bột trộn đều trong lòng hố trước khi trồng.

    4. Kỹ thuật trồng.

    4.1. Đối với cây giống có bầu:

    - Cây giống đem trồng là những cây đã được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 4 tháng trở lên, có bộ lá phát triển màu xanh tự nhiên, bộ rễ cấp 2 hoàn chỉnh, chiều cao cây đạt từ 80 - 100cm, đường kính gốc trên 1,5cm, cây không bị sâu bệnh, thân cành không bị dập nát, không vỡ bầu (nếu có 1 thế hệ cây con thì càng tốt). Chọn ngày râm mát, tránh nắng gắt, đất trong hố phải đủ ẩm, dùng cuốc moi giữa hố có độ sâu khoảng 20-25cm.

               - Dùng tay xé bầu hoặc ni lon, đặt cây nghiêng 1 góc 450, sâu khoảng 20 - 25 cm, xoay mắt cành sang 2 bên. Khi lấp đất, vừa lấp vừa lèn chặt đất theo từng lớp từ dưới lên, lấp đất cao hơn mặt trên bầu giống khoảng 5cm, dùng rơm rạ, cỏ khô hoặc mùn rác phủ lên phía trên mặt hố để giữ  ẩm cho cây.

    Hình ảnh măng tre mai đến vụ thu hoạch

                  4.2. Đối với cây giống bằng củ:

    - Củ giống để trồng là phần củ của ngọn măng đã khai thác năm trước, không chọn những củ quá nhỏ, củ bị thối, mốc, củ treo, củ kẹp, củ quá non hoặc quá già. Nên chọn củ to, mập, vị trí khai thác thuận tiện, tay củ to phát triển đều dài từ 15 đến 20cm, có ít nhất 2 mắt mầm trên tay.

    - Củ giống phải tươi, đường kính từ 7cm trở lên, có 3 mắt mầm, trọng lượng đạt từ 0,5kg/củ, chiều dài thân củ đạt từ 20cm trở lên (theo đường cong của củ). Những  củ giống khai thác măng từ tháng 6 đến tháng 8 năm trước, đến tháng 2 tháng 4 năm sau đem trồng thì tốt nhất, có tỷ lệ sống cao.

    - Mật độ, khoảng cách trồng bằng củ như trồng đối với cây giống có bầu.

    - Cách trồng: Dùng cuốc moi đất giáp phía thành trên của hố vừa đủ để đặt củ, khi trồng đặt lưng củ giống tiếp giáp vào thành trên của hố đào.

    - Khi lấp đất: Lấp phần đất mùn xuống trước đến 2/3 củ măng, một tay giữ tay tre và dùng chân dẫm chặt từ ngoài vào trong, phần còn lại lấp ngập củ măng từ 5 - 7 cm dẫm chặt vừa phải, trồng xong phủ rơm rạ, cỏ rác quanh gốc để giữ ẩm cho củ giống.

    5. Chăm sóc và bón phân sau trồng:

    - Thường xuyên kiểm tra cây sau trồng, nếu thấy đất trong vùng hố bị khô thì tiếp tục tưới nước bổ sung cho đủ ẩm. Đối với những cây bị chết tiến hành trồng dặm lại.

    - Trong 1-2 năm đầu khi giữa các hàng tre chưa giao tán nên trồng xen cây họ đậu để tre phủ mặt đất chống bốc hơi, giữ ẩm và cải tạo đất.

    - Sau khi trồng cần phải định kỳ làm cỏ và xới đất, phát bỏ cây dại. Những năm đầu, số lần chăm sóc và làm cỏ tối thiểu 3 tháng 1 lần kết hợp với phủ rơm rạ, cỏ khô quanh gốc. Làm cỏ xới đất, tủ gốc giúp cho cây mau bén rễ khi mới trồng, tạo điều kiện cho đất tơi xốp, thuận lợi cho măng sinh trưởng phát triển tốt.

    - Hàng năm cần bón thúc cho cây ra nhiều măng, mỗi năm bón 2 lần: Lần 1 vào tháng 3, tháng 4 ; lần 2 vào tháng 6, tháng 7 dương lịch. Tỷ lệ bón phân cho một gốc tre mỗi lần như sau: Phân chuồng hoai 20 - 30kg; Phân NPK từ 0,5kg đến 1kg.

    Cách bón như sau

    - Đối với đất bằng: Dùng cuốc, cuốc xung quanh khóm, cách gốc 50 - 60 cm, sâu 10 - 15 cm, rộng 20 cm, sau đó rắc phân hữu cơ hoai mục và phân NPK rồi lấp đất cho kín phân.

    - Đối với đất dốc: Dùng cuốc tạo rãnh hình lưỡi liềm (vành khuyên) phía trên khóm tre theo chiều dốc, sau đó rắc phân và lấp đất trở lại cho kín phân.

    Lưu ý: Tuyệt đối không được vun lấp đất vồng lên khóm tre sẽ làm cho khóm tre ăn nổi lên trên.

    - Nếu có điều kiện, cần tưới nước cho cây vào những ngày khô hạn sẽ giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo điều kiện cho măng mọc dễ dàng.

    - Trong quá trình chăm sóc ngoài việc phát dọn cây cỏ và xới xáo, bón phân cho cây tre, chúng ta cần lưu ý phát dọn những cành tăm, cành la ở vùng gốc của các khóm tre, đồng thời chặt tỉa những cây mẹ già, những cây có thân hình bé nhỏ còi cọc.

    - Cách để cây mẹ: Tuỳ điều kiện cụ thể của từng khóm tre mà chọn thời điểm để cây mẹ cũng như số lượng cây mẹ cho phù hợp để khóm tre sinh trưởng tốt ra nhiều măng. Nên để cây mẹ vào gần cuối của vụ thu hoạch để ưu tiên dinh dưỡng cho khóm tre ra măng vào chính vụ, nếu để cây mẹ sớm khóm tre sẽ hạn chế ra măng, nếu để muộn sẽ không chọn được vị trí cây mẹ phù hợp và cây mẹ bị yếu. Mỗi khóm tre để từ 4 đến 5 cây mẹ.

    Hình ảnh măng tre mai được sơ chế (sưu tầm)

    6. Về phòng trừ sâu bệnh hại:

                - Về sâu: Chủ yếu là sâu vòi voi phá hoại củ măng mạnh vào các tháng cuối hè, đầu thu.  Biện pháp phòng trừ:  Cần vệ sinh rừng măng trước trong và sau mùa măng, tiến hành đào đất xung quanh khóm măng để bắt giết nhộng, từ tháng 6 trở đi, xuất hiện bệnh thì dùng thuốc padan pha với nồng độ 0,05%  rồi quyét thuốc lên củ măng để phòng sâu hại. 

     - Về nấm bệnh: Chủ yếu là bệnh thối măng, bà con dùng thuốc Ridomil 72WP hoặc các loại thuốc gốc đồng như: CuSo4, Man Xanh, Đồng Xanh phun sớm khi bệnh mới xuất hiện, phun làm 2 lần mỗi lần cách nhau 7 ngày./.

     

     

     

    Phạm Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái