• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sặt lấy măng
    24/03/2022 2:51:00 CH
    Lượt xem: 6365

    Sặt là loại cây lâm sản đa tác dụng, cho giá trị kinh tế cao, cây có tên gọi khác là Trúc sặt, Sặt Cầu Hai.., bộ phận sử  dụng chính của cây Sặt là chồi non (gọi là măng), măng Sặt là đặc sản của vùng cao tây bắc, dùng ăn sống thay rau, luộc, xào, hầm canh, muối chua…cây Sặt thì làm nguyên liệu để đan rổ rá, làm chất đốt, đun nấu, làm hàng rào bảo vệ.

    I. ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG:

    1. Chọn đất và địa hình

    Cây Sặt trồng ở nơi có địa hình dốc vừa, nơi đồi hoặc ở hai bên vạt đồi,vạt suối, tầng đất mặt dày và có mực nước ngầm xấp xỉ trên dưới 10m, đặc biệt là nơi có độ ẩm không khí cao, có nhiều mưa phùn là thích hợp nhất.

    2. Xử lý thực bì, đào hố

    + Xử lý thực bì: Phát dọn thực bì, thu gom xếp theo đường đồng mức. Cuốc hố: 30cm x 30cm x 30cm, cây trồng theo hình nanh sấu hoặc đất bằng thì trồng cây thẳng hàng. Bón lót phân hữu cơ (phân chuồng hoai hoặc phân xanh đã ủ kỹ) với liều lượng 3 - 5 kg/hố, đảo đều hỗn hợp đất - phân, sau đó lấp một lớp đất mặt (3cm) lên trên để tránh rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân.

    + Đối với nương rẫy trồng xen cây nông nghiệp, nên xác định vị trí và đào hố trước khi trồng, vì cây Sặt sinh sản từ thân ngầm (roi) để thành cây Sặt mới, nên phải cày sâu (theo băng) hoặc cuốc theo đám đào  hố rộng, trồng nông, đắp cao để bảo đảm cho cây sống.

    II. KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG:

    1. Mật độ trồng: Có 3 cách

    + Mật độ 2.500 cây/ha: Cự ly, cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2m.

    + Mật độ 1.000 cây/ha: Cự ly, cây cách cây 2,5 m, hàng cách hàng 4 m.

    + Mật độ 500 cây/ha: Cự ly, cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m.

    2. Tiêu chuẩn cây giống đem trồng

    + Chọn nhánh măng (hoặc cây măng) trong bụi măng 2 năm tuổi, chồi sặt mập, rễ roi đầy đủ, cây khoẻ xanh tươi, không sâu bệnh, phân cành thấp, lá nhiều, đường kính khoảng 4-6cm sau đó đào cả gốc lẫn rễ đem đi trồng.

    Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng cây sặt lấy măng

    3. Thời vụ trồng

    +Trồng cây từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch hàng năm là thời vụ trồng là tốt nhất. Trồng lúc này đất ẩm, mưa xuân nên  tỷ lệ nẩy mầm và tỉ lệ sống sẽ rất cao.

    4. Kỹ thuật trồng

    + Chọn ngày râm mát để trồng, dùng kéo hoặc dao sắc cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước sau khi trồng, đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn.

    + Khi vận chuyển cây giống cần dùng rơm hoặc bao tải bọc rễ roi và đất lại, phủ rơm, rạ và phun nước lên lá để giảm bốc hơi nước.

    + Đặt cây nghiêng 800 xuống hố trồng, rễ buông tự nhiên. Nơi đất dốc đặt chiều nghiêng của cây hướng theo đỉnh núi. Nơi đất bằng đặt chiều nghiêng của cây theo cùng một hướng sao cho cành bên của cây phân bố đều sang hai bên sau đó lấp hố,lấp cao hơn bề mặt khoảng 10 - 15cm phủ lớp cỏ, rơm rạ xung quanh gốc, để có thể giữ ẩm và chống tích tụ nước.

    III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC:

    1. Trồng dặm: Tiến hành trồng dặm ngay trong lần chăm sóc đầu tiên trên toàn bộ diện tích trồng rừng. Trồng dặm toàn bộ những cây bị chết và cây không có khả năng phát triển.

    2. Chăm sóc: Chăm sóc ba năm đầu sau khi trồng. Năm thứ nhất: Từ 1 - 2 lần; Năm thứ 2 và 3 từ 2 - 3 lần. Nội dung chăm sóc: Phát toàn bộ dây leo, cây bụi trên  toàn  bộ  diện  tích.  Rẫy  cỏ,  phá  váng xung quanh hố trồng với đường kính 1m.

    3. Phòng trừ sâu bệnh hại: Cây Măng sặt có thể bị một số sâu bệnh hại, chính như sau:

    + Bệnh khô héo do vi khuẩn:  Măng  bị  nhiễm  bệnh  có  những  lá  vẩy  bên ngoài mang những vòng đồng tâm, làm cho cây héo từ đọt trở xuống  rồi chết, những vi khuẩn này hoạt động giảm dần từ độ sâu 10 cm trở xuống. Do vậy khi cây bị bệnh ta vun đất cao hơn rồi kết hợp xịt thuốc theo hướng dẫn của chuyên ngành BVTV.

    + Bệnh vàng sọc: Phiến lá bị bệnh có những sọc vàng  xanh  xen  kẽ  nhau,  trên lá vẩy và thịt măng có hiện ra những sọc màu nâu đen, măng hóa  gỗ không sử dụng được, cây mẹ ốm yếu. Cần đào bỏ và thiêu hủy những cây bị bệnh, rắc vôi bột, khử trùng dụng cụ sạch sẽ trước khi tiến hành làm cây khác.

    + Bệnh rỉ sắt: Xuất hiện ở lá, làm lá cây rụng sớm, bệnh thường xảy ra khi  trời nắng nóng kéo dài rồi ẩm ướt, cây trồng quá yếu. Cần cắt bỏ cây bị  bệnh, thoát nước tạo điều kiện  cho cây phát triển tốt, vun gốc làm xốp đất kết hợp bón phân để tre phát triển.

    + Sâu hại: Sâu non xuất hiện vào tháng 4 - 10, sâu cuốn lá vào tháng 5 - 10 (bướm đẻ trứng, sâu con nở, nhả tơ cuốn lá và ăn lá).

    IV. KỸ THUẬT CẢI TẠO, PHỤC HỒI RỪNG CÂY SẶT LẤY MĂNG

    1. Đối với cải tạo: Cải tạo cục bộ theo băng, đám hoặc cải tạo toàn diện trên toàn bộ diện tích.

    - Chặt bỏ những cây không đủ tiêu chuẩn khai thác, cây sâu bệnh, cây cong queo, cây nhỏ già tuổi từ tuổi 3 trở lên

    - Dọn vệ sinh rừng bằng cách chặt, nhổ bỏ cành nhánh, ngọn, cây khô nằm tương đối sát mặt đất, bảo vệ chống cháy rừng và gia súc phá hoại.

    2. Đối với phục hồi: Trồng dặm trên diện tích đất trống và chăm sóc rừng trồng dặm: Đảm bảo diện mật độ cây Sặt phân bố đều trên diện tích lô trồng, mật độ duy trì 80.000 -100.000 cây/ha.

    - Chăm sóc phát cỏ, dây leo, bụi rậm, bón phân cho rừng cây Sặt để nâng cao năng suất chất lượng rừng./. 

    Phạm Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái