• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật canh tác rau theo hướng hữu cơ
    06/01/2023 1:54:00 CH
    Lượt xem: 1228

     1. Điều kiện sản xuất rau hữu cơ

    - Vùng sản xuất phải nằm trong vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm sản phẩm như: mùi, khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sinh hoạt khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang.

    - Phải có vùng đệm hoặc trồng cây rào chắn để tránh nguy cơ tiềm ẩn của việc phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc các nguồn nhiễm bẩn từ bên ngoài.

    - Sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn theo quy định.

    - Sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục (phân được ủ nóng với nhiệt độ đống ủ 60-700C trong thời gian ủ trên 3 tháng); không sử dụng phân tươi, phân ủ từ rác thải đô thị, rác thải sinh hoạt; không sử dụng trực tiếp các sản phẩm từ hầm bioga (nước và chất lắng); không sử dụng các loại phân hóa học

    2. Quy trình sản xuất rau hữu cơ

    * Lập kế hoạch sản xuất: Một yêu cầu tất yếu của sản xuất rau hữu cơ là luân canh cây trồng. Người ta nhóm các nhóm rau với nhau: nhóm ăn lá, nhóm củ quả, nhóm họ đậu… rồi lên kế hoạch luân canh quay vòng. Biện pháp này giúp cây trồng tránh được sâu bệnh hại, sử dụng cân bằng hơn dinh dưỡng trong đất.

    Bên cạnh đó, xen canh là phương pháp phối kết hợp luôn được áp dụng trong sản xuất rau hữu cơ. Xen canh tạo mối tương hỗ giữa các loại cây trồng khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Phân tán nguy cơ tập trung sâu bệnh hại, hạn chế cỏ dại.

    Nông dân áp dụng xen cây trồng ngắn ngày với cây dài ngày có chiều cao cây khác nhau để vừa che phủ đất, hạn chế cỏ dại trong khi chờ cây trồng chính giao tán, lại sớm cho thu hoạch. Xen cây có khả năng xua đuổi sâu hỗn hợp với loại cây mẫn cảm với loại sâu đó. Xen cây chịu bóng có bộ rễ phân bố ở các tầng đất khác nhau.

    * Chuẩn bị phân bón: Yêu cầu đầu tiên của sản xuất rau hữu cơ là không được phép sử dụng phân bón vô cơ. Để bù đắp dinh dưỡng cho cây, nông dân phải ủ phân hoặc sử dụng những nguồn phân hữu cơ tự nhiên. 

    - Có thể tự ủ phân với nguyên liệu ủ bao gồm: Phân chuồng như phân gà, phân dê, phân trâu bò. Đây là nguồn cung cấp đạm cho rau. Tuy nhiên, các vật nuôi trên phải được chăn thả tự nhiên, tuyệt đối không được nuôi bằng thức ăn tổng hợp. Các vật liệu xanh như phụ phẩm lá rau, cây cỏ tươi, cây phân xanh. Nguồn vật liệu này sẽ cung cấp chất khoáng cho rau. Các loại vật liệu khác như rơm, lá khô. Đây là nguồn vật liệu cung cấp kali cho rau.

    - Các vật liệu trên phải được trộn đều với nhau và ủ nóng trong khoảng 2 – 3 tháng cho đến khi hoai mục hoàn toàn. Ngoài ra trong quá trình ủ các vi sinh vật hô hấp sẽ tạo ra nhiệt, do đó nhiệt độ bên trong của khối phân ủ có thể lên tới 60C0 đến 70C0 tùy từng giai đoạn. Chính vì vậy các nguồn sâu bệnh hại sẽ bị tiêu diệt trong quá trình ủ phân, các hạt cỏ dại mất khả năng nảy mầm. Sau khi phân ủ được phân hủy hoàn toàn và không còn mùi hôi mới được dùng đem bón cho đất.

    Tuyệt đối cấm sử dụng phân tươi, nước tiểu trong quy định sản xuất rau hữu cơ. Tất cả các nguyên liệu trên phải được ủ nóng trước khi bón vào đất.

    * Chuẩn bị nước tưới: Sử dụng nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng quy định; tưới nước đủ ẩm từ sau khi trồng đến khi thu hoạch; tiêu nước kịp thời khi ngập úng. Áp dụng biện pháp tưới rãnh hoặc tưới nhỏ giọt.

    * Trồng và chăm sóc rau hữu cơ: Việc trồng và chăm sóc rau hữu cơ về nguyên tắc không khác với rau thông thường. Tuy nhiên, trồng rau hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn do phải chuẩn bị hết các vật tư sản xuất từ tạo vùng đệm, phân bón, nước tưới đến biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng không được phép dùng thuốc trừ cỏ nên phải làm cỏ hoàn toàn bằng tay.

    3. Phòng trừ sâu bệnh hại khi canh tác rau hữu cơ

    Cấm sử dụng thuốc trừ sâu hóa chất trong sản xuất rau hữu cơ. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm tự nhiên từ gừng, tỏi, giềng (Vật liệu gồm: gừng, tỏi, giềng, đường đỏ; cách làm: thái mỏng gừng, tỏi và để riêng từng lọ, cho rượu trắng vào từng lọ theo tỷ lệ 1 kg vật liệu/1 lít rượu; sau 12 giờ thêm vào một lượng đường đỏ theo tỷ lệ (1:0,3) 1 kg vật liệu ban đầu /0,3 kg đường, trộn đều, đậy kín bằng giấy bản để 5 ngày. Sau 5 ngày, tiếp tục thêm một lượng rượu trắng theo tỷ lệ 1 kg vật liệu ban đầu/5 lít rượu (1:5) để 15 ngày, tách riêng phần chất lỏng và bã; giữ phần chất lỏng trong lọ kín để ở nơi bóng mát, làm vật liệu nguyên chất pha loãng dùng dần: 1 chén rượu gừng + 1 chén rượu tỏi + 8 lít nước).

    Bên cạnh đó, trồng các cây dẫn dụ hoặc xua đuổi côn trùng cũng phải được áp dụng xung quanh ruộng rau hữu cơ. 

    Mặt khác, trên những ruộng rau được sản xuất theo con đường hữu cơ cũng có cơ hội cho các loài sinh vật nói chung và thiên địch của sâu hại nói riêng duy trì và phát triển. Với sự đa dạng về thành phần loài sinh vật như vậy thì sẽ có chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn phức tạp.

    Từ đó cho phép các sinh vật tự khống chế lẫn nhau nên sẽ hạn chế các tác hại do sâu bệnh gây nên và đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Ví dụ: Trồng xen rau cải bắp với cà chua và hoa cúc vạn thọ có thể hạn chế được sâu tơ.

    Trồng xen các loại cây dẫn dụ trong vườn rau hữu cơ để hạn chế sâu hại

    4. Ghi chép sổ sách

    - Tổ chức, cá nhân sản xuất rau hữu cơ phải lập biểu mẫu, ghi chép đầy đủ thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất và lưu giữ hồ sơ tối thiểu 01 năm tính từ ngày thu hoạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

    - Giống: Tên giống, nơi sản xuất, hóa chất xử lý và mục đích xử lý (nếu có)

    - Phân bón: Tên phân bón, nơi sản xuất, thời gian sử dụng, liều lượng, phương pháp bón, thời gian cách ly.

    - Thuốc bảo vệ thực vật: Tên dịch hại, tên thuốc, nơi mua, lý do sử dụng, thời gian sử dụng, nồng độ, liều lượng, dụng cụ  phun, người phun thuốc, thời gian cách ly.

    - Sản phẩm: tên sản phẩm, ngày thu hoạch, mã số lô, tên và địa chỉ khách hàng  

    5. Quản lý thu hoạch – sơ chế

    Địa điểm, nhà xưởng, nước sơ chế, thu gom và xử lý chất thải, vệ sinh cá nhân; thiết bị, dụng cụ sơ chế,...phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-132:2013/BNNPTNT và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2015.

    Không sử dụng chất bảo quản, phụ gia trong sản phẩm rau hữu cơ; trong quá trình thu hoạch, sơ chế đóng gói và vận chuyển không được để sản phẩm rau hữu cơ lẫn với sản phẩm rau sản xuất theo quy trình thông thường.

    Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái