• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật gieo ươm và chăm sóc thông mã vĩ
    18/01/2024 10:06:00 SA
    Lượt xem: 2143

    Thông Mã vĩ (đuôi ngựa) là loài cây có tác dụng giữ nước, bảo vệ đất đặc biệt ở vùng đồi núi trọc. Ở tỉnh Yên Bái loài cây này được trồng nhiều ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ngoài giá trị phòng hộ gỗ thông mã vĩ còn được dùng trong xây dựng, trụ mỏ, bột giấy và có thể khai thác nhựa. Để gieo ươm giống thông mã vĩ có chất lượng phục vụ trồng rừng, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sau:

    1. Chọn đất làm vườn ươm

    Vườn ươm nên đặt gần nơi trồng rừng để thuận tiện cho vận chuyển cây giống.

    Đất làm vườn ươm thông phải chọn nơi đất có khả năng thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, đất hơi chua (pH từ 4 - 5,5), không chọn nơi đất úng bí.

    2. Tạo bầu

    - Vỏ bầu: Bằng polyetylen thủng hoặc kín đáy có đục lỗ xung quanh, đường kính từ 7 - 8 cm, chiều cao 11 - 12 cm. 

    - Thành phần ruột bầu gồm: hỗn hợp 88% đất tầng A+B dưới tán rừng thông hoặc đất tế guột + 10% đất mùn thông + 2% supe lân.

    + Đất lấy ở tầng mặt hoặc tầng B nơi có thực bì là tế guột hoặc cây bụi che phủ trên 50%, hoặc lấy đất dưới tán rừng Thông hay xung quanh gốc Thông mọc riêng lẻ. Không dùng đất đã qua canh tác bị nhiễm sâu bệnh hại. Đất khai thác về được đập nhỏ và sàng qua lưới có đường kính mắt lưới 4 mm, sau đó vun thành đống cao 7 - 10 cm, khi trời nắng to dùng vải mưa phủ lên đống đất vài ba lớp, phơi 4 - 5 nắng để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh hại.

    + Phân hữu cơ: Phân chuồng đã ủ hoai mục (chú ý không ủ lẫn với vôi).

    + Supe lân Lâm Thao, không dùng phân lân nung chảy.

    - Đóng bầu: Trước khi đóng bầu, cần tưới hỗn hợp ruột bầu cho hơi ẩm. Dùng tay căng miệng túi bầu, lấy đất cho vào đến khoảng 1/3 túi bầu, dùng ngón tay lèn chặt phần đáy bầu, tiếp tục cho đất vào bầu đến 2/3 túi bầu, dùng ngón tay ấn nhẹ, sau đó cho đất đến miệng bầu. Bầu sau khi đóng xong xếp vào luống với chiều rộng 1 m, chiều dài 10 - 12 m, xếp bầu đứng thành hàng theo hình nanh sấu. Khoảng cách giữa các luống bầu từ 30 - 40 cm để đi lại chăm sóc. Dùng đất nhỏ chèn các khe hở và ấp đất xung quanh luống bầu thành gờ cao 1/3 bầu.

    3. Xử lý hạt trước khi gieo

    - Hạt phải được xử lý trước khi gieo để giúp hạt nảy mầm nhanh và đồng đều hơn.

    - Cách xử lý: Xử lý hạt bằng ngâm vào thuốc tím 0,1% trong 30 phút, vớt ra để ráo nước lại ngâm vào nước ấm 40-45oC trong 6 giờ, vớt ra để ráo nước cho vào túi vải ủ cho nứt nanh thì đem gieo với lượng 1kg hạt gieo trên 15-20m2 luống gieo.

    4. Thời vụ gieo

    Gieo hạt vào tháng 9-10 để trồng cây vụ Xuân, gieo hạt từ 15/10 đến 30/11 để trồng vụ Xuân Hè.

    5. Kỹ thuật gieo hạt

    Hạt được ủ từ 6 - 10 ngày bắt đầu hạt nứt nanh có thể gieo trực tiếp vào bầu hoặc gieo trên luống đất hay cát đã làm sẵn. Một kg hạt gieo trên 10m dài luống.

    Sau khi gieo dùng đất nhỏ mịn hay cát phủ kín hạt với bề dày từ 0,5 - 1 cm. Hàng ngày phun nước hoặc tưới bằng thùng ô doa lỗ nhỏ để giữ ẩm cho đất.Giai đoạn này cần lưu ý phòng chống kiến và chuột ăn hạt.

    6. Cấy cây

    Khi cây mầm cao bằng que diêm (khoảng 3 - 4 cm), chưa bỏ mũ thì nhổ cấy vào bầu. Trước khi cấy cây mầm từ 3 - 5 ngày cần tiêu diệt nấm bệnh bằng cách phun dung dịch Benlat nồng độ 1% với liều lượng 1 lít cho 1m2 luống bầu.

    Cần tưới đẫm luống cây mầm và luống bầu 01 ngày trước khi nhổ cấy.

    Cách cấy: Dùng que có đường kính khoảng 5mm chọc lỗ ở giữa bầu sâu hơn chiều dài rễ cây mầm, đặt cây mầm vào lỗ cho thẳng, vừa ngập phần cổ rễ, sau đó dùng que cấy cây cắm xiên 1 góc 45° để ép nhẹ đất vào rễ cây mầm, sau khi cấy tưới 3 - 4 lít nước cho 1m2 luống cây mầm.

    Lưu ý: Cây mầm nhổ đến đâu phải đặt ngay vào khay nước sạch, rễ ngập trong nước còn lá quay ra xung quanh. Nhổ cây mầm đến đâu cấy hết đến đó không để sang ngày hôm sau.

    7. Chăm sóc cây con sau khi cấy

    - Làm giàn che nắng: Thông mã vĩ là loài ưa sáng, giai đoạn nhỏ chịu bóng nhẹ, vì vậy chỉ che sáng tạm thời khoảng 1 tuần sau khi cấy, sau đó tranh thủ những ngày râm mát bỏ dần giàn che.

    - Tưới nước: Trong 15 - 20 ngày đầu, mỗi ngày tưới 2 lần, sáng tưới vào lúc trước 9 giờ, chiều tưới sau 4 giờ với lượng nước từ 2 - 3 lít nước/m2. Những ngày tiếp theo mỗi ngày tưới một lần với lượng nước tưới từ 3 - 4 lít/m2. Khi cây con trên 3 tháng tuổi, 1 tuần tưới 2 - 3 lần với liều  ượng 4 - 6 lít/m2.

    Lưu ý: Những ngày mưa, đất đủ ẩm không cần tưới nước.

    - Làm cỏ phá váng: Định kỳ 15 ngày nhổ cỏ, phá váng 1 lần. Nếu thấy cây con sinh trưởng kém, lá vàng, cây còi cọc, sau khi cấy 20 ngày dùng sunphát đạm 0,1% và supe lân 0,2% tưới thúc. Định kỳ 15 ngày tưới 1 lần bằng NPK nồng độ 1%. Sau khi tưới phân phải dùng nước sạch để tưới rửa lá. Trước khi xuất vườn 1 tháng phải ngừng việc tưới thúc cho cây.

    - Đảo bầu: Định kỳ 2 tháng đảo bầu 1 lần để tránh rễ cây đâm sâu xuống đất. Đảo bầu trước khi đem trồng khoảng 1 tháng.

    8. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

    - Giai đoạn cây chưa bỏ mũ thường bị chim, côn trùng phá hoại.

    - Giai đoạn cây bỏ mũ, 1- 2 tháng đầu thường bị bệnh thối cổ rễ, bạc lá.

    - Giai đoạn cây trên 2 tháng tuổi hay bị bệnh rơm lá Thông.

    - Định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần phun dung dịch nước Booc đô nồng độ từ 0,5 - 1%. Nếu cây bị bệnh thối cổ rễ cần tạm ngừng tưới nước và tưới thúc, nhổ cỏ vệ sinh trên luống và xung quanh luống cây, nhổ bỏ những cây bị bệnh đem đi xa vườn để đốt, phun dung dịch nước Booc đô nồng độ 1%, 5 - 6 ngày phun 1 lần hoặc sử dụng thuốc Aliette 80WP, 800WG… để phun phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì.thuốc hoặc theo chỉ dẫn của Bảo vệ thực vật.

     

    Lưu ý: Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng đồ bảo hộ và thực hiện đúng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ).

    Phạm Thị Hảo - Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh Yên Bái