• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi nước ngọt
    08/05/2019 9:07:00 SA
    Lượt xem: 576

     Với trên 32.000 ha mặt nước, tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy  nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh xảy ra trên đàn cá nuôi đang là vấn đề rất được quan tâm. Khác với các vật nuôi trên cạn khi cá bị bệnh việc phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Chất lượng nước thay đổi, chất lượng thức ăn kém, việc thiếu cẩn thận khi chăm sóc cá là các nguyên nhân dẫn đến cá bệnh.

    Người nuôi thủy sản luôn phải thực hiện phương châm “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”. Chính vì vậy người nuôi trồng thủy sản  phải thực hiện tốt một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp sau:

     1. Biện pháp quản lý môi trường và kỹ thuật nuôi:

     - Cần thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật  nuôi:

    + Sau mỗi vụ nuôi (1 - 2 năm), tháo cạn nước ao, vét bớt lớp bùn đáy chỉ để lại lớp bùn dầy 15 - 20cm.

    + Dọn sạch cỏ rác, tu sửa hệ thống cống cấp và thoát nước.

    + Bón vôi tẩy trùng ao với lượng 7 -10kg vôi/100m2 ao  (tùy pH của ao có thể tăng hay giảm lượng vôi để đảm bảo pH: 7 - 8) sau đó phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày tùy điều kiện thời tiết cho đến khi đáy ao rạn vết chân chim nhằm diệt mầm bệnh, kiềm hóa môi trường ao và diệt tạp.

    - Nước ao nuôi cá phải lấy từ nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn (từ chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp…). Lấy nước vào ao phải lấy 2 lần: lần thứ nhất để mực nước sâu 30 - 40cm và ngâm ao đến khi nước có màu xanh lá chuối non hoặc màu xanh vỏ đỗ (sau 7 - 10 ngày) mới lấy nước lần 2 sao cho đạt mức tiêu chuẩn 1,2 - 1,5 m.

    - Cá giống phải được mua ở những cơ sở tin cậy: Trại giống thủy sản Yên Bình, trại giống thủy sản Nghĩa Lộ thuộc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Cá giống đảm bảo khỏe mạnh, có màu sắc tươi sáng, không bị xây sát, không dị hình, không bệnh. Mật độ nuôi vừa phải (2 - 3 con/m2 ao), tỷ lệ ghép thích hợp để tận dụng hết nguồn thức ăn trong ao và tránh cho thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi.

    - Trong quá trình nuôi tránh gây xáo trộn trong đời sống cá (gây sốc) như: không nên thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường (nhiệt độ, oxy hòa tan, pH…), tránh xây sát cá trong quá trình đánh bắt, sang ao, lọc cá. Khi bị sốc sức đề kháng của cá sẽ giảm và cá trở nên yếu hơn sẽ dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công.

    2.  Biện pháp sinh học: 

    - Là biện pháp tăng cường sức đề kháng của cơ thể cá, khi đó cá có khả năng chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài môi trường.

    - Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là giai đoạn cá còn nhỏ. Cho cá ăn theo phương pháp "4 định":

    + Định chất lượng thức ăn: Thức ăn dùng cho cá ăn phải tươi, sạch sẽ không bị mốc, ôi thối, không có mầm bệnh và độc tố. Thành phần dinh dưỡng thích hợp đối với yêu cầu phát triển cơ thể cá trong các giai đoạn.

    Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách trộn thuốc vào thức ăn cho cá

    + Định số lượng thức ăn: Dựa vào trọng lượng cá nuôi để tính lượng thức ăn, thường sau khi cho ăn từ 3 - 4h cá ăn hết là lượng vừa phải. Cá ăn thừa nên vớt bỏ đi để tránh hiện tượng thức ăn phân hủy làm ô nhiễm môi trường sống.

    + Định vị trí cho ăn: Muốn cho cá ăn một nơi cố định cần tập cho cá có thói quen đến ăn tập trung tại một điểm nhất định. Cho cá ăn theo vị trí vừa tránh lãng phí thức ăn lại quan sát các hoạt động bắt mồi và trạng thái sinh lý sinh thái của cơ thể cá. Ngoài ra để phòng bệnh cho cá trước những thời điểm dễ phát sinh bệnh có thể treo túi vôi ở nơi cá đến ăn để khử trùng môi trường nước và tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh.

    + Định thời gian cho ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần sáng 7 -  8h, chiều 16 - 17h.

    3. Biện pháp dùng thuốc và hóa chất để phòng bệnh:       

    - Tác nhân gây bệnh có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao cá bị bệnh sang ao cá khoẻ. Vì vậy dụng cụ của nghề nuôi trồng thủy sản nên dùng riêng biệt từng ao, dụng cụ đánh bắt bằng gỗ, quần áo khi lội ao phải dùng dung dịch TCCA 20g/m3, thuốc tím KMnO4 10 - 12 g/m3 để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng ( Nếu thiếu thì sau đó khi sử dụng xong phải có biện pháp khử trùng trước khi sử dụng cho ao khác).

    - Đầu mùa dịch bệnh (cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch) hoặc cá chớm bệnh có thể dùng phương pháp treo túi vôi tại nơi thường cho cá ăn trong ao để phòng bệnh.

    - Cá giống mua về cần phải được khử trùng bằng dung dịch muối ăn với nồng độ 2 - 3% trong  thời gian 5 - 10 phút trước khi thả xuống ao nuôi. Xác cá bệnh và nước thải từ bể cá bệnh cần được xử lý bằng chlorine trước khi thải ra môi trường ngoài để tránh mầm bệnh lây lan cho những vụ nuôi kế tiếp và các ao nuôi lân cận.

    - Thực hiện tốt chế độ cho cá ăn thuốc phòng bằng thuốc Tiên Đắc I của Trung Quốc với lượng 10g thuốc/50kg cá/ ngày, cho ăn 3 ngày liên tục và cứ 3 tháng cho ăn 1 lần. Cần bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho cơ thể cá.    

    Cách dùng: Ta nấu chín cám lên rồi đổ cám ra tàu lá chuối hoặc ra nong, nia cho cám nguội rồi ta tiến hành trộn đúng liều lượng thuốc vào rồi nắm thành từng nắm cho cá ăn. Ta có thể cho thức ăn vào sàn ăn để theo dõi cá có ăn hết không để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

    * Chú ý: khi cho cá ăn thuốc phòng phải ngừng cho cá ăn trước 1 ngày./.

    CBKT. Nguyễn Thị Xuân Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái