• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng bí xanh cho năng suất, chất lượng cao
    11/03/2024 4:26:00 CH
    Lượt xem: 786

    Bí xanh là loại cây cho năng suất cao, lợi nhuận lớn, kỹ thuật trồng lại không quá khó, dễ chăm sóc, nên được người dân trồng ở nhiều nơi. Cây bí xanh là cây rau thuộc họ bầu bí có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh rất tốt nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do có lớp vỏ dày, cứng nên bí đao có khả năng bảo quản, vận chuyển tốt. Bí xanh cho năng suất 35 - 50 tấn / ha và là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.

    I. Kỹ thuật trồng bí xanh năng suất cao:

    1.Thời vụ trồng:

    - Vụ Đông Xuân gieo tháng 12 đến tháng 1, trồng từ tháng 1 đến tháng 2, thu hoạch tháng 5 đến tháng 6; Vụ Thu Đông gieo tháng 7 đến tháng 8, trồng tháng 9 đến tháng 10 và thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2.

    2. Kỹ thuật làm đất:

    - Đất trồng bí phải có tầng canh tác dày, tơi xốp, độ pH từ 6,5 - 7,0. Nếu pH < 6 phải bón vôi cải tạo đất trước khi tiến hành trồng.

    - Chọn đất thịt nhẹ, đất cát pha, nhiều dinh dưỡng, chủ động tưới tiêu.

    - Tiến hành cày bừa làm kỹ đất. Đất cần được phơi ải, lên luống để trồng. Tùy theo từng phương pháp trồng mà ta có các cách lên luống khác nhau.

    3. Kỹ thuật ngâm ủ và gieo hạt bí trước khi gieo:

    * Kỹ thuật ngâm ủ: Trước khi ngâm đem hạt phơi nắng nhẹ trong vài giờ, rồi đem ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 5 - 6 giờ, đãi sạch nước chua. Dùng vải xô ủ kín ở nhiệt độ 28 -32oC, khoảng 1 - 2 ngày thì hạt nứt nanh, đem gieo.

    * Kỹ thuật gieo hạt:

    - Lượng hạt cần gieo cho 500m2 là 50 - 70 gram (nếu dụng hạt lai F1 từ 15 - 20 gram/500 m2).

    - Gieo hạt trên luống, phủ hạt bằng lớp đất bột mỏng, không nên phủ quá dày vì hạt không đội lên được.

    - Khi cây mọc được 7 - 8 ngày (2 lá mầm) có thể sang bầu, kích thước bầu 7 x 10 cm, để đến khi cây 2 - 3 lá thật thì đem trồng là tốt nhất, bầu to 10 - 15 cm có thể để đến 4 - 5 lá thật mới đưa ra trồng.

    - Trồng bầu để tranh thủ thời gian và dễ chăm sóc cây con. Đất làm bầu là hỗn hợp đất bột kết hợp với phân chuồng mục theo tỷ lệ 1:1.

    4. Khoảng cách và mật độ trồng:

    - Nếu làm giàn, làm luống rộng hoảng 1,5 m, rãnh rộng khoảng 0,3 m. Hàng cách hàng 0,9 m, cây cách cây 0,5 m.

    - Nếu để cây bò trên đất, mặt luống rộng 3,5 - 4 m, luống cao 25 - 30 cm tùy thuộc vào thời vụ, trồng 2 hàng: Hàng cách hàng 2,5 - 3 m, cây cách cây từ 0,4 - 0,45 m. Với luống đơn, mặt luống rộng khoảng 2,5 m, trồng 1 hàng giữa luống, cây cách cây 0,4 m.

    - Vụ Thu Đông, mật độ trồng 950 cây/500 m2, vụ Xuân mật độ trồng 1.200 cây/ 500 m 2.

    * Lưu ý: Nếu trồng bí bò cần có rơm rạ, … phủ mặt luống cho bí bò và đỡ quả.

    5. Kỹ thuật bón phân cho cây bí xanh

    * Liều lượng phân bón tính cho 500 m2:

    - Phân hữu cơ hoai mục: 1 tấn + Đạm ure: 12 - 14 kg + Lân super: 16 - 18 kg + Kali: 10 - 12 kg.

    * Cách bón:

    + Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 1/4 lượng đạm + 1/4 lượng kali.

    + Bón thúc lần 1: Khi cây bắt đầu ngả ngọn bò, hoặc lúc bắt đầu leo lên giàn (sau khi mọc 30-35 ngày), bón 1/4 lượng đạm + 1/4 lượng kali.

    + Bón thúc lần 2: Sau khi cây đậu quả rộ (sau thúc lần 1: 15 - 25 ngày), bón 1/4 lượng đạm + 1/4 lượng kali.

    + Số lượng còn lại hòa với nước tưới hoặc nước phân chuồng hoai mục, pha loãng tưới cho cây. Có thể tưới bổ sung NPK hàm lượng cao, nồng độ loãng cho cây nếu cây sinh trưởng kém. Giai đoạn đậu quả bón bổ sung phân NPK chuyên dùng cho đậu hoa đậu quả để nâng cao năng suất và chất lượng quả.

    II. Kỹ thuật chăm sóc và tưới nước cho bí xanh:

    * Kỹ thuật chăm sóc:

    - Trồng dặm: Sau khi trồng 7 ngày, kiểm tra ruộng và dặm những cây chết vào buổi chiều mát, trồng xong tưới nước ngay để tránh cây bị héo.

    - Khi bón thúc phân kết hợp với vun nhẹ vào gốc.

    - Khi cây bí bắt đầu vươn dài thì kịp thời bắt ngọn vươn theo cùng một hướng trên mặt luống. Khi dây bí được 12-15 lá thì bắt đầu cắm giàn. Dùng tre, dọc để làm giàn.

    - Khi dây leo lên giàn, cần sửa dây bí phân bố đều, tỉa bỏ nhánh nhỏ, sâu bệnh giúp gian thông thoáng, giảm sâu bệnh hại. Khi cây có quả phải thả thong quả xuống giàn cho quả thẳng, đẹp.

    - Để tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả sinh lý nên phun phân bón qua lá kích thích ra hoa từ khi dây bí dài 1 m đến khi thu quả lần đầu, khoảng 7 - 10 ngày/lần, với biện pháp kỹ thuật này có thể tạo cho năng suất bí xanh tăng thêm 50 - 70% so với trồng thông thường.

    * Kỹ thuật tưới nước:

    - Bí xanh là cây có sinh khối lớn vì vậy cần nhiều nước để sinh trưởng, phát triển cho năng suất cao. Nên chú ý cung cấp đủ nước trong suốt quả trình sinh trưởng của cây.

    - Ở giai đoạn đầu cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau bén rễ hồi xanh, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

    - Thời kỳ ra hoa kết quả bí xanh cần nhiều nước, cần tưới đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển đầy đủ. Nếu thiếu nước cây phát triển kém, sâu bệnh hại phát triển gây thiệt hại năng suất. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu ngập úng.

    - Tưới rãnh hoặc tưới phun, có thể 3 - 5 ngày tưới một lần tùy mùa vụ điều chỉnh cho hợp lý.

    III. Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây bí xanh:

    Thành phân sâu hại bí xanh gồm có sâu xám, bọ nhảy, ban miêu đen, sâu róm, sâu đục quả, rệp, nhện đỏ, ruồi đục quả, bọ xít…

    * Đối với sâu hại bí xanh:

    + Sâu xám: Biện pháp phòng trừ: Có thể dùng biện pháp thủ công bắt vào sáng sớm sâu non lẩn dưới cây khi giai đoạn cây 1-3 lá thật. Dùng một số loại thuốc hóa học như: Basudin 50 EC, Shecpain 36EC…

    + Ban miêu đen: Chỉ tiến hành phòng trừ khi bọ trưởng thành tập trung với mật độ vao và gây hại rõ rệt. sử dụng một số loại thuốc phòng trừ theo khuyến cáo.

    + Sâu róm nâu: Phòng trừ khi mật độ sâu gây hại đến năng suất. Dùng một số thuốc như Sherpa, Decis, Drazinon,…

    + Sâu xanh: Dùng thuốc như Match, Cyperan…

    + Sâu khoang: Khuyến cáo đặt bẫy bả pheromone hoặc bẫy chua ngọt để bắt bướm trưởng thành. Có thể dùng một số thuốc hóa học như Sherpa, Polytrin,…

    * Đối với bệnh hại:

    + Bệnh phân trắng: Phòng trừ bằng cách thu dọn sạch tàn dư cây trên ruộng sau mỗi vụ thu hoạch, chăm bón đúng kỹ thuật, phun thuốc khi phát hiện bệnh bằng các thuốc như Zineb.

    + Bệnh héo rũ: Tiến hành luân canh cây trồng để tiêu diện nguồn bệnh, sử dụng các biện pháp sinh học như dùng nấm đối kháng Trichoderma…

    + Bệnh sương mai: Khi phát hiện bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc như: Antraclo 70WP, Topsin-M 70Wp, …

    - Ngoài các loại sâu bệnh trên, bí xanh còn bị các loại sâu bệnh khác phá hoại như: Bệnh hủi, bệnh thán thư, bệnh chết cây non, sâu xanh sọc trắng, bọ trí, dòi đục lá, rệp muội, nhện đỏ… 

    Hồ Thị Nguyệt Ánh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên bái