• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng keo tai tượng cung cấp gỗ lớn
    07/05/2019 4:32:00 CH
    Lượt xem: 406

     Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ xẻ đóng đồ gia dụng và mỹ nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng khả năng cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên ngày càng giảm, chủ trương trồng rừng sản xuất thâm canh gỗ lớn đang trở thành một chủ trương lớn, vừa đáp ứng được nguyện vọng của những người làm nghề rừng và các cơ sở chế biến gỗ ở địa phương. Để thực hiện được các mục tiêu trên TTKN hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng keo tai tượng cung cấp gỗ lớn như sau:

    I. Điều kiện cây trồng:

                Cây Keo tai tượng  sinh trưởng và phát triển bình thường ở độ cao  500 m so với mực nước biển, độ dốc < 200C. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho Keo tai tượng  sinh trưởng từ 22 - 270C. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500 - 2500 mm/năm. Sinh trưởng tốt trên đất có tầng dầy > 50 cm, đất xám, thành phần cơ giới thịt trung bình. Thực bì là cây bụi, đất rừng sau nương rãy, sau khai thác.

    II. Giống:

    1. Nguồn giống:

    Hạt giống có thể nhập từ nước ngoài hoặc thu hái trong nước nhưng phải có nguồn gốc rõ ràng, có lý lịch và chứng chỉ theo quy định về quy chế quản lý giống của Bộ NN&PTNT ban hành.

    Cây giống trồng rừng gỗ lớn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (có giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây con do cấp có thẩm quyền cấp) và được quản lý theo chuỗi hành trình giống cây trồng lâm nghiệp.

    2. Tiêu chuẩn cây giống:

    Chiều cao thân cây từ 25 - 30 cm, đường kính cổ rễ từ 0,3 - 0,4cm. Tuổi xuất vườn cây phải đạt từ 3 - 4 tháng tuổi. Cây con sinh trưởng tốt, không bị nhiễm bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển tốt và có nấm cộng sinh.

    III. Kỹ thuật trồng:

    1. Phương thức trồng:

    Trồng thuần loài.

    2. Mật độ trồng:

    Trồng với mật độ 1660 cây/ha (cự ly hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2 m).

    3. Thời vụ trồng:

                Trồng vào vụ xuân, từ 15/2 đến 31/5 hoặc vụ Thu: Từ tháng 15/7 đến 15/9.

    4. Xử lý thực bì:

    Nơi thực bì thưa, cao dưới 1m, phát toàn diện, dọn tươi xếp theo đường đồng mức hoặc gom đống, đốt cục bộ, đề phòng lửa cháy lan. Nơi có thực bì dày rậm, cao trên 1m phát băng rộng 2m theo đường đồng mức. Dọn tươi gom xếp vào bìa băng chừa.    

    5. Làm đất, đào hố, bón phân:

    - Làm đất toàn diện hoặc cục bộ, theo rạch hoặc theo băng.

    - Cuốc hố trước khi trồng từ 10 đến 15 ngày. Nơi đất bằng cuốc hố trồng với kích thước 30 x 30 x 30cm. Nơi đất dốc cuốc hố trồng với kích thước 40 x 40 x 40cm; Hố cuốc so le theo hình nanh sấu. Khi cuốc, để phần đất mặt tơi xốp một bên, đất phía dưới hố một bên.

    - Lấp hố, đưa phần đất tốt (phần đất phía trên hố) xuống đáy hố cùng với thảm mục, có thể xới thêm phần đất mặt xung quanh hố để lấp đất gần ngang miệng hố.

    - Bón lót: Bón lót được kết hợp với lấp hố, phân được trộn đều với lớp đất mặt và lấp đầy ½ hố, sau đó lấp đất đầy hố.

    Lượng phân bón lót: 0,2 kg phân NPK/hố hoặc từ 0,2 - 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh/hố.

    - Thời điểm bón lót và lấp hố trước khi trồng rừng từ 15 - 20 ngày.

    6. Trồng cây:

    Trồng vào những ngày râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Rải cây giống đến đâu trồng ngay đến đó. Dùng dụng cụ đào một hố rộng và sâu hơn chiều dài của bầu 1 - 2 cm ở vị trí giữa hố đã chuẩn bị.

    Cây con đem trồng phải đảm bảo độ ẩm của bầu ≥ 60% (dùng tay bóp nhẹ vào bầu thấy mềm là được). Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Lấp đất tơi xốp 2/3 bầu cây, lèn chặt xung quanh bầu và vun thêm đất vào gốc cây tạo thành hình mâm xôi, lèn chặt, cao hơn mặt hố khoảng 2 - 3cm.

    7. Trồng dặm:

                Sau khi trồng ít nhất 1 tháng phải kiểm tra tỷ lệ cây sống, tiến hành trồng dặm những cây bị chết. Tỷ lệ cây trồng dặm bằng 10% mật độ trồng rừng, cây con trồng dặm có đầy đủ tiêu chuẩn và kỹ thuật trồng như đối với cây trồng chính.

    IV. Chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng:

    1. Chăm sóc rừng: Sau khi trồng, rừng trồng cần được chăm sóc 04 năm.

                Năm thứ nhất: Chăm sóc 1 lần đối với trồng rừng vụ thu; chăm sóc 2 lần đối với trồng rừng vụ xuân.

    - Lần 1: Sau khi trồng rừng từ 2 -3 tháng (đối với vụ Xuân).

    - Lần 2: Chăm sóc vào cuối mùa mưa (tháng 10 - 11).

    - Nội dung chăm sóc bao gồm: Trồng dặm những cây bị chết; Phát dọn dây leo, cây bụi, làm cỏ và cuốc xới vun gốc xung quanh hố với  đường kính rộng 80 cm, sâu 4 - 5 cm và vun gốc; kết hợp điều chỉnh cho các cây trồng đứng thẳng.

    Năm thứ 2, thứ 3: Chăm sóc 2 lần.

    - Lần 1: Chăm sóc vào đầu mùa mưa (tháng 3 - 4). Phát dọn thực bì, làm cỏ xung quanh gốc cây với đường kính 80 cm kết hợp với bón thúc 0,2 kg NPK/cây.

    Cách bón: Đào rạch sâu 15 - 20 cm, dài 30 cm hình vòng cung phía trên dốc, cách gốc cây 30cm, rắc đều phân theo rạch rồi lấp đất kín phân đã bón.

    - Lần 2: Vào cuối mùa mưa (tháng 10 - 11), phát dọn thực bì và làm cỏ, xới vun gốc với đường kính 1,0 m kết hợp với phòng chống cháy rừng.

    Năm thứ 4: Chăm sóc 1 lần vào tháng 3 - 4.

    - Nội dung chăm sóc gồm: Phát dọn dây leo cây bụi cỏ dại.

    2. Tỉa thưa nuôi dưỡng rừng:

    * Tỉa cành, tỉa thân: Thực hiện từ năm thứ 2 trở đi, tỉa cành trước mùa sinh trưởng hàng năm để nâng cao chất lượng gỗ.

    - Tỉa cành tươi: Cắt hết các thân phụ và cành quá lớn, nằm ở phía dưới tán, chỉ để lại một thân chính, vết cắt sát với thân cây để cây nhanh liền sẹo.

    - Tỉa cành khô: Là tỉa cành đã chết nhưng chưa rơi rụng, nhằm làm cho vết cắt sớm liền sẹo nhờ sinh trưởng của thân cây phủ kín lại

    - Tỉa thân: Tỉa những cây có 2 thân, để lại một thân tốt nhất. Khi tỉa chú ý tỉa sát với thân còn lại.

    * Tỉa thưa và mật độ để lại kinh doanh rừng gỗ lớn: Số lần tỉa thưa 2 lần.

    + Lần 1: Rừng tuổi 4 - 5 năm, mật độ để lai 800 - 900 cây/ha.

    + Lần 2: Rừng tuổi 7 - 8 năm, mặt độ để lại 500 - 600 cây/ha.

    - Thời vụ tỉa thưa: Thường tiến hành vào mùa khô.

    - Chọn cây tỉa: Những cây tỉa là những cây có chất lượng kém, bị sâu bệnh hại, bị chèn ép, không có triển vọng cung cấp gỗ lớn.

    - Phương pháp tỉa:  Đánh dấu cây trước khi chặt, chặt cây sát gốc, hướng cây đổ không ảnh hưởng tới cây giữ lại, không chặt 3 cây liền nhau và đảm bảo cây giữ lại phân bố đều trong rừng.

    - Vệ sinh, chăm sóc rừng sau tỉa thưa: Sau khi tỉa thưa cần vệ sinh rừng, thu gom thân cây, cành cây có đường kính ≥ 5cm ra khỏi rừng. Những cành cây nhỏ hơn 5cm và lá cây thu dọn lại và dải theo băng giữa 2 hàng cây.

    + Chăm sóc rừng 2 - 3 năm sau tỉa thưa, mỗi năm 2 lần:

    Nội dung chăm sóc: Phát dây leo, cây bụi trên toàn diện tích. Sau khi tỉa thưa tiến hành xới đất xung quanh gốc từ 1 - 1,5m và vun gốc cho cây; bón cho mỗi gốc cây 0,5 - 1,0 kg phân NPK 10:5:5/cây.

    3. Bảo vệ rừng:

    - Thường xuyên tuyên truyền, ngăn chặn người chặt phá cây trồng. Cấm chăn thả gia súc khi cây rừng chưa đạt chiều cao 5m.

    - Thường xuyên kiểm tra phòng trừ sâu bệnh hại rừng và có biện pháp phòng chống cháy rừng.

    KS. Lê Thị Hải Yến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái