• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mây nếp
    21/03/2023 9:35:00 SA
    Lượt xem: 669

    Mây nếp (hay còn gọi là Mây tắt, Mây ruột gà, Mây trắng, Mây mật), thân mây nếp được sử dụng như làm lạt buộc, đan rổ rá, bàn ghế, là nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

    Cây mọc thành bụi, gồm 2 bộ phận chính là thân ký sinh và thân ngầm. Thân cây có gai, lá chét hình mũi mác dài 15 - 25cm, cụm hoa là một bông mo dạng đặc biệt, hoa xuất hiện trên các tay mây ở phía ngọn, dài 0,8 - 1m, gồm nhiều chùm hoa nhỏ, màu vàng. Quả hình cầu to 7 - 10 mm, khi chín có màu trắng ngà bóng.

    Thích hợp với vùng có nhiệt độ từ 20 - 300C, lượng mưa trung bình từ 1500 - 2000mm. Phát triển rất tốt trên các loại đất sâu ẩm.

    1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

    Thời vụ: vụ xuân (tháng 2 - 4), hè thu (tháng 7 - 9).

    Chuẩn bị đất trồng: Trồng mây quanh nhà, ven hàng rào, đất đồi, đất chuẩn bị đòi hỏi không cầu kỳ. Phát dọn theo băng rộng 2m hoặc theo lỗ trống rộng 3m2, đảm bảo giữ được cây che bóng và làm trụ đỡ cho mây.

    Phương thức và mật độ trồng:

    - Trồng tập trung dưới tán rừng tự nhiên có độ tàn che 0,3 đến 0,4. Mật độ 2500 cây/ha (cự ly 1x4m) hoặc có thể trồng với mật độ 3300 cây/ha (cự ly 1x3m).

    - Trồng theo đám trong rừng khoanh nuôi tái sinh có độ tàn che 0,4 đến 0,5. Mật độ 250 lỗ trống/ha (8x5m), hoặc có thể trồng từ 700 - 1000 cây/ha (cự ly 2x5m).

    - Trồng phân tán xung quanh vườn hộ gia đình, các trang trại. Cự ly trồng 5 - 7 m/bụi. Có thể trồng thành cụm, 2 - 3 cây/cụm.

    Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây giống được 1,5 tuổi, có 3 - 4 lá, cao trên 20cm, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.

    Làm đất, cuốc hố, trồng cây:

    - Khi trồng mây dưới tán rừng tự nhiên: phát theo băng rộng 2m, dọn sạch cây. Băng phát cách nhau 4m.

    - Cuốc hố 30x30x30 cm, cách cây làm trụ đỡ từ 0,8 - 1m. Cuốc hố trước khi trồng 1 tháng. Mỗi hố trồng 2 - 3 cây con.

    - Lấp hố kết hợp bón lót từ 0,1 - 0,3 kg phân NPK/hố, vun đất theo hình mui rùa.

    - Trồng cây: Trồng tốt nhất vào mùa xuân thời tiết ẩm và có mưa phùn, hoặc có thể trồng vào đầu mùa mưa. Không đào hố sâu dưới tán rừng, lá khô rụng xuống sẽ che lấp và làm chết cây con. Khi lấp đất phải nén chặt để cây mau bén rễ và lấp đất ngang cổ rễ cây để mây dễ đẻ nhánh sau này.

    Kỹ thuật chăm sóc

    - Cắt lá: Mây nếp trồng xong (hoặc tốt nhất trước khi trồng) phải cắt bớt lá để chống thoát nước qua lá. Cắt bỏ lá úa. 1/3 lá già, 1/2 lá bánh tẻ, 2/3 lá non. 

    - Tưới nước: Ngay sau khi đặt cây, lấp đất xong phải tưới thật đẫm kể cả khi trồng trời mưa. Giữ ẩm thường xuyên giúp cây non mau bén rễ. Sử dụng bèo, rạ, rác mục bao phủ gốc cây để chống gió lay, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại. 

    - Phân bón: Lượng phân sử dụng tuỳ thuộc điều kiện lập địa, tầng đất và dinh dưỡng của đất tốt hay xấu mà đầu tư cho thích hợp.

    - Trong 2 năm đầu, mỗi năm làm cỏ 2 - 3 lần kết hợp với vun xới. Hàng năm phải luỗng phát dây leo bụi rậm một lần để đảm bảo ánh sáng cho cây phát triển. Khi mây lớn và leo lên giá thể, tiến hành phát cành cây để điều chỉnh ánh sáng giúp cho mây vươn lên sinh trưởng tốt.

    2. Phòng trừ sâu, bệnh hại

    -  Mây nếp ít sâu hại, khi nóng có thể mắc bệnh rệp, nấm trắng, nấm hồng. Ngay sau khi trồng phun Daconil-Validacin-Diơterex, 1 số loại thuốc kháng sinh được hỗn hợp với chất bám dính và thuốc kích thích tăng trưởng. Các kỳ phun phòng trừ sâu bệnh tiếp theo khi cây mây ở giai đoạn 6 đến 12 tháng tuổi 

    - Cần đề phòng trâu bò và châu chấu ăn lá mây non. 

     

     

    Hoàng Thế Anh - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái