• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng và chăm sóc hành lá cho năng suất cao
    04/04/2024 3:09:00 CH
    Lượt xem: 713

    Hành lá là loại gia vị quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt, trồng hành lá rất đơn giản tuy nhiên nếu nắm được những kỹ thuật trồng hành lá về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, đất…. bà con sẽ tiết kiệm được thời gian chăm sóc và cho năng suất thu hoạch cao.   

    1. Kỹ thuật trồng

     * Chọn giống: lựa chọn loại giống cho năng suất cao như : hành hương cao sản NN87, hành lá cao sản gốc trắng, hành lá Kobe TN 172……

     * Thời vụ trồng

    Hành lá có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất là trồng vào mùa hè. Thời gian sinh trưởng sau 45 -50 ngày trồng có thể cho thu hoạch.  

    * Mật độ và cách trồng:

     - Loại đất phù hợp để trồng hành lá cần có nhiều dinh dưỡng, đất tơi xốp và có khả năng thoát nước, thoát hơi tốt. Chẳng hạn như đất phù sa hay đất mùn. Đất được làm sạch cỏ dại, tơi xốp,phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh trước khi trồng.

    - Đất trồng hành cần được phơi ải. Lên liếp cao 35-45cm, chân liếp rộng 1-1,2m, hàng cách hàng 25cm, cây cách cây 10-15cm, khoảng cách giữa hai liếp là 30cm để dễ thoát nước và tiện đi lại chăm sóc.

    - Rải một lớp rơm, rạ mỏng lên trên bề mặt giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại mọc, giữ ấm cho hành vào mùa mưa, thời tiết lạnh giá, sương muối vào mùa đông.

    2. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại

    * Tưới nước:

    Cây hành lá cần nhiều nước để phát triển, do đó nên duy trì độ ẩm thường xuyên nhưng không tưới quá nhiều sẽ bị thối. Vào mùa lạnh 2 - 3 ngày tưới một lần, còn vào mùa nắng tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn.

    * Làm cỏ: Vào thời điểm cây bắt đầu sinh trưởng cỏ thường mọc lên và ăn các chất dinh dưỡng cung cấp cho hành, chính vì vậy cần làm cỏ bằng tay để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với hành.

    * Bón phân:

    Phân bón cho hành còn tùy theo độ phì nhiêu của đất cũng như nhu cầu nuôi dưỡng của cây. Trước khi trồng cần bón lót bằng cách tro trấu, sau đó bón thúc pha với phân vào nước tươi thành 3 đợt.

    Lượng phân bón cho 1 sào: 1.000 kg phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh hoặc tro bếp ủ với nước phân chuồng, 12kg đạm urê,

    25kg lân super, 5kg kali clorua.

    - Bón lót: 500kg phân chuồng, 25kg lân trộn đều với đất mặt khi lên luống hoặc bón theo rãnh, lấp một lớp đất mỏng, sau đó trồng cây con.

    - Bón thúc:

    + Lần 1: sau trồng 7 – 10 ngày, pha loãng 2kg đạm urê để tưới, nồng độ 0,5 - 1% (5-10g ure/1 lít nước).

    + Lần 2: sau lần 1 khoảng 10 ngày, pha loãng 2kg đạm urê để tưới nồng độ 0,5 - 1% (5-10g ure/1 lít nước).

    + Lần 3: sau lần 2 khoảng 10 ngày, bón theo rãnh giữa 2 hàng hành với lượng từ 6kg urê, 500kg phân chuồng, 3kg kali.

    + Lần 4: sau lần 3 khoảng 10 ngày, pha loãng 2kg urê, 2kg kali để tưới.

    Phân bón lá và phân vi lượng: Phun cách nhau 5 – 7 ngày, bà con chú ý không nên lạm dụng thuốc điều hoà sinh trưởng (Coberin, Progip...) nó sẽ làm bẹ lá phát triển nhanh gây hiện tượng rã bẹ, cây rỗng yếu. Khuyến cáo nên sử dụng các chế phẩm EM cho hành, nếu dùng Supe hume phun đều 3 lần thì giảm đi 1/3 lượng đạm nhằm hạn chế hiện tượng vàng lá và tăng sức đề kháng cho cây hành.

    * Phòng trừ sâu bệnh:

    - Các đối tượng sâu bệnh hại chính:

    + Sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại tận đến cuối vụ) phun bằng Regent 800 WG hoặc Pegasus 500SC

     + Dòi đục lá phun Trigard75WP; Trigard 100SL

     + Sâu xám phun Admire 200 OTEQ, Biocin 16WP; Olong 55WP

     + Bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá dùng Antracol 50WP, Dithan M45

     - Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.

    - Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời gian cách ly 7-10 ngày.

    3. Thu hoạch hành lá

    - Sau khi trồng được khoảng 30 - 45 ngày có thể thu hoạch hành lá. Nếu trồng hành với mục đích kinh doanh, nên lựa chọn thời điểm giá hành cao để thu hoạch. 

    - Thu hoạch hành lá gồm hai giai đoạn chính là: Hái lá và thu hoạch hành củ. Đối với lá có thể chia thành nhiều đợt, với củ chỉ có một đợt.

    - Trung bình mỗi 1000m² hành lá có thể thu hoạch được hơn 4 tấn vào mùa nắng và khoảng 2 tấn vào mùa mưa.

    - Thời gian thu hoạch tốt nhất là vào buổi chiều sau, khi thu hoạch rửa sạch bằng nước để khô ráo qua đêm rồi đóng gói và tiêu thụ vào sáng ngày hôm sau. 

    Triệu Linh Hương - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái