• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Mọt đục thân keo và biện pháp phòng trừ
    15/11/2023 2:04:00 CH
    Lượt xem: 701

    Keo là một trong những loài cây trồng rừng chính của tỉnh Yên Bái. Loài cây này dễ trồng, cải tạo đất tốt và được sử dụng trong sản xuất gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp bột giấy, gỗ ván dăm, gỗ xẻ. Tuy nhiên, trên cây keo cũng xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại. Trong đó mọt đục thân là một đối tượng gây hại đáng chú ý. Vì loại sâu này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gỗ và sinh trưởng phát triển của rừng trồng. 

    Trứng                                                                                      Sâu non

     

    Sâu trưởng thành                                                                                Nhộng 

     

    Cây keo bị mọt gây hại

    1. Triệu chứng gây hại

    Cây keo 2, 3 năm tuổi đã có thể xuất hiện mọt đục thân. Lỗ mọt nhỏ như đầu tăm, có phân mọt đùn ra có màu trắng sau chuyển thành đen. Bên ngoài lỗ mọt có xuất hiện chảy nhựa, bên trong đường mọt khi chẻ ra, mọt thường đục thẳng vào thân cây xuyên qua lớp vỏ. Trong quá trình tạo đường hang, mọt mang nấm vào trong đường hang để làm thức ăn cho sâu non. Trưởng thành đẻ trứng trong đường hầm, tạo đường lỗ đục trong thân cây keo, sau khi trứng nở thành sâu non ăn các sợi nấm có sẵn trong đường hầm để sinh sống. Sợi nấm hại có màu đen trong các đường hầm do mọt đục. Nấm phát triển trong thân cây, làm biến màu gỗ, gây tắc các mạch dẫn làm cây thiếu nước gây nên hiện tượng héo và chết. Khi cây keo non bị mọt đục gây hại sẽ sinh trưởng còi cọc, đối với những cây keo từ 3 - 5 năm tuổi bị mọt gây hại sẽ làm giảm giá trị thương phẩm và kinh tế.

    Trong một năm mọt đục thân cây keo có 7 lứa gây hại, trong đó cao điểm gây hại vào các tháng 7, 8 và tháng 10, 11.

    2. Biện pháp phòng trừ

    * Biện pháp kỹ thuật lâm sinh

    Áp dụng thường xuyên các biện pháp chăm sóc và vệ sinh rừng trong suốt chu kỳ sinh trưởng hàng năm của cây theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành.

     Tiến hành vệ sinh, thu gom những cây đã bị gây hại nặng, không có khả năng hồi phục; hoặc những cây đã bị chết có xuất hiện lỗ mọt trên thân cây đem ra khỏi rừng và tiêu hủy. Dọn sạch thực bì xung quanh gốc cây đường kính từ 1,5 - 2,0 m, tránh làm tổn thương cây và rễ cây.

    Bón thúc phân NPK với liều lượng 200 gram/gốc vào đầu năm thứ 2. Phân được trộn đều phân với đất, lấp đất phủ kín lên trên mỗi rạch, sâu từ 08 - 10 cm, rộng từ 10 - 15 cm, cách gốc cây từ 40 - 50 cm.

    Quản lý và bảo vệ rừng trồng keo không bị tác động của gia súc làm tổn thương cây. Không tận thu và không vận chuyển cây bị hại sang nơi khác tránh lây lan.

    * Biện pháp cơ giới, vật lý

    - Sử dụng bẫy diệt trưởng thành. Dùng bẫy Panel, bẫy phễu (hoặc tự làm bẫy  bằng chai nhựa tái chế) có mồi cồn để bẫy bắt mọt trưởng thành. Khoảng cách 10 m/bẫy và đặt bẫy ở độ cao 1,2 m - 1,4 m, đặt vào buổi sáng, lúc trời không mưa, cứ 10 ngày thay mồi cồn 1 lần. Đặt bẫy vào 2 đợt: Từ tháng 5 đến tháng 8 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

    * Biện pháp sinh học

    - Bảo vệ các loài thiên địch có ích: Không phá các tổ ong, tổ kiến, chim… khi chăm sóc rừng; Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

    - Sử dụng chế phẩm sinh học có nấm, khuẩn: Beauveria bassiana, Bacillus subtilis, Bacillus thuringinensis để phòng trừ vào thời điểm mọt trưởng thành xuất hiện bay ra ngoài nhiều gây hại và đẻ trứng. Nên phun chế phẩm sinh học vào 2 đợt là tháng 5 - 8 và từ tháng 9 - 12, là thời điểm phòng trừ hiệu quả nhất. Sử dụng bình phun tích điện hoặc bình phun tay để phun ướt lên toàn bộ thân cây vào sáng sớm hoặc chiều mát khi trời không có mưa.

    * Sử dụng thuốc trừ sâu hóa học

    Có thể sử dụng các loại thuốc có chứa một trong các hoạt chất như Carbosulfan hoặc Chlorantraniliprole + thiamethoxam có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng (Afudan 20SC; Virtako 40WP…) với nồng độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Liều lượng phun 300 - 400 ml dung dịch/cây đối với cây từ 2 tuổi trở lên.

    Lưu ý:

    - Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.

    - Phun thuốc theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì vỏ thuốc.

    - Khi sử dụng thuốc trừ sâu phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ.

    - Thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch hại trên cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời. 

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái