• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    NHẬN BIẾT BỆNH CHẾT HÉO CÂY KEO VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
    03/12/2020 3:36:00 CH
    Lượt xem: 775

     

    Hình ảnh cây keo bị chết héo ( Ảnh sưu tầm )

                1. Triệu chứng

              Keo bị nhiễm bệnh trên thân, gốc, cành cây sẽ xuất hiện vết loét, thâm hoặc lõm gây xỉ mủ hoặc sùi bọt ở ngoài vỏ, gỗ sẽ bị biến màu, thường có màu nâu đen hoặc xanh đen. Những cây bị bệnh thường có hiện tượng héo lá từ trên ngọn xuống,  cây bị bệnh nặng sẽ héo toàn bộ lá rồi khô dần và chết cả cây.

    2. Nguyên nhân gây bệnh

    Bệnh do nấm Ceratocystis manginecans gây ra. Nấm bệnh xâm nhập vào cây qua các vết thương trên cây (vết chặt tỉa cành, vết thương do côn trùng, vết gãy do gió bão…) đặc biệt vào thời điểm có độ ẩm cao. Bào tử nấm còn tồn tại ngay trong đất đóng bầu, đất ở rừng trồng và ngay từ cây mẹ lấy hom giống. Đây chính là nguồn lây bệnh chính cho cây Keo ở vườn ươm và rừng trồng.

    Ngoài ra khi cây Keo bị thiếu nguyên tố vi lượng Boron dẫn đến lá có màu vàng, lá ngọn bị rụng vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây. Cây sinh trưởng kém và dễ bị bệnh khô héo ngọn do nấm Ceratocystis gây hại.

    3. Biện pháp phòng bệnh

    - Xử lý thực bì thật kỹ trước khi trồng rừng. Trường hợp cho phép có thể xử lý thực bì bằng phương pháp phát đốn dọn toàn diện. Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng, kết hợp bón vôi ngay sau khi đào hố với lượng từ 0,3 - 0,5kg/hố.

    - Tỉa cành vào mùa khô với cây dưới 1 năm tuổi, không chặt tỉa cành vào mùa mưa để hạn chế nấm bệnh xâm nhập gây hại cho cây. Khi tỉa, cắt cành nên sử dụng dụng cụ sắc và tỉa đúng kỹ thuật tránh làm tổn thương đến thân, gốc cây.

    - Quá trình chăm sóc, vệ sinh rừng trồng cần hạn chế tổn thương đến thân, cành, rễ của cây nhất là đối với cây có độ tuổi từ 1 - 3 tuổi.

    - Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại ít nhất 1 lần/tháng để sớm phát hiện bệnh và phòng trừ kịp thời. Bảo vệ rừng trồng khỏi phá hoại của gia súc và lưu ý phòng trừ sâu bệnh hại cây Keo, đặc biệt các loài sâu đục thân, cành.

    - Đối với diện tích trồng Keo nhiều luân kỳ, có biểu hiện giảm năng xuất cần bón bổ sung thêm phân vi lượng Boron (Bo).

    - Lựa chọn những giống tiến bộ mới có khả năng kháng bệnh như: Keo lai BV10, BV16, TB12…

    - Nên luân canh giữa các luân kỳ, trồng các loài cây khác nhau theo lô.

    4. Biện pháp xử lý khi rừng bị bệnh

              Đối với diện tích Keo bị nhiễm bệnh với mức độ ít thì tiến hành chặt bỏ những cây bị bệnh, tiêu hủy để tránh lây bệnh cho những cây khác. Có thể sử dụng các loại thuốc hóa học như: Ridomid Gold 68WG, Carbenzim 500FL, Ao’Yo 300SC, Lanomyl 680WP để phun phòng trừ theo liều lượng trên bao bì.

              Đối với diện tích Keo bị nhiễm bệnh trên 50% thì cần thanh lý, chặt bỏ toàn bộ diện tích.

             Với những diện tích Keo sắp đến tuổi khai thác bị bệnh nặng cần tổ chức khai thác sớm, đồng thời tiêu hủy tàn dư của cây bệnh để hạn chế nguồn lây lan.

              Trước khi trồng lại rừng cần xử lý thực bì thật kỹ bằng vôi bột, loại bỏ gốc cũ. Có thể đốt dọn toàn bộ diện tích trong điều kiện cho phép và luân canh loài cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

     

    KS Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Yên Bái