• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Sâu xám hại vườn ươm và biện pháp phòng trừ
    05/06/2023 7:58:00 SA
    Lượt xem: 881

    Sâu xám là một trong những loài sâu hại chính của cây con trong vườn ươm lâm nghiệp. Ở nước ta thường gặp 3 loài gây hại là: Sâu xám nhỏ, sâu xám lớn và sâu xám vàng trong đó sâu xám nhỏ là loài phá hoại mạnh nhất. Đây là loài đa thực phá hoại nhiều loài cây và thường xuất hiện ở giai đoạn cây con, có thể gây hại trầm trọng nếu không kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

    1. Đặc điểm hình thái

                                           

                                                  Trứng                                Sâu non

                                           

                                                  Nhộng                           Sâu trưởng thành

    - Trứng có hình quả bí đỏ với các đường vân chạy từ trên xuống, dài khoảng 0,5mm và có màu trắng vàng.

    - Sâu noncó màu xám vàng hay nâu sẫm, giữa lưng có đường chỉ vàng chạy dọc, hai bên than có màu vàng sẫm hơn. Trên mỗi đốt bụng mỗi bên có 4 chấm màu nâu nhạt mọc ra một cái lông nhỏ. Sâu non có 6 tuổi

    - Nhộng màu nâu vàng, dài từ 20 - 25mm, mầm cánh dài bằng 2/3 thân. Phía lưng của ngực nhô ra, cuối nhộng có hai gai cong về hai phía.

    - Sâu trưởng thành (Ngài):thân dài 17 - 23mm. Toàn thân xám sẫm hay xám nhạt.Cánh trước dài hẹp màu xám sẫm, cánh sau rộng màu xám trắng. Râu đầu con cái hình sợi chỉ, con đực một nửa hình răng lược kép, một nửa hình sợi chỉ.

    2. Đặc điểm phát sinh gây hại

    Sâu xám nhỏ một năm thường có từ 6 - 7 vòng đời, mỗi vòng đời từ 50-60 ngày.

    Sâu non 1 - 2 tuổi sống tập trung trên lá, gặm lá nham nhở, lỗ chỗ, bên ngoài thường có màng mỏng che chở. Sâu non từ tuổi 3 trở đi sống trong đất, xung quanh gốc cây. Ban đêm thường chui lên cắn ngang thân cây hoặc cành cây rồi rút xuống đất sâu 2 - 3cm để ăn. Đây là giai đoạn có sức phá hoại mạnh nhất, mỗi đêm sâu có thể phá hoại 3 - 4 cây con. Luống ươm bị sâu non phá hoại có hiện tượng mất khoảng lỗ chỗ gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng cây con trong vườn ươm.

    Sâu xám sống nhiều ở nơi đất thịt cát pha. Vườn ươm ít được chăm sóc, nhiều cỏ dại, bón phân tươi thì mật độ sâu xám lớn.

    3. Biện pháp phòng trừ

    - Thường xuyên nhổ cỏ dại, xới đất cho cây con trong vườn ươm.

    - Tháo nước vào ngâm cho chết sâu non, nhộng.

    - Thường xuyên xới xáo để diệt sâu non và nhộng ở trong đất.

    - Bón phân vi sinh hoặc phân hữu cơ ủ hoai.

    - Dọn dẹp vườn ươm, không để hố rác, hố phân trong vườn ươm.

    - Bẫy đèn bắt sâu trưởng thành.

    - Khi xuất hiện sâu hại phải tiến hành bắt sâu vào ban đêm hoặc sáng sớm: Đi theo rãnh luống, quan sát thấy cây con bị kéo tụt xuống đất thì xới đất bắt sâu ở độ sâu 5 - 10 cm quanh gốc cây bị hại.

    - Sâu trưởng thành bị hấp dẫn bởi vị chua ngọt nên có thể làm bẫy bả chua ngọt và bả độc để tiêu diệt, cách làm như sau:

    + Bả chua ngọt: 4 phần dấm + 4 phần đường mật + 1 phần rượu + 1 phần nước (có thể thay bằng nước gạo để chua hoặc khoai lang nấu chín để lên men). Cho mồi vào chậu hoặc nhúng rơm rạ vào mồi nhử để nơi thoáng gió, cách mặt đất 1m để bắt sâu trưởng thành.

    + Bả độc: 2 phần mật mía + 3 phần bỗng rượu (hoặc có thể thay bằng 1 phần khoai lang luộc + 1 phần bã đậu + 1 phần nước). Để hỗn hợp lên men 2-3 ngày sau đó thêm thuốc độc Padan 4G. Cho hỗn hợp bả độc vào chậu sành hoặc thủy tinh để ở vị trí cao khoảng 1,5m, ba ngày đậy lại, ban đêm mở ra, mỗi tuần thay bả độc 1 lần.

    - Sâu non sống dưới đất có thể dùng bả độc: 30kg rau xanh băm nhỏ + thuốc Padan 4G thêm 1 ít nước trộn đều rắc hỗn hợp trên diện tích 360m2.

    - Dùng Padan 4G xử lý đất trước khi gieo trồng.

    - Sử dụng thuốc hoá học để trừ sâu hại như: Padan 95SP, Elincol 12ME, Acprodi 65EC, Hugo 95SP,… sử dụng theo hướng dẫn in trên bao bì.

    Lưu ý: Phun thuốc trừ sâu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ.

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái