• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    THIẾT KẾ LỒNG VÀ LỰA CHỌN VỊ TRÍ NEO LỒNG NUÔI CÁ TRÊN SÔNG, HỒ CHỨA
    11/08/2020 2:38:00 CH
    Lượt xem: 432

    I. THIẾT KẾ LỒNG NUÔI

    1. Khung lồng:

    Khung lồng nuôi cá có thể làm bằng các nguyên liệu sau: Bằng thép mạ kẽm, tre, gỗ. Đối với miền núi có thể tận dụng các nguyên liệu gỗ, tre, hóp có sẵn tại địa phương để giảm chi phí làm lồng. Tùy vào điều kiện kinh tế và quy mô đầu tư của mỗi hộ mà thiết kế khung lồng nuôi cho phù hợp. Với cá Diêu hồng, Rô phi nên thiết kế khung lồng có 6 - 12 ô lồng và dành riêng 1- 2 ô lồng để làm nhà sinh hoạt và kho chứa thức ăn, những ô còn lại dùng để nuôi.

    1.1. Khung lồng bằng thép:

    - Vật liệu:

    Toàn bộ khung lồng làm bằng ống thép Φ34 (hoặc Φ42, Φ49) có mạ lớp kẽm chống rỉ, mỗi cây dài 6m và ống nối Φ34.

    - Thiết kế khung lồng:

    Khung lồng có kích thước 24 x 12m, gồm 2 dãy mỗi dãy 5 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 4,5 x 4m hoặc khung lồng có kích thước 18 x 18m, gồm 3 dãy, mỗi dãy 3 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 5 x 5m. 

    Các ống thép Φ34, mỗi cây có chiều dài 6m được nối thẳng với nhau bằng ống nối Φ34. Toàn bộ các ống thép dọc và ngang được hàn gắn chặt với nhau tạo thành khung lồng.

    1.2. Khung lồng bằng tre:

    - Vật liệu: Khung lồng làm bằng tre đặc, thẳng, mỗi cây dài khoảng 4m đến 5m, liên kết nhau bằng dây thép. Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc.

    - Thiết kế khung lồng: Khung lồng có kích thước 16 x 10m làm thành 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, mỗi ô thước 5 x 4m để mắc lưới lồng. Các cạnh của khung lồng gồm 5 cây tre ghép sát nhau rộng khoảng 0,6m bằng dây thép.

    1.3. Khung lồng bằng gỗ:

    - Vật liệu: Thanh gỗ 5 x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m, ốc 10 dài 20cm.

    - Thiết kế khung lồng: Dùng những loại gỗ có khả năng chịu nước tốt, các thanh gỗ (thanh đà) có kích thước 5 x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m được liên kết với nhau bằng bulon, ốc 10 dài 20cm.

    Khoảng cách giữa các đà 0,4 - 0,5cm để phù hợp với kích thước phao, mặt trên lắp ván gỗ tạo lối đi để thuận tiện trong việc chăm sóc quản lý.

    Khung lồng có kích thước 14 x 10,5m được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, ô kích thước 4,5 x 4m.  

    Sơ đồ thiết kế lồng nuôi cá (Ảnh: St)

    2. Phao nâng lồng:

    Dùng tấm xốp có kích thước 50 x 60 x 90 cm (hiện nay không khuyến khích dùng xốp vì khi hỏng sẽ gây ô nhiễm môi trường), thùng phi sắt hoặc phi nhựa 200 lít.

    Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 - 6 phao, phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép.

    3. Lồng lưới:

    Lồng lưới có dạng hình hộp lập phương hoặc hình chữ nhật có 1 mặt đáy, 4 mặt bên, mặt để hở gọi là miệng lồng.

    Lồng làm bằng lưới polyetylen (PE), cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá lúc thả thường (2a) = 1 - 4cm, trong một vụ nuôi thường ta sử dụng 3 loại mắt lưới: Ban đầu chọn mắt lưới có kích thước (2a) =1cm, kích thước thứ 2: 2a = 2,5 cm, kích thước thứ 3: 2a = 4cm, đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá ghiềm.

    Kích thước lồng được chia làm ba cỡ: 

    + Lồng nhỏ kích thước 4 - 100 m3, độ sâu 1 - 2,5 m

    + Lồng trung bình thể tích 100- 500 m3, độ sâu 2,5 - 5m

    + Lồng lớn thể tích 500 – 1600 m3, độ sâu 5 - 7m

    Thông thường lồng sử dụng để nuôi cá rô phi, cá diêu hồng trên sông và hồ chứa sử dụng lồng có kích thước vừa và nhỏ, thường lồng có kích thước 75 m3  (5 x 5 x 3m), chiều sâu mức nước thả nuôi là 2,5 m, Cũng có thể lồng hình vuông 3x3x3m

    Tất cả các lồng dù thiết kế bằng vật liệu gì trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn không cho thức ăn trôi ra ngoài.

    * Lắp cụm lồng:

    - Đặt các phi song song, khoảng cách các phao bằng khoảng cách lồng lưới.

    - Dùng khung lồng đã hàn sẵn đặt lên phao, gắn phao vào khung lồng bằng dây thép.

    - Khi lắp khung cụm lồng đặt trên bờ sau đó chuyển xuống nước để lắp lồng lưới.

    II. CHỌN VỊ TRÍ NEO LỒNG 

    1. Lồng nuôi trên hồ chứa

    Chọn khu vực hạ lưu hồ chứa, xa bến tập kết gỗ, nứa, đập tràn.

    Chọn nơi thông thoáng, khuất gió, nước sâu hơn 4m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất, lưu thông nước tốt, lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây. Không nên nuôi ở các điểm cuối eo ngách.

    Vị trí đặt lồng cách bờ ít nhất 15 - 20m.

    Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 - 8,5; oxy hoà tan > 5 mg/lít; NH3 nhỏ hơn 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 - 330C.

    Ở hồ chứa mỗi cụm bố trí từ 10 - 15 lồng, các cụm lồng cách nhau từ 200 - 300m, đặt so le nhau. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng nuôi không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng. Cụ thể là 1ha mặt thoáng hồ chứa chỉ được nuôi 1 cụm lồng 20m2. Nuôi nhiều hơn sẽ bị ô nhiễm không tốt.

    Nuôi cá lồng tại hồ chứa (ảnh: St)

    2. Lồng nuôi trên sông

    Chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m.

    Có lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây, không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết, dòng chảy quẩn.

    Môi trường nước phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 - 8,5 (cá nước ngọt tốt nhất là từ 7,0 - 8,0); oxy hoà tan > 5,0 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 - 330C.

    Diện tích lồng chiếm không quá 0,2% diện tích khu vực neo lồng  (Trên một đoạn sông dài 500m rộng 200m chỉ được phép đặt 10 cụm lồng, mỗi cụm có diện tích 20m2).

    Lồng bố trí trên sông thành từng cụm, mỗi cụm 10 - 15 lồng (không quá 20 lồng), khoảng cách giữa các cụm cách nhau từ 200 - 300m bố trí theo hình chữ Z.

    * Lưu ý: Vị trí đặt lồng trên hồ chứa hoặc trên sông phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm./.

     

    Nguyễn Thị Xuân - Trung tâm Khuyến nông Yên Bái