• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Chìa khóa nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp ở Mù Cang Chải
    31/08/2023 2:23:00 CH
    Lượt xem: 3027

    Nhờ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho bà con trên đơn vị diện tích canh tác.

    Áp dụng KHKT vào nuôi gà đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con Mù Cang Chải thoát nghèo.

     

    Gia đình ông Sùng A Khua, bản Đề Sủa, xã Lao Chải hiện đang nuôi hiệu quả hơn 500 con gà xương đen thương phẩm và gà đẻ trứng. Để chăn nuôi gà có hiệu quả, ngoài khu vực chăn thả, ông Khua cũng chia thành từng chuồng nuôi gà xương đen, nuôi gà đẻ trứng theo trọng lượng khác nhau để dễ dàng chăm sóc và phân phối lượng thức ăn phù hợp. 

    Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) do huyện tổ chức nên ông Khua đã đúc rút cho mình nhiều kiến thức về phòng trừ các loại bệnh trong chăm sóc gà. Ông Khua cho biết: "Chuồng nuôi luôn được tôi vệ sinh sạch sẽ, gà được tiêm phòng định kỳ theo lứa tuổi. Tôi cũng trồng thêm các loại cây lương thực để chủ động thêm thức ăn cho gà. Nhờ đó mà lứa gà nào của gia đình tôi cũng khỏe, không mắc dịch bệnh, lớn nhanh, mang về cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm”. 

    Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải là sản phẩm đạt OCOP 3 sao, kết quả đó chính là minh chứng rõ nét khi thành tựu của KHCN được ứng dụng phù hợp vào thực tiễn sản xuất của bà con vùng cao. Toàn huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong nuôi; tập trung chủ yếu ở các xã: Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn…; sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm. 

    Sản phẩm mật ong Mù Cang Chải được đánh giá là thơm ngon, mùi vị, màu sắc khác biệt so với mật ong ở các địa phương khác. Từ một sản phẩm đơn thuần nuôi tự phát, bằng việc áp dụng KHKT, nhân rộng các mô hình cùng với sự tham gia hỗ trợ tích cực của ngành KHCN cùng chính quyền địa phương trong việc chuyển giao các kiến thức, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất đã tạo nên thương hiệu của sản phẩm mật ong Mù Cang Chải.

    Gắn bó với nghề nuôi ong đã lâu, anh Nguyễn Văn Toản, xã Dế Xu Phình nhận định không ở đâu lại có nguồn phấn hoa nhiều, độc đáo và trải dài quanh năm như ở huyện Mù Cang Chải. Chính điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng là yếu tố thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật ở đây phát triển. 

    Nhớ lại những ngày mới nuôi ong, anh Toản cho biết: "Lúc đầu chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền miệng nên đàn ong của gia đình chưa phát triển mạnh. Sau khi tổng hợp kiến thức từ ti vi, internet cùng tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi ong do địa phương, tôi đã áp dụng KHKT vào nuôi ong và thấy rõ hiệu quả mang lại". 

    "Giống ong mà tôi chọn nuôi và gây đàn là ong bản địa của vùng núi Mù Cang Chải. Giống ong này tuy số lượng đàn không đông, sản lượng không nhiều, khâu chăm sóc cầu kỳ hơn nhưng lại cho chất lượng mật rất thơm ngon, chất lượng. Tôi luôn chú trọng đến việc tìm các địa điểm dồi dào nguồn thức ăn, lựa chọn thời điểm tách đàn và chú trọng đến khâu khai thác mật. Theo kinh nghiệm của tôi thì việc ong có khỏe mạnh và cho năng suất cao hay không phần lớn phải dựa vào việc áp dụng KHKT đúng cách và kinh nghiệm chăm sóc” - anh Toản nói. 

    Bám sát nhu cầu từ quy mô nhỏ ở mức độ dành cho hộ gia đình, bản làng cho tới quy mô sản xuất hàng hóa lớn, rõ ràng KHKT cùng với những thành tựu đem lại đã và đang len lỏi vào quá trình lao động sản xuất, thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Có được kết quả đó là do thời gian qua, huyện Mù Cang Chải luôn phối hợp chặt chẽ cùng các ngành liên quan tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức nhiều buổi tập huấn cho nông dân, giúp nông dân áp dụng các kiến thức mới vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. 

    Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 20 lớp tập huấn tại 11 xã cho 800 lượt người tham gia. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt tổ chức 7 lớp cho 280 lượt người; lĩnh vực chăn nuôi và thú y tổ chức 13 lớp cho 520 lượt người tham gia. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật sản xuất ngoài đồng ruộng cho nhân dân được trên 4.860 lượt người. 

    Có kiến thức, bà con đã chú trọng chuyển đổi đúng hướng cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp như trồng ngô lai trên đất dốc, trồng rau trái vụ, lê, hồng giòn, trồng cây đào, nuôi ong lấy mật, nuôi gà, chăn nuôi đại gia súc… để nâng cao thu nhập và đời sống. Trong 8 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện đã thực hiện nghiệm thu được 119 cơ sở chăn nuôi, hướng dẫn nhân dân đăng ký được 217 mô hình theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ và hướng dẫn 3 hợp tác xã áp dụng KHKT vào trồng 70 ha lê.

    Tuy nhiên, do tập quán sản xuất ở địa phương vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình chưa được nhiều, trình độ của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng KHKT trên diện rộng. 

    Bởi vậy, ngoài việc khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, huyện Mù Cang Chải cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp nhằm trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao KHCN và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

    Ông Hoàng Văn Hân - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải thông tin: Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng KHCN vào sản xuất - huyện xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. 

    "Là huyện vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, chủ động tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh sản xuất là rất quan trọng. Đồng thời, chúng tôi sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình đã mang lại kết quả cao nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân” - ông Hân cho biết.