• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Đại Lịch nỗ lực phát triển kinh tế bền vững
    08/09/2023 9:41:00 SA
    Lượt xem: 3087

    Đại Lịch (Văn Chấn) hôm nay đã đổi thay tư duy của người dân hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và hiện chỉ còn 5,34%. Bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương thay đổi rõ nét, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

    Chị Lê Thị Lan, thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch thu hoạch thanh long.

     

    Những năm qua, xã Đại Lịch đã linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, định hướng nhân dân trong việc phát triển kinh tế tại địa phương; tích cực huy động các nguồn lực, hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật và con giống để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh… hướng tới phát triển kinh tế bền vững. 

    Gia đình chị Lê Thị Lan, thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch với mô hình tổng hợp trồng cây ăn quả, đồi rừng đã cho thu nhập ổn định, bền vững và chăm lo cho các con ăn học chu đáo. Trong những năm qua, gia đình chị cũng như nhiều hộ trong thôn, xã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cộng với sự nhanh nhạy của bản thân, chị đã trồng đan xen nhiều loại cây ăn quả nên cho thu hoạch quanh năm. 

    Chị Lan chia sẻ: "Gia đình tôi trồng thanh long, vải, cam quýt. Đây là những loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Hàng năm, thanh long cho thu hoạch đều đặn từ tháng 5 đến tháng 11; cam quýt cho thu hoạch từ tháng 10 cho tới hết năm… Cộng thêm với đồi rừng hơn 4 ha nữa nên lúc nào gia đình tôi cũng có thu nhập thường xuyên”. 

    Gia đình ông Hà Định Huấn ở thôn Khe Đồng vừa được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh để phát triển chăn nuôi gia súc. Ông Huấn chia sẻ: "Gia đình tôi được hỗ trợ 30 triệu đồng. Sự hỗ trợ này rất có ý nghĩa đối với gia đình để nâng cấp chuồng trại, mua thêm con giống. Chúng tôi lựa chọn chăn nuôi trâu, bò vì thấy đồng đất phù hợp, rộng rãi để chăn thả tự nhiên kết hợp với trồng cỏ. Hiện tại, tôi duy trì đàn trâu, bò trên 10 con và từ chăn nuôi trâu, bò đã giúp kinh tế gia đình tôi ổn định”. 

    Cùng với chăn nuôi, ông Huấn còn trồng 5 ha rừng và liên doanh với lâm trường 5 ha, chủ yếu ông trồng keo, bồ đề lấy gỗ, trồng quế, cam. 

    Ông Huấn cho biết thêm: "Năm ngoái, 400 gốc cam nhà tôi cho thu nhập đầu tiên được 30 triệu đồng; dự tính năm nay sản lượng ổn định sẽ cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Còn về trồng rừng thì 7 năm mới được thu hoạch và cứ 1 ha cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng”. 

    Có thể nhận thấy, người dân ở Đại Lịch hiện đã rất nhanh nhạy phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập từ nhiều nguồn cả ngắn hạn và dài hạn, tạo nên sự bền vững trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương và mô hình của ông Huấn, chị Lan chỉ là một trong số các mô hình kinh tế điển hình. 

    Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã tích cực chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đúng hướng, sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng giá trị sản phẩm; tiếp cận các nguồn vốn từ của tỉnh, huyện như: Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh; các chương trình hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế: mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/mô hình/trên năm; xây dựng vùng lúa thâm canh chất lượng cao, cho năng suất luôn ổn định từ 60 tạ/ha/vụ trở lên; vùng thâm canh chè cho năng suất đạt trên 10 tấn/ha/năm. 

    Các mô hình cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị như thanh long, bưởi, hồng xiêm… đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 47,6 triệu đồng/người. 

    Đồng chí Lò Kim Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lịch chia sẻ: xã huy động các nguồn lực, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các cây, con giống mới. Đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình. Xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất. 

    Trên cơ sở rà soát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhờ vậy, nhiều hộ đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. 

    Cùng đó, xã tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, đề án, giúp người dân có vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế, đầu tư mở rộng quy mô các mô hình kinh tế. Tiếp tục vận động người dân cải tạo vùng chè để gia tăng vùng nguyên liệu đảm bảo sản lượng, chất lượng nguyên liệu; từ đó, xây dựng và duy trì phẩm chè OCCOP của xã...

      

    Báo Yên Bái