• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    GIỮA ĐẠI DỊCH, NÔNG DÂN ĐẤT QUẾ VẪN THU TIỀN TỈ
    16/11/2021 8:27:00 SA
    Lượt xem: 4973

     

    “Mọi người nghĩ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giá quế sẽ giảm, nhưng quế năm nay còn được giá hơn mọi năm, không có để bán nữa nhé!” - anh Bàn Văn Minh ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên hào hứng. Dịch Covid-19 làm xáo trộn chuyện làm ăn khiến bao người lao đao, nhưng anh Minh vẫn “ấm” vì thu tới hơn 1 tỷ đồng từ quế...

    Gia đình anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp thu hoạch quế.

    Những ngày này, gia đình anh Bàn Văn Minh ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp - một trong những hộ gia đình có tới 60 ha quế, lớn nhất nhì Tân Hợp đang tập trung thu hoạch, bóc tỉa quế. Mặc dù Covid - 19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhưng anh Minh cho biết giá các sản phẩm về quế năm nay vẫn rất ổn định, thậm chí một số mặt hàng như quế khô thành phẩm chất lượng cao giá lên tới 98.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm từ 2-3 giá. 

     Không tập trung khai thác như mọi năm, trong vụ gia đình anh chỉ bóc tỉa và bán lá quế cũng thu hơn 10 triệu đồng/ngày, có ngày anh thuê đến 20 lao động chăm sóc, thu hoạch quế với mức tiền công thấp nhất 250.000 đồng/người/ngày. Dự kiến, vụ quế năm nay gia đình anh thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng.

    Anh Minh cho biết: "Mọi người nghĩ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giá quế sẽ giảm, nhưng quế năm nay còn được giá hơn mọi năm, không có để bán nữa”.

    Những năm qua, nhờ giá các sản phẩm từ quế luôn giữ ở mức ổn định, người dân xã Tân Hợp có niềm tin vào cây quế, phong trào trồng quế đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các thôn bản. Riêng ở thôn Làng Câu, 100% hộ dân đều trồng quế, Làng Câu cũng có nhiều tỷ phú nhờ trồng quế nhất ở Tân Hợp. 

    Ông Bàn Văn Định là một người khuyết tật nhưng gia đình ông làm giầu cũng nhờ trồng quế. Không đầu hàng trước bệnh tật, ông Định lấy lao động là niềm vui trong cuộc sống, cùng vợ con mỗi năm trồng vài trăm cây quế. 

    Đến nay, gia đình ông đã có gần 10 ha, trong đó 7 ha đang cho thu hoạch, mỗi năm chỉ bán tỉa ông cũng thu về 200 triệu đồng. Được biết, xã Tân Hợp có trên 3.000 ha quế với gần 1.300 hộ dân trồng quế. 

    Theo thống kê, có tới 80% số hộ trong tổng số gần 1.300 hộ trồng quế tại xã Tân Hợp trở nên giàu có. Trong đó, riêng thôn Làng Câu có gần 1.000 ha quế, toàn thôn có trên 80% số hộ xây được nhà đẹp, kiên cố trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Cây quế đã thực sự là cây giúp người dân nơi đây đổi đời, với thu nhập khoảng 50 tỷ đồng một năm. 

    Để cây quế phát triển và thuận lợi trong việc tiêu thụ, xã Tân Hợp đã thành lập hợp tác xã với hàng chục thành viên tham gia. Từ cây quế làm tiền đề, xã Tân Hợp phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cán đích đạt chuẩn nông thôn mới. 

    Ông Triệu Đình Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ cây quế nhiều hộ dân của xã Tân Hợp đã xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đời sống kinh tế của nhân dân từng bước được nâng cao, đây là tiền đề quan trọng để xã Tân Hợp hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao”. 

    Văn Yên có gần 50.000 ha quế, mỗi năm huyện xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế 51.000m3/năm. Quế đã trở thành cây làm giàu cho nhân dân Văn Yên với doanh thu mỗi năm trên 600 tỷ đồng. 

    Để thực hiện mục tiêu hướng tới hình thức sản xuất hữu cơ và chế biến sâu, huyện đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất, chế biến quế thành phẩm và tinh dầu tại địa bàn. 

     Hiện nay, ngoài 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế, toàn huyện có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 hợp tác xã chế biến gỗ quế và hàng nghìn hộ tư nhân chuyên thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế. 

    Để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm quế sạch, huyện Văn Yên tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư có năng lực; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm quế Văn Yên trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; chú trọng phát triển giá trị thương hiệu quế, có các chính sách riêng để hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. 

     

    Báo Yên Bái