Tận dụng đất soi bãi, đất trống, gia đình có thêm một khoản thu mỗi năm mà hầu như không phải tốn công đầu tư, chăm sóc. Theo tính toán, từ 30 gốc dâu, mỗi vụ có thể thu về bình quân 15 - 20 triệu đồng.
Năm nay, hộ bà Nguyễn Thị Hồng Tưởng được mùa dâu. |
6 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Hồng Tưởng ở thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái nhờ hai người em gái đi hái hộ dâu. Độ này dâu quả đang chín rộ nên bà bảo phải đi sớm để tranh thủ lúc trời còn râm mát rồi nghỉ trưa để chiều lại đi tiếp. Vào thời điểm dâu chín rộ, mỗi ngày tập trung hái trong khoảng 6 giờ đồng hồ, 3 chị em bà Tưởng thu được từ 40 - 50 kg quả. Thường thì hái đến đâu là có người đặt mua và lấy ngay đến đó, thậm chí có ngày hái không đủ bán theo nhu cầu của khách hàng.
Bà Tưởng nói: "Năm nay, dâu nhà tôi được mùa lắm nên cũng thấy vui. Năm nay cũng là được mùa nhất từ khi cây dâu nhà tôi cho thu quả trong quãng thời gian 5 năm gần đây”. Gần 30 gốc dâu từ 4 - 5 tuổi này, bà Tưởng đã tận dụng đất soi bãi để trồng, vụ này sai trĩu quả. Những chùm dâu đan xen nhau, ken kít nhau, có quả non, quả xanh, quả ương, có quả chín, quả chín tịm…
Cây dâu trồng trên đất soi bãi, đất pha cát thường cho quả sai hơn dù quả có nhỏ hơn so với cây dâu trồng ở đất vườn. Quả dâu trồng ở đất soi bãi cũng cho vị đậm hơn, nếu để chín tịm cả quả thì ăn sẽ ngọt hơn.
Bà Tưởng chia sẻ, quả dâu mùa hè được nhiều bà nội trợ lựa chọn về ngâm đường, làm siro dâu là thứ nước uống mát lành và an toàn, giá cả cũng phải chăng. Như hiện tại vụ này, mỗi cân dâu quả, bà bán giá 30.000 đồng. Có người đến tận vườn mua, có người đặt ship đến nhà. Nếu đặt mua và mang đến nhà thì mỗi cân dâu sẽ trả thêm từ 5.000 - 10.000 đồng tiền ship, nếu mua từ 5 kg trở lên thì sẽ được miễn tiền ship. Việc bán hàng bây giờ cũng trở nên rất tiện lợi và nhanh chóng, các em bà đều sử dụng Zalo, Facebook… để bán hàng giúp bà.
Bà Tưởng là công nhân đường sắt đã nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống thường ngày nơi thôn quê, thấy em gái trồng dâu bán được nên bà đã xin giống về trồng. Cây dâu trồng không khó, bà cũng tận dụng những chỗ đất còn trống để trồng.
"Nói thì không biết có ai tin không chứ tôi quanh năm ngày tháng không biết bón phân cho cây dâu bao giờ. Mà cũng không biết có phải cây dâu phù hợp với đồng đất nơi đây hay không nên cứ lên xanh tốt, chỉ sau 1 năm trồng là đã cho thu hoạch quả. Tôi thậm chí còn chưa từng đốn cây lần nào từ khi trồng đến nay. Nhưng như các em bảo thì có thể năm nay tôi sẽ xem xét đốn cây để năm sau cây trẻ hơn, non hơn, dễ hái hơn vì không phải trèo cây nữa”, bà Tưởng cho biết.
Chăm sóc cây dâu từ khi trồng đến nay, bà Tưởng thường tủ gốc dâu bằng thân cây ngô tươi cho sạch cỏ, là nguồn phân xanh tự nhiên lại không hề tốn kém vì tận dụng phụ phẩm nông nghiệp gia đình sẵn có sau mỗi vụ trồng ngô. Gần 30 gốc cây dâu 4 - 5 tuổi, chưa năm nào bị mất mùa nhưng như bà Tưởng cho biết thì năm nay dâu nhà bà là được mùa nhất so với mọi năm.
Dâu cho hái quả từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 Dương lịch hàng năm, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 20 - 30 ngày tùy theo lượng quả mỗi năm. Theo tính toán của bà, mỗi vụ chỉ mất công hái quả nên có thể thu về bình quân 15 - 20 triệu đồng từ 30 gốc dâu. Số tiền có thể không lớn, nhưng nếu tính ở khía cạnh tận dụng đất soi bãi, đất trống thì gia đình cũng có thêm một khoản thu mỗi năm mà hầu như không phải tốn công đầu tư, chăm sóc.
Không còn đất để trồng thêm dâu nên bà Tưởng cũng chỉ duy trì những gốc dâu như hiện có. Bà luôn mong sao mưa thuận gió hòa để năm nào cây dâu cũng được mùa, bán được giá là mình có thêm đồng tiền và khách hàng có một thức uống mùa hè yêu thích, bổ dưỡng, an toàn.
Báo Yên Bái