Với mục tiêu tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân, tận dụng diện tích đất trống dưới tán quế, thời gian qua, huyện Văn Yên đã triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế cho một số xã vùng quế, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà dưới tán quế của ông Trần Trọng Biên, thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên. |
Tháng 5/2021, anh Hoàng Văn Đạt, thôn Giàn Giàu, xã Mỏ Vàng được Dự án hỗ trợ 100 con gà ri lai để triển khai mô hình nuôi gà dưới tán quế. Sẵn có diện tích quế rộng, được cán bộ Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, được hỗ trợ thuốc thú y, anh Đạt đã làm chuồng trại nuôi gà dưới tán quế. Sau 4 tháng nuôi, trừ chi phí anh thu lãi gần 1,5 triệu đồng.
Anh Đạt cho biết: "Tận dụng diện tích nuôi dưới tán quế, thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí chăn nuôi thấp, chất lượng thịt ngon và đầu ra tương đối dễ. Lứa gà thứ 2 tôi vừa bán vào dịp tết nên cũng có thêm chút thu nhập cho gia đình tiêu tết và mở rộng quy mô nuôi lứa gà thứ ba khoảng hơn 300 con. Trước mắt, đầu ra tương đối ổn định và dự tính sau lứa gà thứ 3 này, thời tiết ấm áp trở lại tôi sẽ mở rộng quy mô lên khoảng 500 con/lứa; đồng thời, vận động các hộ trong thôn, trong xã cùng nuôi và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lâu dài, bền vững”.
Từ mô hình thử nghiệm thành công của anh Đạt, xã Mỏ Vàng vận động các hộ nhân rộng mô hình nhằm tận dụng diện tích dưới tán quế để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập. Ông Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi gà dưới tán quế, xã đã chỉ đạo thành lập các nhóm hộ, tổ hợp chăn nuôi gà để hỗ trợ nhau về con giống, kiến thức khoa học, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm giúp các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển kinh tế”.
Với mục tiêu nhân rộng mô hình chăn nuôi gà ri lai dưới tán quế theo hướng bán chăn thả để phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo ra sản phẩm chăn nuôi theo hướng đặc sản, giúp người dân vùng quế nâng cao thu nhập, tháng 5/2021, huyện Văn Yên triển khai Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà dưới tán quế và lựa chọn 10 mô hình chăn nuôi ở 10 xã vùng quế gồm: Châu Quế Hạ, Đại Sơn, Nà Hẩu, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Ái, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Tân Hợp để triển khai. Mỗi hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 100 con gà giống, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.
Để Dự án được triển khai hiệu quả, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Dự án; phân công từng cán bộ phụ trách các mô hình và hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc, nuôi dưỡng; theo dõi sát sao mô hình từ khi triển khai, quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi để đảm bảo việc thực hiện mô hình có chất lượng, hiệu quả.
Sau 4 tháng nuôi, giống gà ri lai dưới tán quế với 10 hộ chăn nuôi đạt kết quả cao; gà thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên; tỷ lệ sống cao trung bình đạt trên 94%, trọng lượng trung bình đạt 1,55kg/con; tổng lãi của 10 mô hình đạt trên 23 triệu đồng.
Gà được nuôi theo hướng bán chăn thả, thức ăn chủ yếu là sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương và tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe con người.
Thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi gà ri lai dưới tán quế tại 10 hộ, đã tạo ra được các mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học điển hình, phù hợp với điều kiện tự nhiên của các xã vùng quế.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: "Quá trình thử nghiệm lứa đầu tiên, chúng tôi đánh giá đây là mô hình khá hiệu quả bởi chi phí thấp, người dân tận dụng được diện tích nuôi dưới tán quế để phát triển chăn nuôi theo hướng đặc sản, tạo thêm thu nhập và là hướng đi có nhiều tiềm năng ở huyện Văn Yên. Do vậy, để nhân rộng mô hình, đơn vị sẽ tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương thành lập tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu, có giải pháp tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần thúc đẩy chăn nuôi”.
Báo Yên Bái