Ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới của Yên Bái đều quan tâm đến các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.
Yên Bái đang mở rộng vùng trồng dược liệu.
Nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đến nay HTX Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang duy trì trồng 5ha cây dược liệu các loại như hà thủ ô, đương quy, kim ngân hoa... Sản phẩm làm ra đến đâu được thu hái, sơ chế và xuất bán ngay đến đó, duy trì sự ổn định cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
Ông Sầm Văn Nưa, Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: "Chúng tôi tập huấn cho tất cả cán bộ công nhân viên từ vấn đề chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, toàn bộ bằng thủ công chứ không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. HTX cũng đã liên kết với một số các công ty dược trong tỉnh, ngoài tỉnh để xuất hàng".
Công ty Cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên hiện đang là chủ sở hữu 5 sản phẩm chăm sóc sức khỏe được công nhận OCOP, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Công ty đã chủ động đổi mới công nghệ, đưa vào vận hành hệ thống máy móc ở tất cả các khâu như tinh chất, cô đặc, đóng chai...
Một vườn cây kim ngân hoa của nông dân Yên Bái.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty cũng liên kết với các hộ dân, từ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái từng loại dược liệu đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp mở rộng quy mô trồng cây dược liệu, ổn định thu nhập gia đình.
Bà Hà Thị Hoa, thôn Trung Tâm, xã Đại Phác, huyện Văn Yên chia sẻ: "Những năm gần đây khoa học kỹ thuật phát triển, các công ty thu mua để chiết xuất thành các loại tinh dầu".
Bà Trần Thị Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên cho biết: "Công ty lựa chọn các sản phẩm chủ đạo để sản xuất bởi vì chúng tôi dựa trên thế mạnh về thổ nhưỡng, chất đất của vùng Yên Bái và Văn Yên. Các cây nguyên liệu này phát triển rất tốt và hàm lượng của sản phẩm tăng rất tốt".
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị như: giảo cổ lam, thổ phục linh, trà hoa vàng, khôi tía, sơn tra, thảo quả, quế... Trong việc tái cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh định hướng phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng. Trong đó ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu là: quế, sơn tra, thảo quả, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi…
Tiến sỹ Trần Trung Kiên, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên nhận định: "Tỉnh Yên Bái là địa phương có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Đặc biệt trong 200 loài thực vật dược liệu trong sách Đỏ Việt Nam thì tỉnh Yên Bái có gần 100 loài. Bởi thế tỉnh Yên Bái không những có tiềm năng dược liệu phong phú mà còn là dược liệu quý hiếm, có tiềm năng phát triển trồng trọt, sản xuất các cây dược liệu quý hiếm này".
Đến nay, ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới Yên Bái đều quan tâm đến các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.
Cây dược liệu được chế biến thành các dược phẩm.
Ông Trần Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông Y tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngoài triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học điều tra, khảo sát, đánh giá các cây thuốc, bài thuốc của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã triển khai các hội thảo khoa học kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, kết nối thị trường cho các sản phẩm và chúng tôi đã xây dựng được 3 chuỗi giá trị cây thuốc Nam, đó là chuỗi cho cây lá gan ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, chuỗi cây lá khôi ở huyện Yên Bình và chuỗi cây cà gai leo ở huyện Văn Yên...".
Dù mới có những kết quả bước đầu nhưng khi cây dược liệu được quan tâm mở rộng ở Yên Bái sẽ giúp người dân địa phương từng bước xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý ở địa phương.
Báo Yên Bái