• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Yên Bái đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
    10/01/2024 10:18:00 SA
    Lượt xem: 2138

    Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bắt nhịp xu thế chung, tỉnh Yên Bái đã chú trọng phát triển NNHC, không ngừng đưa nông sản địa phương khẳng định vị thế, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế.

    Người dân xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên chăm sóc quế hữu cơ.

     

    Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã tập trung nghiên cứu, nắm bắt tình hình và kịp thời tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung liên quan đến Đề án lồng ghép vào các đề án, chương trình. 

    Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển NNHC tại địa phương, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII, tại Kỳ họp thứ 20 đã ban hành Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Kinh phí bố trí từ nguồn vốn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách tỉnh, ngoài ra huy động từ nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã, nguồn vốn của gia đình cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

    Tính đến thời điểm ngày 18/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã chứng nhận hữu cơ đối với 2 sản phẩm là chè và quế. Yên Bái đã có 8.037,76 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn EU, USDA... Diện tích quế trồng theo hướng hữu cơ đạt 10.045 ha ở 3 huyện là Văn Chấn 346 ha, Trấn Yên 2.403 ha, Văn Yên 7.296 ha. 

    Ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, năm 2023 có trên 1.768 ha quế sản xuất theo phương pháp hữu cơ so với tổng số trên 2.600 ha quế của xã, trong đó sản xuất theo chuỗi quế hữu cơ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 1.016 ha. Cây quế hữu cơ đã ngày càng chứng tỏ hiệu quả và giá trị mang lại cho cuộc sống của người dân nơi đây, chưa kể còn thiết thực bảo vệ môi trường, giúp đất không bị bạc màu. 

    Đồng chí Doãn Hải Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: "Cây quế sản xuất theo phương pháp hữu cơ có giá bán bình quân cao hơn quế thường khoảng 2.000 đồng/kg. Thấy rõ hiệu quả thực tế, người dân đã dần chuyển diện tích quế sang trồng theo phương pháp hữu cơ. Địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất quế hữu cơ theo Nghị quyết số 69, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân”. 

    Đối với sản phẩm chè, diện tích sản xuất chè hữu cơ tập trung là 1.200 ha, ở huyện Văn Chấn 1.000 ha, Trạm Tấu 200 ha với sản lượng 2.000 tấn/năm. Diện tích chè được chứng nhận hữu cơ hiện tại có 311,7 ha, tập trung tại các xã Suối Giàng, Suối Bu của huyện Văn Chấn. Kết quả thực hiện giai đoạn 2020 - 2023, nhóm các Dự án phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị đã thực hiện 7 dự án, kinh phí đã giải ngân hỗ trợ là 2,302 tỷ đồng; kinh phí tiếp tục bố trí hỗ trợ theo kế hoạch năm 2024 - 2025 là 3,455 tỷ đồng.

    Cùng các chủ trương, chính sách và hỗ trợ phát triển vùng chè, vùng quế hữu cơ, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc sản, hữu cơ như hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân phát triển cơ sở chăn nuôi và hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển chăn nuôi trâu, bò theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh. 

    Để sản xuất NNHC phát triển hiệu quả, đạt giá trị cao và bền vững, có những vấn đề tỉnh Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục quan tâm thực hiện. Đó là ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ sản phẩm hữu cơ của các địa phương tham gia các chuỗi cung ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ và xây dựng chính sách riêng trong hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cho các cơ sở. Cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Nhà nước cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng để sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, người lao động trực tiếp và tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ. 

    Sản xuất NNHC phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch, công bằng, bình đẳng trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững. Nâng cao uy tín cho sản phẩm hữu cơ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng, phải đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, ngăn chặn hàng giả... Đồng thời, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân thật sự nhiệt huyết, có tiềm lực, có thị trường tiêu thụ ổn định và sản phẩm hữu cơ sản xuất có định hướng, có tiêu chuẩn, mẫu mã phù hợp với thị trường và người tiêu dùng ở nhiều cấp độ, địa phương, quốc tế. 

      

    Báo Yên Bái