Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2023 đã bắt đầu, cũng như nhiều vùng chè khác trong tỉnh, người dân xã Bảo Hưng đã chuẩn bị đầu tư, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và bắt đầu thu hái lứa chè xuân đầu tiên hứa hẹn một vụ chè bội thu.
Người dân Bảo Hưng thu hái chè Bát Tiên.
Dẫu diện tích chè không nhiều, nhưng bằng những cách làm và hướng đi riêng của mình cây chè ở Bảo Hưng đã thực sự trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập cao. Để hiểu rõ hơn nghề làm chè ở đây, chúng tôi về Bảo Hưng để được nghe, được xem người dân làm chè. Toàn xã có trên 150 ha, với trên 300 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè.
Điều dễ nhận thấy nhất là người dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà bón phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học. Không chỉ có vậy mà trong thu hái hoàn toàn thủ công "một tôm hai lá, một cá hai chừa” và rất hiếm khi thu hái máy.
Thực tế cho thấy, cách làm, chăm sóc thu hái hoàn toàn khác trước đây, diện tích chè già cỗi đã được trồng thay thế bằng giống chè lai LDP1, LDP2 và giống chè nhập nội Bát Tiên cho năng suất, chất lượng cao phù hợp chế biến chè xanh đặc sản.
Là xã nằm ven thành phố Yên Bái nhưng Bảo Hưng vốn là một xã thuần nông nên xác định chè vẫn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Không phát triển theo phong trào, xã đã xây dựng cả nghị quyết chuyên đề về trồng, cải tạo, chế biến sản phẩm chè rất cụ thể và giao tới các chi bộ, tổ, thôn, xóm để triển khai.
Bên cạnh cải tạo giống chè, xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn ở huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, kiến thiết cơ bản, chăm sóc, chế biến theo quy trình chè sạch, chè an toàn, chè VietGAP. Toàn bộ diện tích chè được thực hiện theo quy trình VietGAP, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Giá chè búp tươi ở Bảo Hưng luôn bán với giá cao gấp đôi, gấp ba giá chè nơi khác.
Gia đình bà Ngô Thị Thu ở thôn Ngòi Đong trồng 3.600 m2 chè bằng giống chè Bát Tiên, trong sản xuất áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất chè sạch. Gia đình tự thu hái, chế biến thủ công tạo sản phẩm chè sạch bán nội tiêu, mỗi tháng cho thu nhập ổn định 10 triệu đồng.
Chị Vũ Thị Thanh ở thôn Trực Thanh đang thu hái lứa chè xuân dừng tay nói: "Trước đây, gia đình trồng bằng giống chè trung du sau chè già cỗi, gia đình trồng thay thế 1,3 ha chè bằng giống LDP1 và chè Bát Tiên. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên từ khâu trồng đến chăm sóc đảm bảo, vừa qua còn đầu tư thêm hệ thống nước tưới, thu hái theo đúng phẩm cấp nên chè cho năng suất khá cao, đạt 13 tấn/ha, giá bán hiện tại 12.000 - 15.000 đồng/kg. Bình quân mỗi vụ chè cũng cho thu trên 160 triệu đồng, đấy là bán nguyên liệu tươi, nếu tự chế biến chắc chắn thu nhập còn cao hơn gấp nhiều lần”.
Trong một hai năm trở lại đây, hầu hết sản phẩm chè búp tươi của Bảo Hưng được Hợp tác xã và bà con trong xã tự chế biến chè xanh nội tiêu và xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chè xanh Bát Tiên Bảo Hưng không chỉ đạt chuẩn OCOP 3 sao mà còn là thương hiệu không thể thiếu đối với người nghiền chè trong và ngoài tỉnh. Giá bán bình quân 1 kg chè khô dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg tùy từng loại và từng thời điểm.
Chè xuân như hiện nay giá bán chắc chắn không dưới 200.000 đồng/kg, muốn mua phải đặt trước mới có - Ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh phấn khởi bộc bạch. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng Nguyễn Văn Bảy cho biết: "Đã từ nhiều năm nay, người dân trong xã tập trung phát triển vùng chè sạch, chè chất lượng cao. Hiện đã có trên 40 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay xã đang tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp sản phẩm chè OCOP từ 3 sao lên 4 sao đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho nhân dân”.
Câu chuyện sản xuất chè sạch, chè xanh theo nhu cầu đòi hỏi của thị trường là một hướng đi tốt, mỗi năm đem về cho người làm chè nơi đây gần 15 tỷ đồng - một con số không nhỏ ở xã thuần nông. Từ thực tiễn sản xuất chè xanh chất lượng cao ở Bảo Hưng, thiết nghĩ các xã, các địa phương làm chè trên địa bàn cần nghiên cứu áp dụng vào sản xuất ở địa phương mình.
Báo Yên Bái