• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Văn Yên phát triển vùng dâu tằm
    02/05/2024 3:08:00 CH
    Lượt xem: 3479

    Xác định trồng dâu nuôi tằm là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm, huyện Văn Yên đã xây dựng Đề án trồng dâu nuôi tằm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân và triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật. Huyện đã từng bước khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai để mở rộng diện tích vùng dâu tằm.

    Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra tình hình thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm tại xã Yên Thái. 

     

    Gần chục năm nay, gia đình anh Phạm Văn Cường, thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái dùng toàn bộ 1 mẫu đất nông nghiệp để trồng dâu và nuôi tằm lấy kén trong nhà tằm rộng 100 m2. "Với diện tích trên, mỗi tháng, gia đình anh nuôi 3 lứa tằm và cho thu nhập ổn định trên 20 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, giúp con cái được học hành và chỉnh trang, xây dựng nhà cửa. Đặc biệt, việc trồng dâu, nuôi tằm không chiếm quá nhiều thời gian, mà thu nhập lại cao hơn so với trồng lúa” - anh Phạm Văn Cường cho biết. 

    Cũng gắn bó với cây dâu tằm từ nhiều năm nay, hiện gia đình ông Tô Văn Tú, thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái đã có nguồn thu ổn định từ nghề này. Ông cho biết: "Thực tế cho thấy, nuôi tằm 1 tháng có thể bằng cả năm làm lúa, ngô. Do đó, dù nhiều gia đình trên địa bàn đã từ bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm khi giá kén xuống thấp nhưng gia đình tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Đến nay, gia đình tôi đã tham gia hợp tác xã (HTX), được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định”.

    Được biết, HTX Dâu tằm Xuân Ái đã đi vào hoạt động được gần 5 năm với sự tham gia của 21 hộ gia đình, hiện tại HTX có 20 ha dâu và 28 nhà tằm cho thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/hộ/tháng. Đặc biệt, HTX đã khẳng định được vai trò là đầu mối trung gian kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin yên tâm cho các hộ dân trong sản xuất.

    Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác của người nông dân hoàn toàn tương đồng với vùng dâu Trấn Yên, ngay sau khi được đi tham quan học tập kinh nghiệm, huyện đã xác định rõ phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm là chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hết sức cụ thể để thực hiện. 

    Theo đó quy hoạch và phát triển vùng trồng dâu tập trung gắn với chuỗi giá trị với quy mô đạt 158,5 ha, trong đó: trồng mới diện tích dâu 120 ha; bổ sung cơ cấu giống dâu có năng suất, chất lượng, đồng thời cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng 38,5 ha dâu hiện có; đồng thời, xây dựng 5 nhà tằm tiêu chuẩn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thành lập mới từ trên 10 HTX, tổ hợp tác về trồng dâu nuôi tằm để tham gia các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

    Đến nay, toàn huyện trồng mới 55,472/120 ha, đạt 46,3% kế hoạch, trong đó diện tích cho thu hoạch để nuôi tằm 45,5 ha; diện tích đất đã quy hoạch để trồng mới sau thời điểm tháng 6/2024 là 95,05 ha. Một số xã đã vượt và đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch được giao về diện tích trồng dâu năm 2024 như xã Yên Thái, Xuân Ái, An Thịnh. Đến nay, các hộ dân trên địa bàn huyện đã đăng ký sửa chữa 22 nhà tằm lớn, xây mới 50 nhà, 82 bộ né; đăng ký xây mới 1 nhà nuôi tằm con; 2 nhà tằm tiêu chuẩn và nhiều hạng mục khác để nuôi tằm... theo các hạng mục hỗ trợ của Nghị quyết số 69. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ thành lập 2 HTX, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất tại 3 xã: Yên Thái, Đại Phác và An Thịnh.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm, huyện Văn Yên cũng gặp không ít khó khăn như: diện tích dâu có quy mô còn nhỏ, manh mún, không tập trung; một số hộ trồng dâu chưa chú trọng tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc cây dâu, ít bón phân hữu cơ, cơ bản sử dụng phân hóa học, hạn chế trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh; chưa chủ động nguồn cung ứng giống tằm đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ; giống dâu trồng bằng hom cành còn phụ thuộc vào thời vụ nên một số xã còn chậm tiến độ trồng dâu... 

    Trước thực trạng đó, thời gian tới, huyện Văn Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản triển khai thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm phù hợp với từng địa phương các xã; xác định rõ từng việc, xác định quy hoạch rõ từng vùng, khu vực trồng dâu, thửa ruộng trồng dâu; cụ thể danh sách từng hộ đăng ký trồng dâu, nuôi tằm; thời điểm trồng cụ thể để chủ động giống dâu và vật tư; hoàn thiện các thủ tục thành lập mới HTX dâu tằm để sớm đi vào hoạt động. Tuyên truyền, vận động các hộ trồng dâu tham gia HTX, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, đồng thời đảm bảo điều kiện về diện tích nhằm hoàn thành 3 chuỗi liên kết trong năm 2024 để được hỗ trợ thực hiện dự án theo chuỗi giá trị...

     

      

    Báo Yên Bái