• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Mù Cang Chải biến bất lợi thành lợi thế
    22/02/2024 9:26:00 SA
    Lượt xem: 6072

    Huyện Mù Cang Chải có nhiều khó khăn, bất lợi về địa hình, khí hậu cũng như trình độ sản xuất của nông dân… Để thúc đẩy nông dân phát triển kinh tế, huyện đã có nhiều định hướng sáng tạo, phù hợp, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, biến bất lợi trở thành lợi thế.

    Lê Tai nung là giống cây phù hợp đang được hỗ trợ để phát triển với diện tích trên 80 ha ở Mù Cang Chải.

     

    Năm 2021, huyện Mù Cang Chải ban hành 2 đề án: Đề án Phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án Phát triển vùng dược liệu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện 2 đề án, huyện đã tận dụng nguồn lực từ các chính sách của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia để có cơ chế hỗ trợ nông dân phát triển diện tích theo hướng hàng hóa được kiểm soát về giống, chủng loại, số lượng, chất lượng.

    Đây được coi là bước đi đúng đắn của huyện khi biến khó khăn về địa hình đồi núi cao, khí hậu có nhiều đợt rét đậm, rét hại, sương muối và băng giá để tạo ra các sản phẩm hàng hóa phù hợp, có giá trị, mang tính đặc trưng của địa phương. Hồng giòn không hạt, lê Tai nung là những giống cây ăn quả ôn đới rụng lá vào mùa đông, bật lộc đầu xuân nên có thể tránh được những tác động từ khí hậu khắc nghiệt của địa phương.

    Với cơ sở đó, huyện đã tích cực vận động, hỗ trợ nông dân phát triển các giống cây này. Chị Giàng Thị Ly ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt chia sẻ: "Ở bản mình có một vài hộ đã trồng hồng giòn rồi. Họ trồng cây lên xanh tốt, quả bán được giá lắm (30.000 - 40.000 đồng/kg) mà còn không đủ để bán, nên khi có chính sách hỗ trợ trồng giống hồng này, tôi đăng ký ngay. Tôi đã được hỗ trợ giống và phân bón để trồng 80 cây hồng giòn trên đất trồng ngô của gia đình. Hy vọng rằng, những gốc hồng này sau khi có quả sẽ giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”. 

    Ngoài ra, nhân dân các xã: Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn cũng được hỗ trợ cây giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển 84,1 ha lê Tai nung theo dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ lê Tai nung. Nhờ đó, đến năm 2023, toàn huyện đã phát triển được 434 ha cây ăn quả, tăng 95,5% so với năm 2022; trong đó, có trên 100 ha đã cho sản phẩm, sản lượng đạt 390 tấn/năm. 

    Tương tự, trồng cây dược liệu dưới tán rừng cũng được tuyên truyền, vận động, có cơ chế hỗ trợ để nhân dân mạnh dạn trồng và chăm sóc. Riêng năm 2023, nhân dân trong huyện đã tiến hành trồng mới 201 ha cây dược liệu bao gồm: 86 ha quế, 22 ha sơn tra, 12 ha sa nhân, nâng tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn lên 7.500 ha, sản lượng đạt 6.050 tấn.

    Cũng tận dụng diện tích rừng rộng lớn với nhiều loài hoa đặc trưng: hoa Blong song, đào rừng, sơn tra, thảo quả… huyện Mù Cang Chải đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi ong mật với trên 6.000 đàn ong, sản lượng mật đạt 65 - 80 tấn/năm. Sản phẩm "Mật ong Mù Cang Chải” mang những nét đặc trưng riêng biệt, được thị trường ưa chuộng và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng. Sản phẩm còn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý. 

    Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Khi phát triển kinh tế hàng hóa, huyện gặp nhiều khó khăn từ địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng cho đến trình độ canh tác của nhân dân. Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là tham mưu giúp huyện phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, tích cực hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đồng hành cùng nhân dân mọi lúc, mọi nơi trong quá trình sản xuất. Bên cạnh cây ăn quả ôn đới và dược liệu đã được ban hành đề án, chúng tôi cũng đã định hướng, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đặc trưng sẵn có như: mật ong, gạo Séng cù, gạo nếp Tan, các loại rau màu, hoa hồng… Đây là những mô hình đã phổ biến trong đồng bào, phù hợp với tập quán canh tác nay được hỗ trợ để mở rộng diện tích, nâng tầm và kết nối tiêu thụ”. 

    Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được vùng trồng hoa hồng lên tới 64 ha; vùng trồng rau sạch khoảng 25 ha; 2 vùng sản xuất lúa nếp Tan gồm 150 ha ở xã Cao Phạ, 250 ha ở xã Nậm Có; 1 vùng sản xuất lúa Séng cù (Khao Mang: 190 ha, Cao Phạ: 20ha, Nậm Có: 33ha); 4 mô hình nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi)…

    Những bất lợi, khó khăn nhiều năm kìm kẹp sự phát triển của huyện vùng cao Mù Cang Chải đang dần được khơi thông với những quyết sách, sự chỉ đạo sáng tạo, phù hợp, đúng đắn. Tin rằng, với tinh thần, khí thế ấy, huyện Mù Cang Chải sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.

      

    Báo Yên Bái