• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Phát triển nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà
    05/10/2023 9:47:00 SA
    Lượt xem: 4383

    Ngành chức năng và người dân đang phải triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như duy trì, phát triển nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà.

    Các hộ nuôi cá trên hồ Thác Bà đã triển khai nhiều giải pháp để vượt qua những khó khăn trong mùa nước cạn

     

    Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà thường bị ảnh hưởng bởi mùa nước cạn kéo dài từ đầu năm đến giữa Hè, đặc biệt là năm nay, hồ xuống dưới mực nước chết, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Theo đó, ngành chức năng và người dân ở đây phải triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như duy trì, phát triển nghề nuôi cá.

    Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hà đặt lồng nuôi cá ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm nay, khi mực nước hồ Thác Bà xuống thấp, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá, chị Hà đã quyết định di chuyển 80 lồng cá từ xã Thịnh Hưng về thị trấn Yên Bình, với khoảng cách hơn 10km đường thuỷ. 

    Để thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn và điện sinh hoạt, gia đình chị Hà đã phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng đầu tư đường giao thông cũng như kéo điện lưới từ ngoài bờ ra khu vực lồng bè. "Mức nước thấp quá nên mọi thứ đều rất khó. Nước ít khiến cá chết nhiều, gia đình sốt ruột tìm được hướng là đi lên trên này”, chị Hà giải thích.

    Muốn khôi phục sản xuất và duy trì nguồn thu nhập, gia đình chị Hà cũng chuyển 1/2 số lồng nuôi cá thịt sang nuôi các loại cá giống như cá nheo, cá tầm, cá ngạnh,… phục vụ nhu cầu bổ sung cá giống cho các hộ dân tại địa phương và xuất đi Hải Phòng, Lào Cai… Đến nay gia đình đã cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 con cá giống, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

    "Cá giống vốn bỏ ra không quá nhiều như cá thịt, cá thịt nuôi 2 - 3 năm mới được xuất, đợi lâu quá trong khi gia đình không có nguồn hỗ trợ nào. Mình làm con cá giống có thể gặp khách thì có thể bán lúc 2 tháng, 5 tháng hoặc 7 tháng”, chị Hà cho biết.

    HTX thủy sản Hoàng Kim là một trong những đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình, với 300 lồng nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi… trên hồ Thác Bà; trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Bước vào vụ cá năm nay, HTX đã gặp không ít khó khăn do mực nước hồ xuống quá thấp. 

    Bà Vũ Thị Thu Hương, quản lý sản xuất của HTX Thủy sản Hoàng Kim cho biết, để đảm bảo oxy và môi trường sống cho cá, HTX đã di chuyển tất cả các lồng cá ra vị trí mới, có mực nước từ 20m trở lên. Đồng thời, đưa vào sử dụng hệ thống sục bổ sung oxy, máy bơm tạo dòng nước làm mát cho cá... "HTX phải di chuyển cá từ khu vực nước thấp hơn sang khu vực nước sâu hơn, nhiều nguồn oxy để phục quá trình chăn nuôi được đảm bảo an toàn”, bà Hương chia sẻ.

    Huyện Yên Bình hiện có gần 2.000 lồng nuôi cá của hàng trăm hộ dân. Mục tiêu năm 2023, địa phương phát triển thêm trên 200 lồng, đưa sản lượng khai thác cá đạt 8.400 tấn/năm. Để đạt mục tiêu này, ngành chức năng của huyện Yên Bình khuyến cáo các hộ nuôi cần chủ động theo dõi thời tiết, có các biện pháp đảm bảo môi trường sống cho cá.

     

    Huyện Yên Bình duy trì số lồng cá trên hồ Thác Bà.

     

    Bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, địa phương cũng triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các hộ gia đình nuôi cá lồng, tổ chức thả cá bổ sung cho hồ Thác Bà nhằm tái tạo cân bằng sinh thái.

    "Các DN cũng như các hộ gia đình đã thực hiện các giải pháp kịp thời để phục hồi việc nuôi trồng thủy sản. Các hộ đã tiếp tục thả cá để đảm bảo duy trì số lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà cũng như sản lượng nuôi trồng thủy sản”, bà Hiền thông tin.

    Sau mùa nước cạn kéo dài khoảng 4 tháng, đến thời điểm này, mực nước hồ Thác Bà đã đạt 53,41m, đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để cá nuôi phát triển ổn định sau một thời gian thiếu nước, các hộ dân và DN đã thực hiện bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng cho cá; đồng thời kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nguồn thức ăn để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình nuôi trồng.

     

     

    Báo Yên Bái