• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Lâm Thượng giữ thương hiệu vịt bầu
    18/11/2024 8:06:00 SA
    Lượt xem: 1569

    Vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên từ lâu đã được nhiều người biết đến là đặc sản địa phương, nhất là sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì giá trị và nhu cầu của thị trường về vật nuôi này ngày càng tăng lên. Do vậy, những năm qua, xã Lâm Thượng đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân duy trì và nâng cao thương hiệu đặc sản của địa phương.

    Vịt bầu Lâm Thượng được nuôi thả bên các dòng suối nên chất lượng thịt rất thơm ngon.

     

    Nuôi vịt bầu đã gần 30 năm nay nhưng đến năm 2023, gia đình ông Tăng Viết Dũng, thôn Nặm Chắn mới chuyển sang nuôi thả theo hướng hàng hóa khi giá trị và nhu cầu của thị trường về vật nuôi này được nâng cao. 

    Ông Dũng cho biết: "Vịt bầu Lâm Thượng nuôi thả suối cho chất lượng thịt rất ngon nên tôi tận dụng đoạn suối gần nhà làm nơi chăn thả. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng vịt nên gia đình luôn chú trọng khâu chăm sóc, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch để có được vịt chất lượng, ngon theo đúng thương hiệu từ lâu nay của địa phương”. 

    Theo ông Dũng, hiện nay, đàn vịt của gia đình luôn duy trì từ 50 đến 100 con, trung bình 1 năm nuôi và bán được 4 lứa. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình ông đã xuất bán khoảng 300 con tương đương hơn 600 kg vịt thương phẩm, giá trung bình từ 80.000 - 100.000 nghìn đồng/kg, thu về trên 50 triệu đồng. 

    Cũng như ông Dũng, gia đình chị Hoàng Thị Thanh Nga, thôn Bẻ Chỏi cũng là hộ có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi vịt bản địa. Theo chị Nga, để có được vịt thương phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn bán ra thị trường thì nuôi ít nhất cũng hơn 3 tháng, mỗi giai đoạn phải áp dụng cách chăm sóc khác nhau. Vịt lúc nhỏ thức ăn chính là cám, sau hơn 1 tháng nuôi thì kèm theo chuối băm trộn với cám ngô, đặc biệt là cần có nguồn nước sạch, tự nhiên và chú trọng phòng, chống dịch bệnh định kỳ. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt của gia đình chị Nga phát triển tốt, được thị trường ưa  chuộng. 

    Chị Nga cho biết: "Cạnh nhà mình có dòng suối đầu nguồn nước chảy quanh năm nên việc phát triển chăn nuôi vịt cũng rất thuận lợi, từ nhiều năm nay, nuôi vịt giúp gia đình cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã cho bán ra thị trường được khoảng 300 con cũng cho thu về trên 50 triệu đồng”.

    Vịt bầu Lâm Thượng là giống vịt thuần chủng, chân ngắn, cổ ngắn được nuôi từ nhiều rất nhiều năm trở về trước. Con đực lông cổ màu xanh, cánh xanh, con cái lông màu nâu, trọng lượng tối đa mỗi con từ 1,8 đến khoảng 2,2 kg. Đặc biệt, xã Lâm Thượng có hai dòng suối Luông và suối Nọi bắt nguồn từ những dãy núi cao chảy qua địa bàn, nước bốn mùa trong xanh. 

    Dưới dòng suối các loại thủy sinh như: tôm, cá, cua, ốc, ếch, rêu đá phát triển đa dạng, đây là nguồn thức ăn phổ biến cho vịt, tạo cho giống vịt bầu có chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng. 

    Chính vì vậy, những năm qua, xã Lâm Thượng đã chú trọng gia tăng đàn vịt bầu địa phương cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, xã chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền hướng dẫn các hộ dân tiêm phòng định kỳ để đảm bảo cho vịt phát triển tốt. Song song với đó, xã chú trọng công tác quản lý, kiểm soát việc vận chuyển vịt lạ vào trong xã gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và thương hiệu của vịt địa phương. 

    Ông Hoàng Văn Cói -  Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: "Từ nuôi vịt mà nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập ổn định, góp phần cho công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn xã thành lập được 1 hợp tác xã  dịch vụ chăn nuôi chuyên cung cấp vịt giống, vịt thương phẩm chất lượng”. 

    Thời gian tới, xã Lâm Thượng tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia liên kết chăn nuôi, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật và chú trọng bảo vệ môi trường chăn nuôi; đồng thời, tiếp tục có các giải pháp bảo tồn nguồn giống vịt bản địa, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm vịt đặc sản Lâm Thượng để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.

     

    Qua thống kê, hiện nay, toàn xã Lâm Thượng có trên 900 hộ nuôi vịt quy mô từ 20 con trở lên. Năm 2024, tổng đàn vịt toàn xã có khoảng 18.000 con, mỗi năm các hộ chăn nuôi bán ra thị trường từ 5.000 - 7.000 con, tổng doanh thu đạt trên 1,7 tỷ đồng.  

      

    Theo Báo Yên Bái