• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Chăn nuôi Yên Bái phấn đấu tiếp đà thắng lợi
    01/02/2023 2:43:00 CH
    Lượt xem: 8406

    Năm 2022, giá thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi đã tăng hơn 30% so với năm 2020 nhưng giá nhiều loại sản phẩm lại giảm. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Yên Bái vẫn có mức tăng trưởng khá.

    Mô hình nuôi bò 3B của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

     

    Năm 2022, giá thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi đã tăng hơn 30% so với năm 2020, khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, giá thức ăn tăng, nhưng giá nhiều loại sản phẩm lại giảm. Cụ thể, giá thịt lợn hơi hiện nay khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg; giá trâu, bò giảm hơn 30% xuống còn 70.000 đồng/kg hơi; giá gà công nghiệp có thời điểm giảm xuống 28.000 đồng/kg. 

    Theo ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trước những khó khăn như vậy, ngành chăn nuôi vẫn có mức tăng trưởng khá, thể hiện hoạt động chăn nuôi của tỉnh đang có sự phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cụ thể, tổng đàn gia súc chính ước đạt 760.000 con, đạt 100% kế hoạch năm 2022, đạt 118,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, đàn trâu 108.600 con, bò 36.380 con, lợn 615.020 con; tổng đàn gia cầm ước đạt gần 7 triệu con, đạt 102,9% kế hoạch năm 2022; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt gần 69.000 tấn, đạt 114,9% kế hoạch năm 2022. 

    Trong năm, thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được 2 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm với tổng quy mô chăn nuôi là 116.500 con gia cầm; 854 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa và 30 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, tương đương hỗ trợ 6.650 con lợn thịt, 3.140 con lợn nái, 5.214 con trâu, bò và 3.630 con dê; 346 cơ sở chăn nuôi theo hướng đặc sản, tương đương hỗ trợ 4.760 con lợn thịt nội, 714 con lợn nái nội, 32.400 con gia cầm đặc sản và hỗ trợ  phối giống đạt 4.000 liều cho trâu, bò cái sinh sản, với tổng kinh phí thực hiện là trên 33,7 tỷ đồng. 

    Ông Đàm Duy Đức nhấn mạnh: việc thực hiện Nghị quyết 69 đã hỗ trợ phát triển chăn nuôi, góp phần rất lớn trong việc tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và giá trị ngành chăn nuôi nói riêng. Kịp thời giúp các hộ dân phần nào giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất. 

    Cơ chế hỗ trợ đòi hỏi mức đầu tư không quá cao phù hợp với đa số các hộ trên địa bàn, góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo thêm việc làm thường xuyên cho mỗi dự án từ 1 - 2 lao động các mô hình đã có hiệu quả và nhân rộng như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mô hình chăn nuôi gia cầm có hiệu quả rất tốt.

    Năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu tổng đàn gia súc chính đạt 820.000 con; trong đó, đàn trâu 98.700 con, bò 39.120 con, lợn 682.180 con; tổng đàn gia cầm 7.200.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 67.000 tấn. Để đạt được kết quả trên, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhiệm vụ, kế hoạch được giao; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi và thú y. 

    "Ngành chăn nuôi sẽ thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khả năng phát triển từng vùng để xác định loài vật nuôi phù hợp. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức triển khai, thực hiện chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND”- ông Đàm Duy Đức cho biết. 

    Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, nhất là công tác phòng bệnh; chủ động giám sát dịch bệnh, phát hiện, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây ra diện rộng. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn thực phẩm. 

    Tiếp tục hướng dẫn các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất liên kết, củng cố kết theo chuỗi để đảm bảo sản xuất bền vững. Tăng cường kết nối thị trường trong, ngoài tỉnh, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước đặc biệt là thị trường của các tỉnh, thành phố lớn theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi, Chương trình OCOP. 

    Cùng đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ lựa chọn một số cơ sở chăn nuôi đã áp dụng chăn nuôi theo quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP... để xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng…

      

    Báo Yên Bái