• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hà Tĩnh: Mô hình "Cây bưởi bảo hiểm tự nguyện"
    05/09/2024 1:40:00 CH
    Lượt xem: 979

    Bưởi Phúc Trạch được biết đến là “đệ nhất danh quả” của huyện miền núi Hương Khê, là loại cây ăn quả chủ lực giúp phát triển kinh tế của các hộ dân trên toàn xã Hương Trạch nói riêng và huyện Hương Khê nói chung.

    Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại thì từ năm 2023, cây bưởi Phúc Trạch còn biết đến với hiệu quả xã hội thông qua mô hình "Cây bưởi bảo hiểm tự nguyện" vì cuộc sống ấm no không lo tài chính khi về già.

    Bưởi Phúc Trạch là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh, được vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bưởi Phúc Trạch còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020 và Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản bưởi Phúc Trạch.

    Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có tổng diện tích hơn 2.700ha trồng bưởi Phúc Trạch, năng suất đạt khoảng 21.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và là cây trồng chủ lực của địa phương, nhiều hộ dân nhờ trồng bưởi có thu nhập cao, đời sống khá giả. Đặc biệt, xã Hương Trạch là "thủ phủ" trồng bưởi ở huyện Hương Khê với diện tích hơn 455 ha, hơn 1.000 hộ dân trồng bưởi, trong đó diện tích cho trái là 420ha, là cây trồng chủ lực của xã, năm nay sản lượng bưởi ước đạt 5.460 tấn, mỗi năm cây bưởi cho người dân địa bàn thu nhập trên 50 tỷ đồng. Nguồn thu từ bưởi đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

    Từ việc ổn định cuộc sống và làm giàu từ cây bưởi, đời sống vật chất, tinh thần của người trồng bưởi ngày càng được nâng cao. Phát huy lợi thế để phát triển cây trồng chủ lực, đồng thời nhằm tạo điểm tựa khi về già cho nông dân và góp phần vào an sinh xã hội cho nhân dân. Các hộ dân trồng bưởi tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê đã tham gia mô hình “Cây bưởi bảo hiểm tự nguyện”. Theo đó, người trồng bưởi tham gia mô hình trích một phần thu nhập từ cây bưởi để đóng nộp bảo hiểm tự nguyện giúp người nông dân có lương hưu khi về già.

    Thực hiện mô hình này, các hộ dân trong xã được tham gia câu lạc bộ "Nông dân hướng tới lương hưu" tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch ban đầu với 18 thành viên, đến nay có đến 30 hội viên nông dân tham gia mô hình cây bưởi bảo hiểm tự nguyện. Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình đã tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn người nông dân tham gia nhờ giải pháp thiết thực. Với kết quả này chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình ra các đơn vị thôn khác trên địa bàn toàn xã.

    Tham gia mô hình, ông Phan Xuân Chính ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, cho biết: "Bưởi là cây trồng cho thu nhập chính của gia đình tôi, nhờ cây bưởi gia đình tôi đã mua sắm được các đồ dùng và ổn định cuộc sống, lo cho con cái học hành. Những năm gần đây gia đình tôi đã đầu tư để chăm sóc cây bưởi nên thu nhập từ cây bưởi ngày càng tăng cao. Tuy nhiên con người rồi cũng đến giai đoạn không đủ sức để lao động sản xuất nên khi đang còn trẻ tôi muốn dành dụm để lo khi về già. Được tuyên truyền về mô hình, vợ chồng tôi quyết định dành riêng 2 cây bưởi trong vườn để mua BHXH. Với mức chi đầu tư chăm sóc và thu nhập từ cây bưởi như thời điểm hiện nay thì gia đình tôi chỉ cần 2 đến 3 cây bưởi có thể đóng BHXH mức tối thiểu (hơn 2,7 triệu đồng/năm), sau này về già sẽ đỡ lo về kinh tế hơn và không phải phụ thuộc vào con cái”.

    Ông Phan Xuân Chính tin tưởng đầu tư chăm sóc cây bưởi để phát triển kinh tế gia đình và tham gia mô hình cây bưởi bảo hiểm 

     

    Bà Phạm Thị Thương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch - cho biết: "Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực của xã, những năm gần đây xã đã khuyến khích phát triển diện tích bưởi cũng như hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó còn khuyến khích và hỗ trợ xây dựng thương hiệu bưởi Phúc Trạch của xã đạt chuẩn OCOP được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Từ hiệu quả kinh tế mà cây bưởi Phúc Trạch đưa lại cho người dân trên địa bàn xã, nhằm góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân nhất là khi về già để người dân không phải lo về kinh tế cũng như sức khỏe. Cán bộ và chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện mô hình "Cây bưởi bảo hiểm tự nguyện" để ngày càng nâng cao giá trị cả về kinh tế cả về xã hội của cây đặc sản quý hiếm này".

    Bà Phạm Thị Thương – Chủ tịch hội nông dân xã Hương Trạch hướng dẫn hộ chăm sóc, thu hoạch bưởi và tham gia mô hình cây bưởi bảo hiểm

     

    Mô hình này thực sự thiết thực với đời sống của người dân, là động lực để người trồng bưởi chăm lo đầu tư cho cây bưởi ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa giữ gìn và phát huy tiềm năng lợi thế từ cây trồng chủ lực và hơn thế nữa đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân, tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội phồn thịnh./.

      

    Khuyến nông Quốc gia