• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh tre ngọt lấy măng
    01/11/2022 8:28:00 SA
    Lượt xem: 6070

    Tre ngọt là giống măng tre mềm và trắng, ăn sống rất ngọt, độ đường trong măng cao. Măng ngọt rất to 5 - 7kg, vụ măng kéo dài 10 tháng và chất lượng măng tốt nhất. Măng tre ngọt rất thích hợp bán cho siêu thị và các nhà hàng cao cấp.

    1. Đặc điểm hình thái và công dụng

    a. Đặc điểm hình thái.

    Tre ngọt là một loài tre mọc cụm, thân to, thẳng. Chiều cao từ 16 - 26 m, đường kính 10 - 19 cm, lóng có chiều dài từ 22 - 44 cm, khi non thân khí sinh phủ lông mịn, dẹp màu trắng, dưới vòng mo không có lông. Mỗi đốt có 9 - 10 cành, bao gồm 1 cành chính to và nhiều cành nhỏ. Mùa măng từ tháng 4 đến tháng 9.

    b. Công dụng.

    Măng ăn ngon, thường ăn tươi, làm măng khô. Măng Tre ngọt có hàm lượng chất sơ thấp và hàm lượng dinh dưỡng cao.

    Thân cây Tre ngọt được sử dụng đan lát, làm nhà, hàng rào.

    2. Điều kiện gây trồng

    a. Khí hậu, địa hình

    Cây Tre ngọt thích hợp ở các vùng có khí hậu như sau:

    + Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 160C.

    + Độ ẩm không khí trung bình hàng năm trên 80%

    + Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1400 mm, trong năm có mùa mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10.

    + Độ cao từ 50 đến 1600m so với mực nước biển.

    + Địa hình có độ dốc dưới 400.

    b. Điều kiện về đất đai

    Thích hợp với độ dày tầng đất trên 60 cm, đất ẩm, thoát nước, đặc biệt là đất tốt, ẩm dưới chân đồi; thảm thực bì là cây bụi, cây gỗ, không trồng trên đất ngập úng, đất mặn, đất phèn, đất đã bị đá ong hoá.

    3. Kỹ thuật nhân giống bằng hom gốc cành

    a. Tiêu chuẩn chọn cây mẹ và hom gốc cành làm giống.

    - Chọn cây mẹ sinh trưởng tốt không sâu bệnh, không có hiện tượng khuy.

    - Gốc cành làm giống phải được lấy từ khu rừng giống hoặc các bụi Tre ngọt 3 tuổi  trở lên.

    - Chọn gốc cành làm giống: Gốc cành có mắt ngủ không bị sâu thối, đường kính cành ở nơi tiếp giáp với gốc cành phải đạt từ 1 cm trở lên, cành 3 tháng tuổi trở lên, cành thứ cấp đã đủ lá.

    b. Thời vụ chiết gốc cành

    - Có hai vụ chính là vụ xuân (tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu ( tháng 7 đến tháng 9).

    c .Kỹ thuật chiết và giâm hom gốc cành:

    * Kỹ thuật chiết gốc cành

    - Có hai cách tiến hành chiết gốc cành là ngả cây mẹ và không ngả cây mẹ; còn các bước tiếp theo làm như nhau.

    + Ngả cây mẹ để chiết gốc cành: chỉ chặt 2/3 đường kính cây mẹ, vị trí chặt cách gốc từ 50- 70 cm, vít cây đổ nằm ngang  sao cho 2 hàng cành chìa ra hai bên, tránh làm gãy cây dẫn đến cây chết khô ảnh hưởng tới tỷ lệ sống và ra rễ của cành chiết.

    + Không ngả cây mẹ: Cây mẹ để nguyên, dùng thang để trèo lên và tiến hành chiết gốc cành.

    - Khi chiết không được làm tổn thương tới  gốc cành và chồi ngủ ( mắt cua) ở gốc cành, không chặt ngọn cây mẹ  nhằm duy trì chế độ nước cần thiết cho cây mẹ cũng như cành trong quá trình chiết

    - Độ dài cành của gốc cành chiết khoảng 30 - 40 cm, phần cành còn lại chặt bỏ

    - Cưa 4/5 phần đường kính tiếp giáp gốc cành và thân cây mẹ, hướng cưa từ  phía trên xuống phần còn lại để duy trì mối quan hệ  giữa cành chiết về nước và chất dinh dưỡng với cây mẹ; phía dưới gốc cành cưa mớm sâu 0,1 - 0,2 cm theo hướng vuông góc với thân câyđể khi cành chiết ra rễ bẻ đem giâm được thuận lợi không bị xước.

    - Sau khi cưa cành ta dùng hỗn hợp bùn ao hoặc bùn ruộng với rơm mục theo tỷ lệ 2 bùn 1 rơm theo thể tích bó vào phần gốc cành. Trọng lượng hỗn hợp bầu từ 150 - 200 gam, hỗn hợp phải đủ ẩm. Sau đó ta dùng ni lông có kích thước 12 x 60 cm bọc kín bầu hỗn hợp .

    - Khoảng 30 ngày sau khi chiết gốc cành ta kiểm tra nếu cành đã nhiều rễ có mầu vàng và đã có rễ thứ cấp để giâm tại vườn ươm.

     * Kỹ thuật giâm hom bằng gốc cành

    - Dùng thang bắc vào cây mẹ để trèo lên và cắt hom gốc cành để lại chiều dài 30-45 cm và cắt ngắn các cành thứ cấp, dùng cưa cưa phần tiếp giáp củ cành và thân cây mẹ từ dưới lên với độ sâu từ 0,5-1cm, rồi tiến hành cưa từ trên xuống cho đến khi đứt hết phần tiếp giáp này thì lấy hom gom cành.

    - Xử lý hom gốc cành trước khi giâm: Hom gốc cành đưa về vườn ươm được bóc bỏ hết bẹ mo ở gốc cành và cắt rễ ngắn sát gốc cành. Tiến hành xử lý nấm hom gốc cành cành bằng dung dịch VibenC nồng độ 0,3%.  Sau đó tiến hành ngâm hom gốc cành theo chiều thẳng đứng vào dung dịch thuốc kích ra rễ NAA 100 ppm trong 8 giờ, đặt hom gốc cành sao cho củ cành ngập kín trong dung dịch.

     * Nuôi dưỡng cành giống tại vườn ươm:

    -  Đất dể làm vườn ươm phải là đất thịt nhẹ đến thịt trung bình, không bị úng ngập, độ dốc < 50.

    - Vườn ươm phải đủ ánh sáng, gần nguồn nước tưới, thuận tiện cho việc vận chuyển cây giống

    - Luống ươm: làm luống nổi, kích thước luống rộng 1 - 1,2 m, chiều dài tùy thuộc vào kích thước vườn ươm, có rãnh thoát nước.

    - Giâm gốc cành chiết đã ra rễ và hom gốc cành đã xử lý thuốc kích thích:  Gốc cành chiết hoặc hom gốc cành được giâm thẳng đứng vào bầu ni lông kích thước đường kính 12,7 cm, cao 20 cm. Hỗn hợp ruột bầu bao gồm 10% phân chuồng hoai + 1% phân NPK5:10:3 + tầng đất mặt. Bầu được xếp theo hàng vào luống, cứ 3 hàng bầu thì để trống 1 hàng thể giãn cách; sau khi xếp bầu thì phủ đất xung quanh bằng mặt bầu.

    - Bón thúc phân: Bón thúc hom giâm bằng phân NPK5:10:3 2 lần vào thời điểm sau khi giâm 1 và 3 tháng; lượng bón từ 100 - 200g  hoà vào 5 lít nước tưới cho 1 m2.

    - Tạo dàn che lưới đen cao khoảng 60 cm, độ che sáng từ 60 - 70 %. Thời gian che nắng từ 30 - 40 ngày kể từ lúc giâm cành.  Có thể dùng vật liệu che cho cành giâm bằng rơm rạ, tế guột theo phương pháp phủ trên mặt bầu để giữ ẩm

    - Tưới nước: Tháng đầu 4 - 5 ngày tưới 1 lần lượng nước từ 8 - 10 lít/ m2 mặt luống. Từ tháng thứ 2 trở đi  khoảng 10 - 12 ngày/ 1 lần lượng nước từ 13 - 15 lít/ 1 m2 mặt luống.

     * Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

    - Giống có bầu ni lông nuôi dưỡng ở vườn ươm từ 4 tháng trở lên khi đã có một thế hệ mới ra đã đủ cành lá.

    - Đường kính gốc thế hệ mới ra (thế hệ 1) đạt trên 0,5 cm

    - Giống phải xanh tốt, không bị sâu bệnh hoặc bị khuy.

    4. Kỹ thuật gây trồng

    a. Phương thức và mật độ trồng

    - Trồng thuần loài:

    +  Nếu độ dốc lớn hơn 250 và nhỏ hơn 40: trồng ở 3/4 diện tích tính từ phía chân đồi.

    + Trồng toàn bộ diện tích nếu độ dốc nhỏ hơn 250.

    + Mật độ trồng: 400 khóm/ha (5 x 5 m)

    - Trồng theo đám: Trồng theo đám ở những khu đất trông trong rừng khoanh nuôi hoặc chân đồi, ven sông suối của rừng phòng hộ nhưng không trồng dưới tán rừng. Cự ly trồng 5 x 5 m.

    - Trồng phân tán: Trồng ở trong vườn của các hộ gia đình.

    b. Thời vụ trồng:

    - Trồng vào đầu mùa mưa cho đến trước khi kết thúc mùa mưa 1 tháng, có hai vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (tháng 7 đến tháng 9).

    - Trồng vào những ngày thời tiết râm mát, đất đủ ẩm; không trồng vào lúc trời năng to hoặc mưa to.

    c. Xử lý thực bì:

       - Xử lý thực bì toàn diện: Áp dụng đối với trồng rừng thuần loài. Phát toàn diện thảm thực bì, băm nhỏ dọn thành từng luống vuông góc với hướng dốc chính, không được đốt.

       Xử lý thực bì cục bộ: Áp dụng đối với trồng theo đám, phân tán trong dân. Chỉ phát thực bì tại khu đất trồng trong rừng khoanh nuôi, chân đồi và ven sông suối của rừng phòng hộ.

    d. Kỹ thuật làm đất

    -  Chuẩn bị đất xong trước khi trồng 1 tháng.

    - Cuốc hố kích thước 60 x 60 x 50 cm

    - Lấp hố và bón lót phân: lấp đất 2 phần 3 hố bằng lớp đất mặt nhỏ mịn, trộn đều đất trong hố với 2 kg phân vi sinh hoặc 4 - 5 kg phân chuồng hoai và 0,2 kg phân NPK5:10:3

    e. Kỹ thuật trồng

    - Vận chuyển và bảo quản giống: cắt bớt phần ngọn của các cành mới chừa lại 50-60 cm, vận chuyển đi xa không được để giống bị dập, vỡ bầu hoặc bị héo; chưa trồng ngay phải tập kết giống nơi râm mát, phủ một lớp đất mỏng và tưới giữ ẩm.

    - Trồng: Vào những ngày trời dâm mát khi đất đủ ẩm thì tiến hành trồng. Khi trồng dùng cuốc khơi đất ở giữa hộ với độ sâu đảm bảo khi đặt cây xuống thì mặt bầu thấp hơn mặt đất tự nhiên khoảng 5 - 10 cm. Sau đó lấp đất nén chặt. Sau khi trồng phải phủ các vật liệu như cỏ, rơm rác, cành lá vào cây mới trồng để giữ ẩm cho cây.

    5. Chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng.

    a. Chăm sóc

    - Trồng dặm: Được tiến hành trồng thời với lần chăm sóc thứ nhất.

    ­- Năm thứ nhất:

    + Số lần và thời vụ chăm sóc: Chăm sóc 2 lần nếu trồng rừng vào vụ xuân, chăm sóc 1 lần nếu trồng rừng vào vụ thu. Thời vụ chăm sóc: Lần 1 vào tháng 7 đến tháng 8, lần 2 vào tháng 10 đến tháng 11.

    Nội dung chăm sóc:

    Chăm sóc lần 1 (tháng 7 - 8 đối với trồng rừng vụ xuân): Phát dây leo cây bụi và rẫy sạch cỏ quanh gốc, cuốc cách gốc 20 cm theo hình vành khuyên rộng 0,5 m sâu 10 - 15 cm.

    Chăm sóc lần 2 với trồng rừng vụ xuân và lần 1 với trồng rừng vụ thu (tháng 10 và tháng 11): Phát dây leo cây bụi và rẫy sạch cỏ quanh gốc, cuốc quanh gốc theo hình vành khuyên rộng 1,0 m sâu 15 - 20 cm.

    - Chăm sóc năm 2, 3, 4:

    + Số lần và thời vụ chăm sóc: Mỗi năm chăm sóc 3 lần, lần 1 vào tháng 2 đến tháng 3, lần 2 vào tháng 7 đến tháng 8 và lần 3 vào tháng 10 đến tháng 11. 

    Nội dung chăm sóc:

    Chăm sóc lần 1, 3 (tháng 2-3, tháng 10-11): Phát dây leo cây bụi và rẫy sạch cỏ quanh gốc, cuốc quanh gốc theo hình vành khuyên rộng 1,0 m sâu 15-20 cm

    Chăm sóc lần 2 (tháng 7 - 8): phát dây leo cây bụi quanh gốc, không cuốc xới quanh gốc

    - Bón phân: Bón phân vào chăm sóc lần 1 năm 2,3,4 (vào tháng 2 đến tháng 3). Liều lượng lượng bón như sau: 4 kg phân vi sinh + 0,3 kg NPK16:16:8 hoặc 3 - 5 kg phân chuồng hoai + 0,6 kg phân NPK16:16:8

    b. Nuôi dưỡng rừng

    - Đối tượng chặt vệ sinh là rừng cuối tuổi 3, cây chặt là những cây Tre ngọt 3 tuổi.

    - Thời vụ chặt vệ sinh được tiến hành vào mùa khô: từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

    - Kỹ thuật chặt: Chặt sát gốc, dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh.

    c. Bảo vệ rừng

    - Sâu vòi voi hại măng: Cuốc quanh gốc theo hình vành khuyên tất cả các búi trong lâm phần, cuốc rộng 1m, sâu 20 - 25 cm, kết hợp với lần chăm sóc vào tháng 10 - 11.

     - Phòng chống cháy rừng: Dọn sạch cành nhánh sau khi chặt vệ sinh hoặc khai thác chọn. 

     

     

    Hoàng Thế Anh - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái