• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Khởi sắc nông nghiệp Văn Yên
    19/02/2024 2:25:00 CH
    Lượt xem: 4389

    Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh nông nghiệp huyện Văn Yên năm qua đã có nhiều dấu ấn nổi bật. Để nắm rõ hơn những kết quả, chỉ tiêu cũng như mục tiêu, giải pháp trong phát triển nông nghiệp thời gian tới, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên về vấn đề này.

    Lãnh đạo huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Đông An.

     

    P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Yên năm 2023? Những kết quả này đã góp phần như thế nào trong bảo đảm an ninh lương thực cũng như xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân?

    Đồng chí Phạm Trung Kiên: Năm 2023, ngành nông nghiệp huyện Văn Yên phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: giá vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao; đặc biệt là tình hình thiên tai đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và sinh trưởng, phát triển của cây trồng trên địa bàn. Ngoài ra, giá thức ăn cho chăn nuôi luôn ở mức cao, giá lợn thịt không ổn định, giá trâu, bò hơi thấp; do đó, việc tái đàn trong nông hộ chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, kế hoạch đã đề ra; mặt khác, đàn trâu giảm do sự phát triển về công nghệ và vận dụng nhiều máy móc. 

    Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện; sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp; đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn và nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng như: giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 2.798 tỷ đồng, bằng  100,4% so với kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt 58.125 tấn, bằng 101,2%  so với kế hoạch; tổng đàn gia súc chính 133.184/132.880 con; trồng rừng đạt 3.130,7 ha, bằng 102,1 % kế hoạch năm...

     

    Đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên

     

    Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh đã có hiệu quả rõ rệt, triển khai đúng đối tượng, tổ chức nghiệm thu theo kế hoạch, góp phần nâng cao số lượng đầu đàn gia súc, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện. 

    Trong năm 2023, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện được 275 mô hình và 11 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nghiệm thu, giải ngân và 5 chuỗi liên kết giá trị tiếp tục được triển khai thực hiện. 

    Những kết quả trên, đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn cũng như tạo "động lực” để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đỏi giảm nghèo bền vững. 

    P.V: Bên cạnh những kết quả nổi bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, huyện Văn Yên được biết đến là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP. Xin đồng chí cho biết, toàn huyện hiện đã xây dựng được bao nhiêu sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị nông lâm sản và thu nhập cho người dân?

    Đồng chí Phạm Trung Kiên: Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện đã có 48 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó, 45 sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao của 12 HTX, 8 doanh nghiệp và 1 tổ hợp tác. Qua đánh giá, Chương trình OCOP bước đầu đã góp phần nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng và đây là động lực mới trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn. 

    Bên cạnh đó, Chương trình còn mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Thông qua việc tham gia vào Chương trình OCOP, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng sản phẩm, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời, đảm bảo các điều kiện theo quy định. Một số sản phẩm đã được sự quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà phân phối lớn như: chuối Ngự tiến Yên Hợp và chuối Ngự tiến Yên Hợp sấy dẻo. 

    Đặc biệt, sản phẩm Trà Quế của Doanh nghiệp Tư nhân Phương Nhung Văn Yên đã được tham gia trưng bày sản phẩm mẫu tại nước Anh. Ngoài ra, Chương trình bước đầu cũng khuyến khích được các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

    P.VXin đồng chí cho biết định hướng trong phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới và để đạt được mục tiêu, huyện tập trung triển khai những giải pháp gì?

    Đồng chí Phạm Trung Kiên: Mục tiêu của huyện là phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái. 

    Do vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên bố trí nguồn lực cơ cấu ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. 

    Huyện cũng tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án "Phát triển trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Văn Yên”; xây dựng nhãn hiệu, xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện; tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững cho nông sản, bảo đảm hầu hết các sản phẩm chủ lực và đặc sản của huyện đều có doanh nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ; củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; phát triển mới 5 sản phẩm OCOP 3 sao...

    P.VXin trân trọng cảm ơn đồng chí!

      

    Báo Yên Bái