Nấm mộc nhĩ có tên khoa học là Auricularia auricula, mọc phổ biến ở thân cây gỗ mục trong rừng vào mùa mưa, trời ẩm. Nấm mộc nhĩ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ăn nhiều mộc nhĩ giúp trị các bệnh về đường ruột. Để giúp người dân có thu nhập từ việc nuôi trồng nấm mộc nhĩ, Trung tâm Khuyến nông xin hướng dẫn 1 số biện pháp kỹ thuật nuôi trồng nấm mộc nhĩ như sau:
1. Thời vụ nuôi trồng:
Do đặc tính của mộc nhĩ ưa ẩm và nóng nên thời kỳ tốt nhất để trồng là tháng 3 đến tháng 7 dương lịch hàng năm.
2. Chọn gỗ:
Nấm mộc nhĩ thường trồng trên các loại thân gỗ lá rộng, có nhựa mủ, không chứa tinh dầu, gỗ mềm, đường kính từ 5cm trở lên, tốt nhất là những khúc gỗ có đường kính từ 15 - 20cm. Các loại gỗ thường dùng là: Trẩu, Sung, Vả, Mít, Bồ đề, Si, Giâu gia xoan, Cao su, Sau sau,…
Đối với trồng nấm mộc nhĩ trên cây tươi, tốt nhất là sau khi chặt cây từ 5 - 7 ngày thì cấy giống. Không cấy giống vào những khúc gỗ đã khô lâu ngày. Khi chặt tránh không để dập, bong vỏ. Cắt thành từng đoạn dài từ 1 - 1,2m để nuôi trồng
3. Dụng cụ:
Dùng búa chuyên dụng để đục lỗ. Lỗ sâu từ 1,5 đến 2,5cm, đường kính lỗ từ 1,5 đến 2,5cm (Có thể dùng khoan để khoan lỗ, đường kính mũi khoan từ 1,5 - 2,0cm). Ngoài ra phải chuẩn bị bình tưới nước, một số bao tải gai hoặc chiếu cũ đã giặt sạch phơi khô để làm vật che phủ.
4. Kỹ thuật trồng cấy nấm mộc nhĩ:
+ Tiêu chuẩn giống: Sử dụng giống nấm mộc nhĩ nuôi trồng phải đạt được các yêu cầu sau:
- Về màu sắc: Túi giống phải có màu trắng đồng nhất, không có các màu sắc lạ như: đen, xanh, vàng, cam,......
- Hệ sợi nấm mộc nhĩ khỏe, chia nhánh đều, không có tơ rối bông; hệ sợi nấm phải mọc kín đáy túi giống. Hệ sợi nấm không kết dày thành từng mảng trên bề mặt hoặc ở thành túi giống.
- Túi giống có mùi thơm đặc trưng, không có mùi chua, không có hiện tượng tiết dịch màu nâu hay màu vàng ở hông hoặc ở đáy túi.
+ Kỹ thuật nuôi cấy: Cây gỗ sau khi chặt được cắt thành từng đoạn 1 - 1,2cm. Nhúng hai đầu đoạn gỗ vào nước vôi 1% để ngăn chặn nấm mốc phát triển, các chỗ xây xát cũng bôi nước vôi.
Các lỗ trên thân cây sau khi đã được đục, khoan tạo có kích thước lỗ cách nhau 10 - 15cm; Kích thước hàng lỗ cách nhau 10 cm và nên để so le hàng, các lỗ cách mép đoạn gỗ 5 - 7cm, ta nhặt các phoi gỗ bật ra cắt thành từng phiến mỏng 0,2cm cất đi để sau khi cấy giống làm nắp tre lỗ đã cấy giống.
Cần khử khuẩn đồ đựng và túi meo giống bằng bông tẩm cồn, để khô 5 - 10 phút, mở nút bông túi giống, xé bỏ bao nilon của túi giống , xổ giống vào thau nhựa, dùng hai tay bẻ giống thành từng viên nhỏ vừa lỗ cấy, tránh vò nát giống sau đó tra giống vào lỗ cấy, dùng tay ấn nhẹ viên giống xuống cho đến khi vừa đầy miệng lỗ cấy, dùng miếng phoi gỗ đã cắt mỏng đậy lên miệng lỗ cấy. Sau khi đậy nắp phoi gỗ lên miệng lỗ cấy, trét xi măng lên miệng lỗ cấy nhằm giữ cho giống không bị khô đồng thời chống kiến, gián chui vào ăn.
Chú ý: Lượng giống cấy phải vừa đủ, 1m3 gỗ cần dùng khoảng 3kg giống, khúc gỗ nào được đục lỗ xong chúng ta nên cấy giống ngay, không nên đục lỗ hàng loạt rồi mới cấy giống, tránh bào tử nấm dại xâm nhập vào khúc gỗ.
5. Ủ gỗ đã cấy giống:
Nên để ở nơi có nền bằng bê tông, gạch hoặc gạch vỡ xếp theo kiểu cũi lợn, hoặc xếp theo hình khối cao 1,5m. Trên cùng phủ các bao tải hoặc chiếu cũ đã được chuẩn bị trước và được làm ướt.
Sau khi đã tra giống, xếp gỗ vào nhà hoặc dưới bóng cây. Nơi ủ phải sạch sẽ. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm lớp bao tải phủ ngoài đống ủ nhưng lưu ý tránh tưới nhiều nước, làm giống chết do sũng nước trong các lỗ.
Sau khi ủ 5 - 7 ngày phải kiểm tra độ ẩm khúc gỗ. Mùa hè 2 - 3 ngày tưới nước một lần. Trong quá trình ủ phải đảo gỗ, cứ 7 ngày đảo một lần, đảo từ trên xuống dưới. Trong quá trình ủ gỗ nếu phát hiện nấm non mọc ở các khúc gỗ nên vặt và lau cồn.
Sau 15 ngày kiểm tra xem giống mộc nhĩ có loang ra hay không bằng cách cưa cắt đầu gỗ. Nếu sợi nấm đã loang kín khúc gỗ, gỗ có màu trắng và mùi thơm. Những khúc có nấm mộc nhĩ mọc tốt được xếp lại và ủ tiếp 7 ngày nữa (lưu ý lúc này không cần tươí nước nữa).
Thời gian ủ sẽ mất khoảng 20 - 25 ngày. Lúc này sợi nấm sẽ phát triển lan khắp xung quanh thân gỗ vì giống đã mọc loang ra khắp nơi. Nấm non mọc lên lốm đốm trắng, chi chít và sần sùi như da cóc.
Sau khi đã ủ gỗ từ 20-25 ngày, nếu có điều kiện ngâm các khúc gỗ trong nước khoảng 12 giờ sau đó vớt gỗ lên và dùng búa gõ mạnh vào 2 đầu khúc gỗ để vỡ màng nước trong gỗ, cấp không khí kích thích ra thể quả hoặc tưới các khúc gỗ thật đẫm rồi xếp chúng dựng đứng hoặc dựa vào các thanh đỡ, cách nhau từ 4 - 6cm.
6. Chăm sóc và thu hái nấm mộc nhĩ:
Để đạt được năng suất cao, cần cho gỗ đã qua quá trình ủ vào nhà trồng. Nhà trồng có kích thước 4 x 6m, chiều cao 2m, có mái xung quanh thường bằng tre nứa để thông thoáng. Trong nhà buộc các thanh xà ngang cách nhau 1 - 1,5m để dựa các khúc gỗ, nền nhà lát gạch vụn.
Suốt giai đoạn này vẫn phải tưới nước thường xuyên. Tuỳ thời tiết nóng, nắng nhiều, ít mà ta điều chỉnh lượng nước tưới sao cho độ ẩm không khí trong nhà trồng đạt 90%.
Khoảng 15 ngày ta đảo gỗ một lần, đảo đều đầu trên xuống dưới, đầu dưới lên trên, đảo trong ra ngoài, ngoài vào trong,… sao cho đảm bảo độ ẩm đồng đều cho mọi phía của khúc gỗ.
Thu hái: Chọn những nấm mộc nhĩ mép xoăn (biểu hiện đã già) thì hái trước. Những nấm mộc nhĩ nhỏ để lại, chúng sẽ lớn dần lên, thời gian thu hái liên tục trong 30 - 45 ngày. Khi quả thể nhỏ, cuống nấm dài thì ngừng thu hái, tuốt sạch và tiếp tục ủ nấm lần 2 và thực hiện các bước như trên. Sau khi thu hoạch lần 2 lại tiếp tục ủ nấm lần 3 và thu hoạch nấm cho đến khi khúc gỗ bị mục. Quá trình thu hái kéo dài trong khoảng 6 - 8 tháng.
Hứa Minh Tuấn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái
Tin khác