• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Lục Yên xây dựng vùng nguyên liệu măng mai
    22/08/2023 2:27:00 CH
    Lượt xem: 4534

    Huyện Lục Yên có 600 ha tre măng mai, sản lượng hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn, giá trị trên 60 tỷ đồng. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân để phát triển và mở rộng vùng măng mai là vấn đề rất cần thiết mà nông dân trong huyện quan tâm hiện nay.

    Sản phẩm măng mai tươi xã Lâm Thượng.

     

    Trong những năm qua, nhân dân trong huyện chủ yếu khai thác, thu hoạch măng củ tươi và phơi măng khô bán tự do cho thương lái thu mua, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

    Các hoạt động phát triển trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ măng mai mang tính tự phát, riêng lẻ chưa có liên kết và cũng chưa có một đơn vị đầu mối nào đứng ra thu mua. Do đó, giá cả bấp bênh, không ổn định, thường xuyên bị ép giá. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân để phát triển và mở rộng vùng măng mai là vấn đề rất cần thiết mà nông dân trong huyện quan tâm hiện nay.

    Lâm Thượng là xã có diện tích măng mai lớn nhất của Lục Yên với 350 ha, với 642 hộ dân tham gia trồng tre lấy măng, tạo việc làm thời vụ cho gần 1.000 lao động với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. 

    Gia đình anh Hoàng Văn Ngói, thôn Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng có 1,2 ha tre măng mai, mỗi năm cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Anh Ngói cho biết: Cây măng mai có đặc tính là dễ trồng, phù hợp với cả đất dốc và đất bằng, tốn ít công chăm bón, không sâu bệnh, trồng khoảng 3 - 5 năm là cho thu hoạch và được thu hoạch thường xuyên trong 4 tháng. 

    Theo ông Hoàng Văn Thận - Bí thư Chi bộ thôn Khéo Lẹng, cả thôn có 208 hộ dân với trên 100 ha măng mai. Đây là loại cây trồng chính mang lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm măng mai thường xuyên bị thương lái ép giá, có địa bàn thôn còn xuất hiện bảo kê cho thương lái, chặn các thương lái khác vào địa bàn xã để thu mua. Thực tế đã cho thấy, cây măng mai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân địa phương. 

    Sản phẩm măng mai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu "Nhãn hiệu chứng nhận Măng mai Lục Yên”, đã xây dựng được Website công cụ quảng bá sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code. Ngoài ra, sản phẩm Măng mai Lục Yên đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. 

    Có thể thấy, phát triển trồng rừng bằng cây tre mai khai thác măng trên địa bàn huyện Lục Yên có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và lao động sẵn có trong vùng, kết hợp hài hòa giữa tác dụng phòng hộ với kinh tế rừng, phục vụ đời sống sinh hoạt tại chỗ và tạo ra sản lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. 

    Bên cạnh sản phẩm khai thác chính là măng thì cây tre mai còn cho thu hoạch lá bán cho các thương lái sơ chế xuất khẩu; thân cây tre sử dụng làm nhà, các đồ gia dụng trong gia đình phục vụ tại địa phương.

    Huyện Lục Yên đã có nhiều đợt khảo sát tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến măng để kêu gọi đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. 

    Từ những đặc điểm sinh thái của cây tre mai, UBND huyện Lục Yên đã triển khai xây dựng Dự án phát triển sản xuất tre mai lấy măng liên kết theo chuỗi giá trị. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu măng mai Lục Yên hiện có và tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đảm bảo cho sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

    Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia thực hiện trồng tre mai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. 

    Đảm bảo sản xuất ổn định để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu măng mai Lục Yên, trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Lục Yên dự kiến tiếp tục chăm sóc diện tích hiện có và mở rộng vùng nguyên liệu tập trung đạt trên 1.000 ha, trong đó diện tích hiện có khoảng 600 ha, trồng mới 400 ha tập trung chuyển đổi các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng tre mai.

     

    Theo Bí thư Chi bộ thôn Thâm Pất, thôn Khéo Lẹng và nhiều người dân địa phương, trên địa bàn xã Lâm Thượng đang có hiện tượng thương lái thuê bảo kê ngăn chặn các thương lái khác vào xã thu mua măng. Việc này đã tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh thị trường, dẫn đến nông dân chỉ có thể bán măng cho một thương lái và bị ép giá. Do vậy, huyện Lục Yên cần khẩn trương xây dựng vùng nguyên liệu, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, thực hiện ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, đảm bảo giá trị thực tế của cây tre măng, đem lại lợi ích chính đáng cho người trồng măng.

      

    Báo Yên Bái