Diện tích đất trồng lúa của xã Nậm Khắt nhiều chỗ khô cằn, thiếu nước, ruộng 1 vụ đôi còn khó khăn nay lại hình thành nên cánh đồng hoa hồng rộng lớn, cho thu nhập lên đến 700 triệu đồng/ha. Đó là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện Mù Cang Chải đang triển khai nhằm nâng cao giá trị cho đất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có gần 60 ha đăng ký thực hiện chuyển đổi sang trồng hoa hồng.
Chẳng ai có thể ngờ ở xã Nậm Khắt lại có thể hình thành nên cánh đồng hoa hồng rộng lớn, cho thu nhập lên đến 700 triệu đồng/ha như vậy, bởi đất này vốn là trồng lúa, nhiều chỗ còn khô cằn, thiếu nước, ruộng 1 vụ đôi khi còn khó khăn.
Rồi Hợp tác xã (HTX) Hoa Hồng Nậm Khắt thành lập trên đất này, họ tạo mặt bằng, dẫn nước, cải tạo đất, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trồng thành công cả chục giống hoa hồng các loại, lại có đầu ra ổn định.
Sau khởi đầu thành công của HTX nhiều người dân xã Nậm Khắt đã mạnh dạn phát triển mô hình này. Từng làm công nhân tại HTX Hoa Hồng Nậm Khắt, năm 2020, chị Lý Thị Phếnh ở bản Làng Sang đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm để mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất ruộng kém hiệu quả của gia đình sang trồng 1 vạn gốc hoa hồng Pháp.
Chị Phếnh chia sẻ: "Trồng hoa tuy vất vả và đòi hỏi phải có kiến thức từ việc bón phân, cắt tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… đều phải đúng kỹ thuật thì hoa mới phát triển, bông to. Song, trồng hoa cho thu nhập cao hơn hẳn. Ngay năm đầu tiên thu tỉa, gia đình tôi đã có được 100 triệu đồng. Tôi cũng đã tìm được một số đầu mối thu mua dưới Hà Nội để ổn định đầu ra, nên tôi tiếp tục thuê thêm đất ruộng của bà con, nâng diện tích lên 2 ha, thuê 10 lao động địa phương làm thời vụ".
"Hiện, mỗi héc - ta hoa cho thu khoảng gần 50 vạn bông, với giá trung bình 1.500 đồng/bông, bình quân 1 ha hoa hồng cho thu 700 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận hàng năm đạt trên 200 triệu đồng/năm” - chị Phếch nói.
Trồng rau màu cũng là hướng đi mà nhiều người dân Mù Cang Chải lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Giàng A Pao ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải có 3.000 m vuông đất ruộng, sau khi tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, anh Pao đã được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và nắm được các kiến thức cơ bản sử dụng an toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật, được thu mua sản phẩm với giá tương đối cao và ổn định.
Anh Pao chia sẻ: "Một năm sản xuất 3 vụ, trên 3.000 m vuông đất ruộng của gia đình cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Có thu nhập, chúng tôi không những thoát nghèo mà còn có điều kiện để mua sắm xe máy, tivi… ”.
Còn rất nhiều đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải đã và đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây giá trị hơn. Họ cũng thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất, lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi 62 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Qua đánh giá, các diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa hồng đã cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần, trồng rau màu gấp 6 lần…
Cũng từ đây, huyện đã hình thành được 2 vùng hàng hóa lớn của huyện gồm 55 ha hoa hồng và 25 ha rau sạch hàng hóa. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, hàng năm, huyện Mù Cang Chải rà soát ở từng diện tích đất lúa kém hiệu quả gắn với quy hoạch sản xuất.
Từ đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích lúa nước không đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất, năng suất thấp, kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, khuyến khích, ưu tiên các mô hình phù hợp với điều kiện canh tác và thị trường tiêu thụ; chỉ đạo cán bộ khuyến nông, nông nghiệp thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đồng hành cùng nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất.
Cùng với đó là chú trọng việc sản xuất gắn kết chặt chẽ "4 nhà”, nhất là mối liên hệ giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị và sản xuất bền vững.
Báo Yên Bái