Thực hiện Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao thực hiện 5 nhiệm vụ. Để triển khai, Sở NN&PTNT đã chủ động trong công tác tham mưu, sớm ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, chính sách làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành thực hiện trong năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm.
Cán bộ ngành nông nghiệp Mù Cang Chải hướng dẫn đồng bào canh tác cây mía.
Trước hết, ngành tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Ngay từ đầu năm, Sở đã hoàn thành việc tổng hợp nhu cầu thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh trong năm 2023, trình UBND tỉnh xem xét. Từ đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kinh phí thực hiện đợt 1 với tổng kinh phí là 33,189 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ nhân dân tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Trong 3 tháng đầu năm, sản xuất đông xuân và vụ xuân được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và thời vụ. Hiện, diện tích lúa đã cấy đạt 19.361 ha, không phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc chính ước đạt 728.072 con, bằng 88,8% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 21.177 tấn, bằng 31,6% kế hoạch; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 3.644 tấn…
Lâm nghiệp tiếp tục được quan tâm phát triển đa mục tiêu; làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu phát triển kinh tế dưới tán rừng. Trồng rừng mới năm 2023 đã đạt 61,9% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 63%.
Ngành cũng đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp rà soát các diện tích đủ điều kiện cấp chứng chỉ rừng; tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia. Đồng thời thống nhất các nhiệm vụ triển khai cấp chứng chỉ rừng trong năm 2023 cũng như tiến độ thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành 32.200 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS) hoặc chứng nhận hữu cơ đối với cây quế.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành được giao tiêu chuẩn hóa thêm 31 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và nâng cấp 3 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững cho nông sản.
Anh Hờ A Song - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (chủ thể sản phẩm gạo Séng cù đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023) cho biết: "Thông qua tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu được lợi ích khi chuẩn hóa sản phẩm. Bởi vậy, dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm nâng tầm sản phẩm gạo bản địa bằng Chương trình OCOP. Quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình và đồng hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các ngành và chính quyền địa phương từ việc đồng bộ các biện pháp canh tác an toàn, kiểm nghiệm mẫu đất, nước cho đến bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc…”.
Song song với Chương trình OCOP, ngành cũng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM) đảm bảo kế hoạch đề ra. Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 cũng được nhận định, kịp thời báo cáo để được hướng dẫn triển khai thực hiện.
Tỉnh phấn đấu trong năm 2023 có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 106 xã (chiếm 70,67%), thêm 9 xã NTM nâng cao và 4 xã NTM kiểu mẫu; huyện Yên Bình đạt chuẩn NTM.
Thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ để hoàn thành kịch bản tăng trưởng quý II, góp phần để tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2023 (theo giá so sánh 2010) đạt 5%, cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 22%.
Báo Yên Bái