Tận dụng lợi thế nguồn nước, khí hậu, nhiều địa phương của Yên Bái đã khuyến khích, triển khai xây dựng các mô hình nuôi cá tầm. Từ manh nha một vài mô hình, đến nay nghề nuôi cá tầm đã hình thành chuỗi liên kết, trở thành sản phẩm OCOP, mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.
Là người đầu tiên ở địa phương đưa cá tầm về nuôi, hiện nay, mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Giàng A Châu, thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên thường xuyên duy trì 2.000 con cá thương phẩm/lứa; dự kiến trong 2 năm 2023 - 2024 xuất ra thị trường khoảng 6 tấn cá.
"Cuối năm 2017, tôi mua 100 con cá tầm ở Sa Pa về nuôi. Sau một lứa thử nghiệm, nhận thấy tiềm năng kinh tế, mang lại hiệu quả cao nên gia đình tiếp tục nhân rộng quy mô nuôi. Loại cá này rất phù hợp với nguồn nước chảy ra từ các khe suối trong rừng. Cá ít bị dịch bệnh, đặc biệt là cá tầm nuôi thương phẩm ở đây bảo đảm chất lượng tốt, nên được nhiều người tiêu thụ dù giá cao” - ông Giàng A Châu cho biết thêm.
Cùng với mô hình nuôi cá tầm của ông Giàng A Châu, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã liên kết với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển, Trường Đại học Hùng Vương thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm giúp hạn chế được các rủi ro; kỹ năng quản trị hướng tới mở rộng tiêu thụ sản phẩm ổn định, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, các quy trình nuôi đến đầu ra của sản phẩm đều được vận hành tốt theo chuỗi giá trị.
Anh Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: "Hiện nay, HTX có 14 thành viên với 20 bể bạt nổi, 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô trên 2 vạn cá/ năm, trung bình mỗi lứa HTX xuất bán khoảng 8.000 con cá thương phẩm, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm. Sản phẩm cá tầm Nà Hẩu cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Để phát triển hơn nữa, HTX đã tiến hành triển khai áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho thương hiệu cá tầm Nà Hẩu”.
Được biết, từ hiệu quả ở vùng cao Nà Hẩu, hiện nay, huyện Văn Yên đang triển khai xây dựng 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm tại xã Phong Dụ Thượng và xã Đại Sơn. Hiện, các xã đã tổ chức họp các thôn để thông báo, triển khai, các hộ đã đăng ký thực hiện và đang làm các thủ tục thành lập các HTX để chủ trì chuỗi liên kết.
Cùng với Văn Yên, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tận dụng tiềm năng, lợi thế đưa vào khai thác nuôi cá nước lạnh mang lại giá trị cao. Tiêu biểu trong đó phải kể đến huyện vùng cao Mù Cang Chải với 4 trang trại nuôi cá tầm, diện tích nuôi trên 1,6 ha, hằng năm cung cấp ra thị trường gần 90 tấn cá thương phẩm.
Theo những người nuôi cá nơi đây, việc quản lý môi trường nước, nhất là kiểm soát lượng oxy, điều chỉnh, duy trì lượng nước lưu thông cũng như nhiệt độ nước ở ngưỡng thích hợp có vai trò quan trọng để cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Còn tại huyện Trấn Yên, hiện nay cá tầm được nuôi tập trung ở xã Việt Hồng với 4 cơ sở nuôi có quy mô nhỏ và vừa; trong đó, nổi bật là mô hình của anh Đào Văn Phú, thôn Bản Nả. Sau khi đi tham quan, học tập kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi như: Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La… năm 2019 anh Đào Văn Phú và anh Hoàng Văn Bình ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng đã cùng nhau đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm với quy mô hơn 2.300 m vuông, với 11 bể nuôi cá thịt và 24 bể ươm cá giống; trung bình nuôi 5.000 con cá thịt/lứa, sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn, đem lại thu nhập gần 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Hiệu quả kinh tế từ các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định. Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại hình chăn nuôi đặc sản này cần chú trọng đến các yếu tố về nguồn nước, môi trường sống.
Những bài học về thất bại trong nghề nuôi cá nước lạnh đã có, nhất là hiện nay biến đổi khí hậu làm nhiệt độ nước tăng lên, nắng nóng, khô hạn kéo dài, tần suất mưa lũ thường xuyên đã, đang gây ra những tổn thất vật chất khó lường cho người nuôi cá nước lạnh. Hơn nữa, nguồn tài nguyên nước để nuôi cá nước lạnh khá hạn chế và phải chia sẻ nguồn nước với nhiều ngành nghề khác như thủy lợi, nước sinh hoạt...
Trước thực trạng đó, quan điểm, chiến lược phát triển thủy sản nước lạnh của tỉnh trong thời gian tới là, không tăng nhiều diện tích nuôi và thay vào đó là tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng phòng dịch, quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở hiện nay với phương thức nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước lạnh; đồng thời, quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, xử lý nghiêm các hành vi làm tổn hại môi trường tự nhiên.
Cùng với đó, bên cạnh việc tăng cường chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tạo đầu ra vững chắc trên thị trường, ngành thủy sản Yên Bái cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững, khắc phục tận gốc tình trạng phát triển "nóng” và giảm thiểu tổn thương của ngành nghề này do các vấn đề về môi trường.
Báo Yên Bái
Tin khác