• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Thanh long ruột đỏ trên đất Mỹ Gia
    13/06/2024 8:42:00 SA
    Lượt xem: 1575

    Nằm ở phía Đông Hồ Thác Bà, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, địa hình, khí hậu thuận lợi là điều kiện tốt cho các loài động, thực vật sinh sôi phát triển, tạo nên tính đa dạng sinh học trong vùng. Với lợi thế tiềm năng được khai thác tốt, xã Mỹ Gia đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế toàn diện, tạo đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

    Là một trong những hộ tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, gia đình chị Nông Thị Bích Thư thôn Đồng Tâm, xã Mỹ Gia khá lên nhờ chuyển đổi đất trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Chị Thư chia sẻ: “Gia đình bén duyên với trồng thanh long từ năm 2016, tình cờ vợ chồng chị xem trên báo đài, các chương trình nông nghiệp đã biết đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nhận thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, đất trồng của gia đình nên vợ chồng anh chị quyết định chuyển hướng đầu tư vào diện tích loại cây trồng này”.

    Thanh Long ruột đỏ là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, thị trường khá ưa chuộng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá lớn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm tiếp theo chỉ cần chăm sóc tốt.

    Ban đầu, từ nguồn vốn tích lũy của gia đình, anh chị đã quyết định đầu tư làm 400 cọc bê tông trên diện tích rau màu kém hiệu quả. Để có được trụ thanh long vững chắc, gia đình chị thiết kế trụ bê tông thiết kế cao từ 1,8 - 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu 50cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3 - 1,4m cho cây bám rẽ phát triển và tỏa nhánh xuống xung quanh. Nhờ cung cấp đủ lượng nước, phân bón ngay từ thời điểm vừa trồng, sau hơn 1 năm, vườn thanh long của gia đình chị đã cho ra những trái đầu tiên.

    Để có được nguồn giống đảm bảo chất lượng và thuận tiện cho việc vận chuyển, gia đình chị quyết định lựa chọn mua giống vườn giống có uy tín của tỉnh Tuyên Quang. Là giống cây mới, chưa nhiều hộ dân trong xã trồng, nên để nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, chị đã thường xuyên cập nhật thông tin trên truyền hình, báo chí và đặc biệt các hộ đang trồng thanh long ở các địa phương lân cận. Chị Thư chia sẻ: “ Thanh long tuy dễ trồng nhưng khâu chăm sóc cũng đòi hỏi người chăm sóc phải chú ý ở phòng trừ sâu bệnh hại. Thanh long dễ bị các bệnh do nấm gây ra hoặc sâu hại như ruồi đục trái hoặc kiến lửa, vì vậy gia đình tôi luôn vệ sinh vườn sạch sẽ, tạo độ thông thoáng và thoát nước tốt cho vườn, tiêu hủy những cành và trái bị bệnh để tránh lây lan diện rộng, bón phân cân đối và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng và điều trị sâu bệnh hại hiệu quả”.

    Cũng theo kinh nghiệm của chị Thư, thanh long cần được cung cấp đủ nước và thường xuyên, đặc biệt là trong thời điểm mùa khô hoặc cây đang phát triển, chuẩn bị ra trái, trái sắp chín và phòng trừ cỏ dại để tránh tình trạng thanh long khó hấp thụ được dinh dưỡng từ đất trồng xung quanh.

    Hiện tại, vườn thanh long nhà chị Thư có 700 trụ, trong đó 400 trụ đang cho thu hoạch, 300 trụ còn lại  bắt đầu ra quả năm đầu tiên. Tính trung bình mỗi năm thanh long của gia đình chị cho thu hoạch 8 lứa, mỗi lứa khoảng 2 tấn quả, với giá trung bình tại vườn khoảng 17.000đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí gia đình chị cũng thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

     

    Mô hình thanh long ruột đỏ của chị Nông Thị Bích Thư thôn Đồng Tâm, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình

     

    Từ sự mạnh dạn thay đổi, không ngại khó, ngại khổ và quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, mô hình của gia đình chị Thư được biết đến là mô hình dân vận khéo tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế tại địa phương. Ông Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình cho biết: “Mô hình thanh long ruột đỏ của hộ chị Nông Thị Bích Thư thôn Đồng Tâm là một trong những mô hình điển hình về phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Chị Thư đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Thư đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa vào trồng những cây có giá trị để nâng cao thu nhập”. 

    Triệu Linh Hương - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái